Nữ lái ô tô tông hàng loạt xe máy: Ám ảnh giày cao gót?

09/07/2019 09:15 GMT+7

Chưa đầy một năm, hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do phụ nữ lái ô tô tông hàng loạt xe máy ở TP.HCM khiến nhiều người không khỏi ám ảnh.

Trên mạng xã hội số ít ý kiến “chê” tay lái phụ nữ yếu, còn có luồng phản bác lái xe thì nam nữ đều như nhau, điều quan trọng người cầm lái phải có kỹ năng, sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi lái xe.
Điểm chung đặc biệt của 2 vụ tai nạn trên là hai phụ nữ tông xe liên hoàn đều mang giày cao gót. Đây là loại giày phổ biến với chị em nhưng khi lái ô tô nó sẽ có những “cản trở” nhất định.

Ngã tư ngay 2 dốc cầu, cần thận trọng

Chiều 8.7, trả lời Thanh Niên, Công an Q.5 (TP.HCM) cho biết tối 7.7, bà Võ Thị Tâm Huyền (40 tuổi, trú Q.4) điều khiển ô tô BS 51F1-138.10 lưu thông trên đường Nguyễn Tri Phương (hướng Q.8 sang Q.5).
Khi vừa xuống dốc cầu đến giao lộ Nguyễn Tri Phương - Trần Phú thì va chạm đuôi xe máy do anh Phạm Nhật Trường (21 tuổi, ngụ Q.8) chở chị Nguyễn Thị Hồng Gấm (18 tuổi) chạy cùng chiều phía trước.
Ô tô lao tiếp vào xe máy do Lê Hoàng Long (27 tuổi) điều khiển, cuối cùng lao lên vỉa hè tông vào vợ chồng ông Thái Duy Nhân (58 tuổi) và bà Lê Thị Thùy (56 tuổi) và 4 xe máy đậu trên vỉa hè. Vụ tai nạn làm tổng cộng 8 người bị thương, hư hỏng 1 ô tô, 6 xe máy.
Theo ghi nhận, từ Q.8 về Q.5 có 2 cây cầu liên tiếp: Chánh Hưng và Nguyễn Tri Phương với lượng xe rất đông, ngay ngã tư là chốt giao đèn xanh đèn đỏ. Khi từ Q.8 sang đến đoạn giao với đường Trần Phú - một giao lộ trọng điểm của Q.5 sẽ khiến nhiều tài xế cảm thấy mệt mỏi bởi phải rà chân thắng và chân ga liên tục.
Theo một giáo viên dạy lái xe ô tô, ở đoạn đường đông xe, lái xe cần đảm bảo đúng tốc độ quy định, chạy chậm và chú ý quan sát. Để việc lên, xuống dốc cầu an toàn, cần tuân thủ nguyên tắc là lên dốc số 1 thì xuống dốc cũng phải số 1. Do vậy việc mang đôi giày phù hợp khi lái xe là điều rất cần thiết trong những trường hợp như thế này.

Nhân chứng kể lại vụ nữ tài xế lái Mercedes tông 6 người bị thương

Giày cao gót, tuyệt đối không!

Theo nhiều nhân chứng tại hiện trường, bà Huyền lúc gây ra tai nạn không hề có dấu hiệu say xỉn, cũng không hề bỏ trốn như MXH đồn thổi, tuy nhiên nữ tài xế này có mang giày cao gót.
Một giáo viên dạy lái xe ô tô và có kinh nghiệm dạy thực hành 30 năm ở TP.HCM cho biết, phụ nữ không nên mang giày cao gót khi lái xe bởi lợi bất cập hại. Vị này phân tích, do gót giày chỏng xuống đất làm lực đạp chân ga yếu hơn, ngoài ra gót giày cũng có thể bị mắc kẹt ở sàn xe.
Vì vậy, việc mang giày cao gót khi lái xe sẽ làm tài xế nữ phản ứng không kịp khi có tình huống bất ngờ và khi đạp ga hay thắng có cảm giác không thật ở chân.
“Mang giày cao gót đi qua đi lại trên mặt đất bằng phẳng đã có cảm giác không vững vàng, trong khi đạp chân ga, chân thắng thì cần cảm giác thật, chắc chắn. Phụ nữ không nên mang giày cao gót, đàn ông không nên mang dép lào, dép kẹp vì dép không bám chắc vào chân, làm cảm giác khi đạp ga không thật”, giáo viên này lưu ý.
Cũng theo vị giáo viên này, mang giày cao gót lái xe sẽ làm tài xế thắng không đủ mạnh, nhanh và kịp thời khi có sự cố. Giày cao gót có thể làm chân trượt ra khỏi bàn đạp thắng, không thể thắng tiếp dẫn đến tai nạn. Đó là chưa kể, mang giày cao gót hoặc dép sẽ khiến lái xe dễ bị mỏi chân, phân tán lực, làm vướng chân khi đạp ga, đạp thắng, thậm chí là nhầm chân ga và chân thắng.
Phan Xuan Duong: Tôi không nói là tất cả nhưng nhiều phụ nữ khi lái xe thường đeo kính, đi giày cao gót và đặc biệt là nấu cháo điện thoại thì... thôi rồi.
Ng Tài: Giày cao gót an toàn là chỉ dùng cho mục đích khi phụ nữ đi bộ, nó sẽ không an toàn khi dùng cho mục đích khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.