Nữ giám đốc làm phụ bếp, nấu cơm hỗ trợ tuyến đầu chống Covid-19 ở Gò Vấp

05/06/2021 14:27 GMT+7

Tuân thủ chấp hành quy định của chính quyền, nữ giám đốc Lê Thị Như Khương cũng cho các công nhân nghỉ việc tạm thời. Đã quen với nhịp độ công việc nên chị lại nảy ra ý định huy động gia đình tự nấu cơm gửi tặng các chiến sĩ chốt trực để chung tay cùng TP.HCM chống dịch Covid-19 .

Những ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM căng thẳng. Người dân tại nhiều quận huyện hạn chế ra đường. Tại Q.Gò Vấp (TP.HCM), các chốt kiểm soát dịch luôn duy trì lực lượng trực chiến nhằm kiểm soát, yêu cầu người dân khai báo y tế...

Chung tay chống dịch

Những người sống tại Q.Gò Vấp cho biết, các khu chợ dân sinh vắng tanh, lượng người đến mua rất ít.

Chị Khương khoe nồi canh chất lượng sắp đưa đến chốt tiếp tế cho lực lượng chống dịch.

ẢNH: TRẦN TIẾN

Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân sống tại Q.Gò Vấp phải tạm ngưng làm việc theo chỉ đạo của chính quyền địa phương; việc kinh doanh, buôn bán vì thế bị ảnh hưởng theo.
Tuân thủ chấp hành quy định của chính quyền, chị Lê Thị Như Khương (33 tuổi, Giám đốc một công ty thương mại tại Q.Gò Vấp) cũng cho các nhân viên nghỉ việc tạm thời. Mặc dù không quen chuyện bếp núc nhưng chị lại nảy ra ý định huy động gia đình tự nấu cơm từ thiện để chung tay cùng TP.HCM chống dịch Covid-19.
Chị Khương chia sẻ: “Ban đầu tôi có chút vốn riêng nên có ý định cùng gia đình tự nấu các phần cơm tiêu chuẩn của Nhật để mời cơm các chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Tôi có chia sẻ ý tưởng và được mọi người ủng hộ nhiệt tình”.
Chị Khương cho biết chỉ trong 2 ngày kêu gọi đã rất đông mạnh thường quân đến ủng hộ, với đủ loại nhu yếu phẩm và tiền mặt. Để có những phần cơm tiêu chuẩn này và đưa đến tay các lực lượng chống dịch trực chốt, chị Khương đã huy động thêm 5 người (là người trong gia đình và một trợ lý công ty - PV) đến hỗ trợ từ 5 giờ sáng. 

Mỗi ngày chị Khương cùng mọi người tiếp tế khoảng 200 đến 250 suất cơm đến các chốt kiểm soát dịch

ẢNH: TRẦN TIẾN

Thế nhưng, qua 2 ngày làm việc chị bất ngờ…ngưng nhận hỗ trợ. “Mình biết sức mình làm được bao nhiêu nên mình không dám nhận thêm. Lỡ không làm được thì mang tiếng lắm, nên nhận đủ hỗ trợ trong vòng 14 ngày phong tỏa thì tôi xin ngưng nhận hỗ trợ”, chị Khương giải thích.
Từ trưa 4.6, chúng tôi đến công ty của chị Khương trên đường Thống Nhất (P.11, Q.Gò Vấp), lúc này có 3 người phụ nữ tất bật việc bếp núc, phần cơm đủ các món.

Phần cơm với đầy đủ các món mặn, canh, rau.

Làm đến khi hết phong tỏa

Tiếp chuyện với chúng tôi chiều nay 4.6, chị Khương cho biết nhóm chị đã 'mời cơm' lực lượng chống dịch được 3 hôm nay, mỗi ngày dao động từ 200 - 250 suất cơm. Ngoài việc bếp núc, nếu các chị em khác bận rộn thì chị kiêm luôn giao cơm đến UBND phường hoặc các điểm tập kết. 

Gọt dưa leo, bổ sung vào thực đơn chiều 4.6.

ẢNH: TRẦN TIẾN

Chị cùng 5 thành viên khác dậy từ 5 giờ để chuẩn bị bữa trưa, nghỉ ngơi vài tiếng thì tiếp tục phần cơm chiều để kịp đưa đến chốt chống dịch.
Chị Khương cho biết để có những suất ăn chất lượng, chị cùng mọi người tìm nhiều nguồn cung cấp thực phẩm; anh Tuấn (chồng chị Khương) cũng chạy mua gạo do các mối không chịu giao đến Q.Gò Vấp.

Phần canh hạt sen hầm giò heo được nhóm của chị Khương chế biến.

ẢNH: TRẦN TIẾN

Cứ 11 giờ trưa và 16 giờ chiều, chị Khương hoặc chồng lại xách các suất cơm đến UBND các phường cho 20 chốt kiểm soát dịch; mỗi suất có giá trị khoảng 40.000 đồng.

Anh Tuấn (chồng chị Khương) đưa 40 phần cơm đến UBND P.11 (Q.Gò Vấp) để mời lực lượng chống dịch

ẢNH: TRẦN TIẾN

Kết thúc một ngày làm việc “chung tay vì Covid-19”, chị Khương lau mồ hôi, rồi nói: “Làm suốt thế này mệt thật nhưng thấy vui. Tôi cùng mọi người còn làm tiếp đến khi hết phong tỏa”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.