Bà vừa được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 20 phụ nữ truyền cảm hứng - hạng mục sống đẹp, tấm gương tiêu biểu trong xã hội năm 2021 và là một trong 3 phụ nữ Việt lọt vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu năm 2017 do hãng tin Anh BBC bình chọn.
Bà Trần Thị Kim Thia (hay được gọi với cái tên thân thuộc bà Sáu Thia) sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo thuộc ấp 6, xã Bình Xuân, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Gia đình có 8 anh chị em thì đến 5 người tham gia cách mạng và 3 trong số đó đã hy sinh trong chiến trường khốc liệt. Bà Thia từng tham gia cách mạng với vai trò giao liên. Sau ngày thống nhất, cha mẹ lần lượt qua đời, bà Thia một thân một mình lên TP.HCM kiếm sống. Nhưng rồi cũng không mấy khá giả, được bạn bè hướng dẫn, bà Thia về sống tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp với không ít nghề vất vả mà chỉ có đàn ông mới có thể làm được như: thợ hồ, đốn tràm thuê, cấy lúa, nhổ cỏ…
|
Với lối sống giản dị, không muốn ràng buộc nên bà cũng chỉ ở vậy một mình cho đến nay. Vốn tính cần cù, chịu khó nên công việc nào bà Sáu Thia cũng làm để có thể có cuộc sống bình yên qua ngày. Nhà thuộc hộ nghèo, phải kiếm sống bằng nghề bán vé số và nhiều công việc làm thuê khác nhưng lúc nào vẫn thấy trong bà nghị lực phi thường, niềm vui và tinh thần lạc quan với cuộc sống.
Hơn 3.800 trẻ được dạy bơi miễn phí
Chắc có lẽ cũng là cái duyên nên năm 1992, bà Thia được Hội LHPN xã Hưng Thạnh vận động tham gia công tác tại Chi hội phụ nữ ấp. Số tiền phụ cấp không nhiều nên bà kiếm thêm công việc để làm, đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Năm 2002, khi xã Hưng Thạnh triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ em, bà Sáu Thia được mời làm “thầy” dạy bơi. Bà Sáu Thia chia sẻ lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn, phần vì chưa từng được tập huấn dạy bơi, không có nhiều kinh nghiệm, phần vì các hộ gia đình vẫn còn nghi ngờ về “trình độ” dạy bơi của một bà phụ nữ ấp. Bà phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để vận động gia đình cho con em tham gia lớp phổ cập bơi miễn phí.
Câu chuyện về lớp phổ cập bơi của bà Thia là cả một quá trình đi từ khó khăn này đến khó khăn khác, ban đầu số lượng học viên tham gia không nhiều, chỉ từ 10 - 15 em/lớp. Dụng cụ trang bị cho lớp bơi cũng vô cùng đơn giản, nó là những cọc gỗ, đoạn tre được kết lại và có lưới bao quanh thành khu tập trung cặp bờ sông. Phía trên là bãi đất trống để cả đám con nít khởi động trước khi xuống bơi. Không qua trường lớp đào tạo nhưng cách dạy bơi của bà Thia cũng “độc nhất vô nhị”. Ban đầu là những câu chào hỏi như: "Con ăn sáng chưa?", "Có thích tham gia lớp học không?", "Năm nay con bao nhiêu tuổi", "Con ai? Cháu ai?"... Những câu hỏi đó tưởng chừng vô nghĩa nhưng thật ra lại là cách để các em nhỏ tham gia lớp học cảm thấy gần gũi, tự tin hơn. Sau những câu chào hỏi là phần khởi động nào là tay, chân, rồi những điệu bộ cũng khá thú vị. Bà Thia còn bắt giọng cho cả đám con nít hát những bài hát quen thuộc tạo không khí vui nhộn trước khi bắt đầu dạy bơi.
Chính từ sự chân thành, gần gũi xem học viên như những đứa cháu trong gia đình nên chỉ vài ngày là các em đã biết bơi, nhanh thì 3 ngày, chậm lắm cũng 7 - 10 ngày. Mỗi lớp dạy bơi có từ 30 - 40 em/lớp, bình quân mỗi năm có từ 7 - 8 lớp học và học tập trung vào 2 - 3 tháng trong hè. Trẻ em tham gia lớp học từ 7 - 15 tuổi, những trẻ nhỏ hơn thì vẫn cho tham gia để làm quen với môi trường. Mỗi ngày, bà Sáu Thia cho các em học 2 buổi: sáng từ 8 - 10 giờ và buổi chiều từ 3 - 5 giờ chiều. Sau khóa học, tất cả trẻ em đều vượt qua kỳ sát hạch của Trung tâm văn hóa và thể thao huyện Tháp Mười và được cấp giấy chứng nhận.
|
Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh bắt đầu cho con em theo học các lớp phổ cập bơi do bà Sáu Thia hướng dẫn. Những lớp dạy bơi của bà Thia cũng đặc biệt vì bà không hề thu bất kỳ khoản phí nào của phụ huynh. Bà Thia bộc bạch, những lần xem ti vi thấy nhiều trường hợp trẻ em bị chết đuối cảm thấy rất đau xót. Vùng sông nước như Đồng Tháp thì càng có nguy cơ cao hơn nếu trẻ em không biết bơi. Những kiến thức dạy bơi cũng học lỏm trên ti vi chứ không có tài ba gì nhưng bằng cái tâm, tình yêu thương trẻ con nên đứa nào cũng biết bơi nhanh chóng.
Ngoài dạy bơi và công tác phụ nữ ấp, bà Sáu Thia còn tham gia nhiều hoạt động xã hội tình nguyện của địa phương, cộng tác viên dân số suốt nhiều năm liền, dù bất cứ công việc nào, nhiệm vụ gì bà cũng hoàn thành xuất sắc.
Gần 20 năm dạy bơi miễn phí cho hơn 3.800 em trẻ trên địa bàn xã Hưng Thạnh - đó là những con số đếm được nhưng không ai có thể cân đong, đo hết được sự đóng góp to lớn của bà Thia. Ở cái tuổi gần 70 nhưng bà vẫn cặm cụi từng ngày dạy bơi cho trẻ em. Tâm sự với tôi, bà Thia bày tỏ: “Chỉ mong sẽ tìm được người để “truyền” lại việc dạy bơi miễn phí cho trẻ nhỏ trên địa bàn xã mà vẫn chưa tìm được. Bây giờ còn sức khỏe ngày nào là ngày đó vẫn tiếp tục dạy bơi cho mấy đứa nhỏ”.
Với tấm lòng nhân ái, trái tim đầy yêu thương và những việc làm cao quý mà bà Sáu Thia nhận về cho mình những phần thưởng đáng ghi nhận như: Huân chương Lao động hạng ba (2020), Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp...
|
Bình luận (0)