Nữ gen Z nghiên cứu thành công mô hình hỗ trợ phát hiện bệnh parkinson

04/05/2023 07:00 GMT+7

Sau khi tốt nghiệp vào cuối năm 2022, Nguyễn Thị Như Quỳnh (22 tuổi) đã quyết định ở lại Khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM với vai trò trợ giảng và tiếp tục hoàn thiện mô hình chẩn đoán bệnh parkinson (bệnh chậm vận động do thoái hóa thần kinh) bằng sóng điện não của mình.

"Bệnh parkinson có nhiều triệu chứng gây ảnh hưởng khá nhiều đối với cuộc sống như tay chân bị run liên tục, khó nói chuyện, cứng cơ bắp... Hiện tại, bệnh này vẫn chưa thể hoàn toàn chữa trị dứt điểm mà bệnh nhân chỉ có thể uống thuốc để giảm đi phần nào các triệu chứng và sống với nó suốt đời", Quỳnh cho hay.

Cũng theo Quỳnh, đa phần triệu chứng của parkinson sẽ xuất hiện ở người già nhưng hiện nay vẫn có nhiều người trẻ mắc bệnh do di truyền. Thế nên, cô muốn tạo ra một mô hình có thể ứng dụng sóng điện não để giúp việc chẩn đoán được căn bệnh này càng sớm càng tốt, từ đó, các bác sĩ có thể giúp đỡ bệnh nhân từ giai đoạn đầu tiên.

Nữ gen Z nghiên cứu thành công mô hình hỗ trợ phát hiện bệnh parkinson  - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Như Quỳnh và Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 24

Thượng Hải

Từ khi bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu, trung bình Quỳnh mất một tuần để có thể đọc và hiểu hết một bài báo khoa học dài hơn 10 trang có vô vàn thuật ngữ và lượng thông tin khổng lồ phải xử lý, có khi cô thức đến 2 giờ sáng để đọc tài liệu. Sau đó, Quỳnh sẽ bắt đầu viết lập trình cho mô hình nhưng bất lợi lớn nhất là cô không tìm ra được nguồn dữ liệu bệnh nhân, vì đây là thông tin riêng tư của mỗi bệnh viện và buộc phải được cập nhật mới nhất.

Dù hiện tại đã có thể viết được chương trình và xử lý các tín hiệu để chẩn đoán nhưng Quỳnh còn gặp một thử thách rất lớn, đó chính là làm sao để mô hình có thể đạt tính ứng dụng cao nhất nhằm đưa vào thực tiễn.

"Vì tích hợp trí tuệ nhân tạo nên mình cần phải cho mô hình "học" nhiều, mà để được như vậy thì cần một số lượng lớn dữ liệu người đưa vào thử nghiệm do tín hiệu điện não khá nhạy cảm, khi đo cần môi trường yên lặng và người bệnh phải cần tập trung. Mà việc để xin ứng dụng vào các bệnh nhân còn phải thông qua giấy từ hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học", cô gái này chia sẻ.

Thế nên, giai đoạn hiện tại mô hình vẫn đang dừng ở mức phục vụ cho nghiên cứu trong giáo dục chứ chưa thật sự đặt nặng quá sâu về việc giải quyết các vấn đề bệnh lý. Chính vì lý do đó mà Quỳnh đã tiếp tục ở lại khoa để vừa thực hiện vai trò trợ giảng, vừa tiếp tục hoàn thiện mô hình.

Là người cùng đồng hành và hỗ trợ Như Quỳnh trong quá trình nghiên cứu, thạc sĩ Võ Hoàng Thủy Tiên, giảng viên Khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho hay: "Xuất thân là cử nhân tài năng của khoa nên Quỳnh có tinh thần tự lập, học hỏi rất cao vì các thầy cô chỉ là những người đóng góp lời khuyên, còn việc định hình và nhận định cho tương lai cho nghiên cứu hoàn toàn đến từ sự nỗ lực của Quỳnh".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.