Thụy Mười sinh năm 1972, quê nhà ở Long An. Bố mẹ nữ diễn viên đều làm nghề nông, chăm lo cho 10 người con nên cuộc sống “bữa no, bữa đói”. Kể từ năm học lớp 6, Thụy Mười có suy nghĩ “thoát ly” lên Sài Gòn lập nghiệp và đam mê nghệ thuật dẫn cô đến với nghề diễn viên. Dù không phải là gương mặt tuyển chọn hàng đầu cho những vai chính trong các tác phẩm hài kịch hay phim truyền hình, nhưng lối diễn xuất duyên dáng của cô để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Thậm chí, nữ nghệ sĩ được khán giả ưu ái đặt cho danh xưng “nữ hoàng vai phụ".
Cô tâm sự: “Cuộc đời tôi đóng vai phụ nhiều hơn vai chính, tới mức người ta gọi tôi là “nữ hoàng vai phụ”, điều này thể hiện sự yêu quý của khán giả. Tôi không buồn mà vô cùng hạnh phúc vì thành công trong vai trò của mình”. Thụy Mười thời còn trẻ cũng như các bạn diễn khác, luôn muốn nổi tiếng, vươn lên đóng vai chính nhưng nhận ra phải chờ vào duyên. “Dù lứa tuổi thanh xuân hay hiện tại, tôi cũng có những vai hay, ấn tượng với khán giả, trở nên nổi bật, được đóng vai chính hay không với tôi không quan trọng”, cô tâm sự.
|
Nhập tâm với nhân vật nhưng Thụy Mười thú nhận bản thân là người nội tâm, đằm tính, “tích cóp chuyện đời” tạo nên vốn sống chứ không thể hiện ra bên ngoài. Ngoài đời thường, cô khác xa so với trên sân khấu. “Về nhà, tôi ít nói, có khi chẳng bao giờ nói gì, đến mức người nhà bảo rất muốn nghe một câu nói từ tôi mà không được. Với bạn bè, ai hợp tính tôi mới nói nhưng mỗi khi bước lên sân khấu hay đứng trước máy quay, tôi lại nói rất nhiều”, cô thú nhận. Tuy nhiên, ít ai biết trước khi có được vị trí vững vàng trong lòng khán giả như hôm nay, Thụy Mười từng chán nản vì những ngày tháng thất nghiệp, buông xuôi vì những gian khó bệnh tật và thậm chí là sự bạc bẽo của nghề.
Thụy Mười kể sau khi học xong tại trường sân khấu, cô ra trường và bị thất nghiệp suốt hai năm. “Thời gian trước để tìm được một suất diễn ở Sài Gòn rất khó chứ không dễ dàng như các diễn viên trẻ bây giờ. Sau 2 năm, tôi tìm cách xin vào đoàn nhà nước, được vài ba năm, tôi lại thất nghiệp. Điều này khiến tôi chán nản vô cùng. Tôi suy nghĩ xem có nên về quê hay không, nhưng cũng không biết nếu về thì sẽ làm gì?”, cô tâm sự. Thụy Mười nhớ lại cô hết diễn ở các tụ điểm sân khấu hài lại lao theo các chương trình hài trên truyền hình và vai diễn trong phim mà cát-sê chẳng được bao nhiêu, đôi lúc còn không đủ trang trải cuộc sống.
|
Ngày đó, Thụy Mười đi diễn ở một quán bar suốt một năm trời nhưng gặp sự cố với một nhóm diễn viên nên xin nghỉ. Tuần sau, cô trở lại quán bar đó chơi nhưng người quản lý lại nhờ MC nói ra ngoài vì sợ cô lấy cắp đồ của nghệ sĩ. Thụy Mười nhớ lại: “Người nghệ sĩ có lòng tự ái rất cao. Tôi nghe xong, cố gắng kìm lại để không khóc nhưng mắt cay xè. Tôi hỏi người quản lý vì sao lại nói tôi như vậy? Người đó bảo khu vực này là của nghệ sĩ, đi vào rồi mất đồ của họ, muốn coi nghệ sĩ thì xuống dưới ngồi uống nước. Lúc đó, tôi diễn một suất được có 35 ngàn đồng mà một cốc nước đã 50 ngàn đồng. Tất nhiên, tôi vẫn đủ tiền trả tiền nước uống, nhưng họ nói như vậy khiến tôi cảm thấy bị xúc phạm vô cùng”.
Câu chuyện buồn đó khiến Thụy Mười suốt đời không thể quên nhưng cũng chính từ câu nói cô tự nhủ phải thay đổi bản thân, phấn đấu để công chúng biết đến tên tuổi. Từ đó, Thụy Mười tìm tòi hơn để sống được với nghề. Thời điểm 2011, công việc ổn định hơn nhưng cũng là lúc cô phát hiện bị bệnh tim, phải phẫu thuật và nghỉ ở nhà mất một năm rưỡi. Cô được đồng nghiệp kêu gọi, vận động mọi người giúp đỡ. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng Thụy Mười không buồn hay than trách cuộc đời. Cô cố gắng vượt qua giai đoạn ngặt nghèo để không làm vơi đi nhiệt huyết và tình yêu dành cho nghệ thuật.
Bình luận (0)