Sau kỳ SEA Games 30, Lê Tú Chinh (22 tuổi) trở về nước tiếp tục tập luyện quyết tâm đạt được những mục tiêu cao sắp tới.
Học xong là chạy ra sân
Chúng tôi trò chuyện cùng Lê Tú Chinh tại SVĐ Thống Nhất, Q.10, TP.HCM trong một buổi sáng đầy nắng. Mặc bộ đồ thể thao với nụ cười tươi rói là những ấn tượng đầu tiên về cô gái trẻ Lê Tú Chinh.
“Chạy với cái sân này gần 10 năm rồi, đối với em sân này giống như bạn thân. Đi đâu xa hay có đi du lịch chơi ở đâu cũng phải quay về sân tập”, Tú Chinh mở lời.
Trong kỳ SEA Games 30, Tú Chinh xuất sắc giành huy chương vàng ở cự ly 100 m với thời gian 11 giây 54, trong khi đó người về nhì đạt thành tích 11 giây 55.
“Lúc đó em chỉ biết chạy hết sức, nhắm mắt lao thật nhanh về đích. Cho đến khi nhìn thấy HLV Thanh Hương cùng các đồng đội hò reo ăn mừng thì em mới biết mình đạt được huy chương vàng, và chỉ biết khóc”, Chinh chia sẻ.
|
|
Cuộc nói chuyện với Chinh bị chùng xuống khi chúng tôi nhắc tới ba của em. Nữ hoàng tốc độ nói trong nước mắt: “Em không mít ướt, nhưng hay khóc khi nói về gia đình, đặc biệt là ba em”.
Mẹ mất từ năm 6 tuổi, nên ba Chinh phải bươn chải mọi công việc để nuôi gia đình. Có lẽ đó cũng chính là lý do mà Chinh không kìm được cảm xúc khi nói về ba mình.
Chinh kể từ lúc mới tập chạy, khó khăn lớn nhất là gia đình vì lúc đó ba không đồng ý cho Chinh đi, muốn con cái mình đi học hơn là đi tập thể thao.
“Nếu muốn thuyết phục ba cho theo con đường thể thao thì em phải cân bằng được việc học và đi tập. Sau khoảng 1 năm thử thách, em vẫn giữ được thành tích học tập để ba tin rằng em làm được và từ đó em tiếp tục con đường thể thao đến bây giờ”, Tú Chinh chia sẻ.
Lê Tú Chinh cho biết: “Lúc đó còn nhỏ nên em thấy cũng không có gì áp lực, do chỉ học một buổi nên khi em học xong là chạy qua sân tập luôn tới 20 giờ rồi nghỉ ngơi, thời gian học bài em chuyển lên buổi sáng. Lúc ba quyết định cho đi theo thể thao là em đang học lớp 5. Dù ba không nói ra nhưng qua thái độ và hành động của ba là em biết ba đã ủng hộ”.
“Ba ơi con làm được rồi”
Mặc dù nhà ở và sân vận động cùng nằm trong Q.8, TP.HCM nhưng lúc nào Tú Chinh cũng được ba đứa đón. Tú Chinh cho biết có một thời gian em không có xe đạp để đi, ba lấy chiếc xe máy đi làm để chở em đi tập rồi canh giờ lại rước về.
“Lúc đó nhà cũng còn khó khăn, không có xe đi, ban đầu thì em đi bộ từ nhà lên trường. Nhưng khi được gọi lên tập cùng với đội tuyển của TP.HCM thì ba cố gắng sắp xếp công việc đưa rước em thường xuyên. Có ngày ba quên rước, em phải đi bộ về nhà, về tới nhà khóc bù lu bù loa rồi hỏi ba tại sao không rước con”, Chinh tâm sự.
Trước khi đi thi, ba lúc nào cũng chúc em giành được huy chương vàng. “Em nhớ nhất là kỳ SEA Games 29 vào năm 2017. Sau khi em đạt được huy chương vàng nội dung 100 m, lúc đó có máy quay, em chạy lại nhìn vào máy vừa nói vừa khóc 'ba ơi con làm được rồi'”, Tú Chinh chia sẻ.
Kỳ SEA Games 29, đó cũng chính là nơi Chinh khẳng định danh hiệu “nữ hoàng tốc độ” khi lấy “vàng” ở cự ly 100 m, 200 m và cùng đồng đội vô địch chạy tiếp sức 4x100 m nữ.
Chinh chia sẻ: “Đối với em những huy chương vàng đó là bước đệm để em cố gắng hơn nữa ở những giải thi đấu tiếp sau”.
Cô Hương như là người mẹ thứ haiLê Tú Chinh tâm sự từ lúc học cấp 1, ở trường hay tổ chức các giải thể thao nên em tham gia, thế là cô HLV Nguyễn Thị Thanh Hương vô tình xuống trường tuyển quân cho thành phố và biết em từ đó.
“Lúc ấy em đạt giải nhất chạy ở trường mấy lần, nhờ đó mà cô Hương để ý em. Cô có gặp em và nói 'thôi bây giờ con đi lên quận rồi đi thành phố thi với cô' xong em đi theo cô đến bây giờ, cũng gần 11 năm”, Chinh chia sẻ.
Cô Hương như người mẹ thứ hai của em vì từ lúc nhỏ cô đã biết hoàn cảnh gia đình em. Cô nói hoàn cảnh gia đình em cũng giống gia đình cô, nhưng mà cô mất mẹ lúc cô mười mấy tuổi còn em thì mới 6 tuổi.
“Cô Hương hay dạy em không được xài tiền phung phí, hướng dẫn cho em những cái em không biết... Không có cô Hương, em sẽ không có ngày hôm nay”, Lê Tú Chinh cho biết.
|
Bình luận (0)