Nữ giáo sư đầu tiên của ngành ngôn ngữ học Việt Nam qua đời

07/08/2020 17:14 GMT+7

Theo thông tin từ Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Nhà giáo nhân dân Hoàng Thị Châu, nữ giáo sư ngôn ngữ học đầu tiên của Việt Nam, vừa tạ thế, hưởng thọ 87 tuổi.

Lãnh đạo Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa thông báo, GS - Nhà giáo nhân dân Hoàng Thị Châu, do tuổi cao sức yếu, đã từ trần rạng sáng 6.8, hưởng thọ 87 tuổi.

Nữ du kích bé nhỏ tên Châu

Nhà giáo Hoàng Thị Châu là con gái út của một gia đình công chức thời Pháp, người gốc Huế, có truyền thống hoạt động cách mạng. Cả 3 chị em bà đều đã từng hoạt động trong lòng địch từ cuộc kháng chiến chống Pháp. Bà là nguyên mẫu cho nhân vật nữ du kích bé nhỏ tên Châu trong cuốn Đội thiếu niên du kích thành Huế của Văn Tùng.
Khi còn vừa đi học vừa hoạt động cách mạng ở Huế, bà có 2 lần bị địch bắt, nhưng điều này không ngăn cản được ý chí cách mạng của bà. Tuy nhiên, bà vẫn phải rời Huế, do cơ sở bị lộ. Khi đó, bà đang đứng lớp dạy học thì bị địch ập đến vây bắt.
Nhờ có người báo kịp, bà đã thoát khỏi vòng vây, ra chiến khu. Năm 1955, bà được kết nạp Đảng, rồi vượt tuyến ra Bắc. Năm 1956, bà được nhà nước cử đi học đại học tại Liên Xôn theo chính sách ưu tiên con em miền Nam trong chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học lâu dài.
Năm 1962, bà Hoàng Thị Châu tốt nghiệp đại học, về nước công tác trong tổ bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và bắt đầu có những bài nghiên cứu được giới chuyên môn chú ý.
Sau đó, bà chuyên tâm đi sâu vào nghiên cứu các lĩnh vực thuộc địa danh học, phương ngữ học, phương pháp dạy tiếng Việt, ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc thiểu số.
Theo các chuyên gia về ngôn ngữ, nói đến ngành phương ngữ học ở Việt Nam thì phải nhắc đến GS Hoàng Thị Châu, bởi bà là một trong những chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực này.
Ngoài ra, trong cuộc đời nghiên cứu khoa học và giảng dạy của mình, bà đã đạt nhiều thành công đáng nể. Trong khoảng 5 năm vừa giảng dạy vừa nghiên cứu và làm tiến sĩ tại Đại học Humboldt (Đức), bà đã xuất bản cuốn sách dạy tiếng Việt bằng tiếng Đức.
Đây là một cuốn sách dạy tiếng được đánh giá là có chất lượng cao, đặc biệt ở phần ngữ âm. Vì vậy, sau khi nước Đức hợp nhất, nó vẫn được sử dụng làm giáo trình dạy tiếng Việt cho sinh viên ở trường đại học danh tiếng này.

Nữ giáo sư đầu tiên của ngành ngôn ngữ học Việt Nam

Suốt 10 năm liền (1983 - 1993), bà Châu đảm nhiệm thêm vai trò Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học thuộc Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với cương vị là một nhà quản lý chuyên môn, bà luôn mở rộng sự hợp tác với các đơn vị bạn trong nghiên cứu và đào tạo, đồng thời phối hợp hoạt động nghiên cứu với các đồng nghiệp.
Trong khoảng thời gian này, do yêu cầu về hợp tác quốc tế, bà đã phối hợp cùng một số cán bộ trong bộ môn hoàn thành một bộ sách dạy tiếng Việt 3 tập dùng làm tài liệu giảng dạy cho học sinh Campuchia.
Năm 1991, bà được phong học hàm giáo sư và trở thành nữ giáo sư đầu tiên của ngành ngôn ngữ học Việt Nam.
Đặc biệt, năm 2005 bà đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ mà công trình tiêu biểu là Tiếng Việt trên các miền đất nước.  
Theo PGS Nguyễn Hữu Đạt, Khoa Ngôn ngữ học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, GS Hoàng Thị Châu là một tấm gương sáng cho tinh thần lao động cần cù, sự học hỏi không mệt mỏi.
“Nhìn vào hành trình khoa học của bà, nhiều đấng "anh hùng" của phái mày râu phải sửng sốt. Bà đã xuất bản 7 cuốn sách và công bố 56 bài báo. Với một nhà khoa học nữ, con số trên quả là một kỷ lục không mấy ai đạt tới. Nó làm cho nhiều người phải kính nể, nhất là trong ngành ngôn ngữ học”, PGS Nguyễn Hữu Đạt chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.