Nhiều người nói tôi... điên!
* Vì sao Ngọc lại muốn trở thành một HLV dạy lặn, cũng như tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường biển?
- Ngọc vốn dĩ rất yêu thích thể thao cũng như yêu thiên nhiên, môi trường biển từ nhỏ và ước mơ có thể gắn bó cuộc sống của mình với thế giới kỳ diệu đó. Tuy nhiên, Ngọc lại được sinh ra trong một môi trường rất “an toàn”, chỉ biết học và học.
Một lần, Ngọc ra Nha Trang chơi và lặn thử thấy thích lắm nhưng cũng chưa dám theo đuổi. Sau một thời gian ra trường đi làm, Ngọc cảm thấy tại sao mình cứ phải sống như bao người và không dám làm những gì mình nghĩ. Ngọc thấy mình không phù hợp với công việc văn phòng. Tuổi trẻ chỉ có một, ít nhất sau này khi Ngọc già, ngồi nhớ lại cũng không thấy hối tiếc.
Vì ở Việt Nam không có trường nào dạy lặn quốc tế chuyên nghiệp nào cả nên Ngọc sang Thái Lan để học và luyện tập. Trước khi đi, Ngọc còn ráng học cho xong cái bằng TESOL để lỡ mình không trở thành HLV thì sau này còn về đi dạy Anh văn kiếm sống (cười).
May mắn sao, bằng sự nỗ lực, Ngọc đã trở thành HLV lặn tự do cấp độ 2 của SSI. Từ đó, Ngọc ở lại Thái Lan để dạy lặn và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường biển.
* Gia đình, bạn bè phản ứng ra sao khi Ngọc quyết định theo đuổi đam mê này?
- Có một số người nói Ngọc thần kinh, bị điên vì là con gái, đang yên đang ổn lại đi thử một lĩnh vực hoàn toàn khác thường. Nhưng Ngọc rất may mắn vì có ba mẹ ủng hộ hoàn toàn. Mẹ nói là: “Con còn trẻ, con cứ làm những gì con thích và vui miễn là không trái với đạo đức, pháp luật. Nếu chẳng may thất bại, hết tiền, không sao hết, về nhà mẹ nuôi!”.
* Ngọc có thể chia sẻ cụ thể về cuộc sống, công việc của mình ở Thái Lan?
- Cuộc sống ở Phuket đơn giản lắm. Sáng dậy tập thể dục chút, rồi ăn sáng, đi làm, xong thì về nấu ăn, hết ngày rồi, đi ngủ. Ngày nào nghỉ thì Ngọc đi bơi.
Hồi tập luyện ở Koh Tao, Ngọc làm 20 giờ/tuần cho trung tâm giảng dạy bên này, bù lại họ cho Ngọc tập luyện cùng họ - đều là những người rất giỏi. Vậy nên mình chỉ chịu chi phí ăn ở. Có ngày thì sáng làm, chiều đi tập, tối mệt quá 8 giờ đã lăn ra ngủ mất vì tập thể thao rất mệt.
Có một số hôm phải đi trực 12 tiếng/ngày, nhưng bù lại mình sẽ có nhiều thời gian trống để tập luyện hơn. Nhiều lúc nản lắm, tủi thân, lúc bệnh chẳng hạn mà không ở cạnh gia đình nhưng nếu bỏ cuộc trở về thì sẽ rất uổng phí.
Muốn trở thành người truyền cảm hứng
* Những hoạt động môi trường Ngọc đã tham gia? Qua đó Ngọc cảm thấy như thế nào về môi trường biển hiện nay?
- Ở Thái có nhiều hoạt động về môi trường cùng nhiều tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ nữa nên rất thuận tiện cho tất cả mọi người muốn tham gia. Ví dụ như tổ chức Trash Hero, Coral Gardening, Clean The Beach Boot Camp… họ thường xuyên có những buổi họp mặt, thuyết trình, tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường biển.
Bên cạnh đó, Ngọc cũng cùng tổ chức vận động tuyên truyền không sử dụng ly nhựa, ống hút nhựa, bao nhựa vì thực tế chỉ có 1% trong số đó được tái chế. Có lặn xuống biển, mới thấy đau lòng vì rác thải quá nhiều.
|
Mỗi HLV lặn đều là chiến sĩ bảo vệ biển. Trở thành HLV không chỉ được đào tạo cách truyền đạt và giúp học viên lặn, mà còn là nâng cao nhận thức của học viên về môi trường nữa.
Thực sự Ngọc hy vọng có thể trở thành một cô gái có khả năng truyền cảm hứng cho phụ nữ Việt. Đó là mạnh dạn làm những gì mình yêu thích, miễn là lành mạnh và khiến mình vui. Dù có thể, những chọn lựa của mình sẽ vấp nhiều ý kiến trái chiều. Bản thân Ngọc là một ví dụ, nếu sợ những lời chỉ trích, có lẽ Ngọc sẽ không bao giờ trở thành một HLV lặn quốc tế cấp độ 2 đầu tiên của Việt Nam được.
* Không có nhiều cô gái Việt dám chọn cuộc sống khác biệt như vậy, đời sống của một người thợ lặn lại là “kẻ thù của nhan sắc” khi thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng, Ngọc nghĩ sao?
- Đi lặn như Ngọc chứ đỡ hao kem chống nắng lắm do Ngọc che kín mít, chừa có mỗi cái mép trên mặt, tay cũng đeo găng luôn nên xem như “bảo hiểm toàn phần” rồi.
* Để trở thành một thợ lặn và giảng viên chuyên nghiệp, cần phải có những chứng chỉ bằng cấp gì? Được biết, Ngọc là cô gái Việt đầu tiên trên thế giới trở thành HLV quốc tế cấp độ 2?
- Các tổ chức quốc tế thường có 3 cấp độ, sau đó là lên cấp độ chuyên nghiệp, tức là HLV. Ngọc học SSI. SSI có cấp 1, cấp 2, cấp 3, sau đó là trải qua khóa HLV và thành HLV. Rồi có HLV dạy cấp 1, HLV cấp 2, HLV cấp 3, rồi trở thành HLV dạy HLV. Ngọc là nữ HLV cấp 2 đầu tiên không phải vì Ngọc giỏi mà do Ngọc cố gắng theo đuổi thôi.
* Vì sao Ngọc không tham gia thi đấu quốc tế, khu vực?
- Ngọc luyện tập không phải vì ham để đi đấu giải, mà chỉ đơn giản vì yêu thích. Nếu muốn đi thi với tư cách thí sinh tự do, Ngọc phải tự lo về kinh phí, rất tốn kém. Ngoài ra phải có chế độ rèn luyện rất khắc nghiệt thì mới dám đi thi vì các đối thủ từ Trung Quốc, Nhật Bản… cũng rất mạnh.
* Cảm ơn Kim Ngọc và chúc cho bạn luôn hạnh phúc với những chọn lựa của mình!
Võ Thị Kim Ngọc (sinh năm 1988, cựu sinh viên K45A - Trường đại học Ngoại Thương cơ sở 2 tại TPHCM).
Ngọc vinh dự trở thành nữ huấn luyện viên quốc tế người Việt đầu tiên đạt cấp độ 2 freediving (không cần bình dưỡng khí) vào tháng 7.2017, được cấp bởi SSI - Scuba Schools International của Mỹ.
Được biết ngoài việc là HLV dạy lặn, Ngọc còn là một dịch giả. Ngọc cho biết cuốn sách cô dịch đầu tiên là "Thon gọn hơn, chắc khỏe hơn: Khoa học đơn giản xây dựng thân hình nữ giới lý tưởng" của Michael Matthews, vừa ra mắt quý 1.2018.
|
Bình luận (0)