Thổi hồn vào những kiến thức khô khan
Đó là thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Loan, nữ giảng viên nghề điện - điện tử của Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM. Vượt qua nhiều giảng viên nam, thạc sĩ Hồng Loan vừa giành giải nhất tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, được tổ chức đầu tháng 11 vừa qua. Bài giảng của cô được đánh giá có nhiều sáng tạo và truyền cảm hứng cho người học.
|
Tiết giảng của thạc sĩ Loan có tên "Lắp mạch điều khiển động cơ bơm nước sử dụng contactor", một kiến thức quan trọng của nghề điện - điện tử. Mục tiêu của bài giảng là giúp người học hiểu được nguyên lý hoạt động của mạch và trình bày được quy trình lắp mạch, đạt được các kỹ năng lựa chọn được khí cụ điện theo yêu cầu của mạch, xây dựng được trình tự các bước thực hiện, lắp mạch hoạt động theo yêu cầu sử dụng và vận hành mạch đúng quy trình.
Nữ giảng viên xinh đẹp chia sẻ: "Nghề điện - điện tử vốn được xem là nghề của đàn ông, vì những kiến thức lý thuyết cũng như thực hành toàn là máy móc kỹ thuật khô khan. Chính vì thế, mình luôn tìm cách làm sao để bài giảng sinh động, hấp dẫn, giúp cho người học có cảm hứng. Trong mỗi bài giảng, phần dẫn nhập vô cùng quan trọng, quyết định không khí lớp học cũng như tạo sự lôi cuốn cho toàn bộ thời gian còn lại. Mình thường đưa ra những tình huống thực tế, kết hợp với các hình ảnh trên slide, đặt câu hỏi khơi gợi sự tập trung cũng như tư duy sáng tạo, phản biện nơi người học. Người học bắt buộc phải đưa ra ý kiến, cùng trao đổi, thảo luận, sau đó mình dẫn dắt đi vào nội dung chính của bài học. Xen vào việc truyền tải kiến thức, mình hay dùng những lời nói hài hước, dí dỏm để tạo tiếng cười thoải mái trong giờ học".
Đến phần thực hành, khâu quan trọng bậc nhất trong đào tạo nghề, thạc sĩ Hồng Loan cho rằng nếu người giáo viên hướng dẫn không giỏi nghề, không có kỹ năng thuần thục, nhuần nhuyễn thì có thể sẽ dạy sai, ảnh hưởng rất nhiều đến người học. "Chính vì vậy, mình luôn phải nỗ lực học hỏi, thường xuyên trau dồi nghề nghiệp, cọ xát với công việc thực tế để có thể làm mẫu cho sinh viên", thạc sĩ Hồng Loan bày tỏ.
Mong muốn nhiều bạn trẻ học nghề
Được biết, thạc sĩ Hồng Loan quê ở huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Sau khi tốt nghiệp THCS, vì huyện không có trường THPT nên Loan quyết định chọn một trường trung cấp ở TP.Đà Nẵng để vừa học nghề vừa học văn hóa. Tốt nghiệp nghề điện công nghiệp của trường này, Hồng Loan học liên thông lên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
|
"Sau khi tốt nghiệp ĐH mình có đi làm ở doanh nghiệp 6 năm, sau đó quyết định nộp hồ sơ vào Trường CĐ Kinh tế kỹ thuât TP.HCM và trở thành một giáo viên trường nghề. Có lẽ lựa chọn này một phần là do gia đình mình có truyền thống làm giáo viên, ba mẹ cũng mong muốn mình tiếp nối nghề giáo. Nhưng làm giáo viên của một ngành học mà đa số là nam như điện - điện tử thì đúng là một cái duyên. Nữ học kỹ thuật và làm giáo viên ngành kỹ thuật thì gặp phải một số khó khăn, như có những lúc phải tự mình mang vác đồ rất nặng, phải thao tác những hoạt động cần độ chính xác cao để đảm bảo an toàn như khoan tường, lắp đặt... Tuy nhiên mang vác đồ nặng quá thì được đồng nghiệp nam hoặc các em sinh viên hỗ trợ", thạc sĩ Hồng Loan chia sẻ.
Hiện nay, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng người tốt nghiệp CĐ, trung cấp ở khối ngành kỹ thuật rất nhiều, các trường nghề đào tạo không đủ để cung cấp, nên thạc sĩ Hồng Loan mong muốn bạn trẻ lựa chọn học nghề nhiều hơn nữa. "Dù học ĐH hay CĐ, trung cấp thì các em ra trường cũng mong muốn tìm kiếm được một công việc ổn định, có thu nhập cao. Và trong tương lai gần thì kỹ năng của người lao động sẽ quyết định công việc, quyết định sự tồn tại. Trong khi đào tạo nghề đang ngày càng đáp ứng được yêu cầu của thực tế doanh nghiệp, doanh nghiệp vẫn đến tận trường để tuyển dụng. Chỉ mong phụ huynh và các bạn trẻ thay đổi suy nghĩ, đừng chạy theo bằng cấp mà hãy chọn đúng nghề, đúng bậc học phù hợp với năng lực và nhu cầu của thị trường lao động, để có được thành công cho mình", nữ giảng viên Hồng Loan nhận định.
Bình luận (0)