Nữ lưu nước Việt - Kỳ 2: Đại sứ phu nhân đầu tiên làm công tác ngoại giao

20/10/2015 05:15 GMT+7

Ít ai biết trong ngôi nhà ở khuất sau chợ Tân Định (TP.HCM) có một người phụ nữ từng góp phần làm nên nhiều sự kiện lịch sử trọng đại.

Ít ai biết trong ngôi nhà ở khuất sau chợ Tân Định (TP.HCM) có một người phụ nữ từng góp phần làm nên nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. 

Bà Hà Giang ở tuổi 100 tại nhà riêng (TP.HCM) - Ảnh: Kiều Mai SơnBà Hà Giang ở tuổi 100 tại nhà riêng (TP.HCM) - Ảnh: Kiều Mai Sơn
Đó là bà Hà Giang - nguyên Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ VN, người phụ nữ đầu tiên ra nước ngoài làm công tác ngoại giao với vai trò Bí thư Đại sứ quán VN tại CHDCND Triều Tiên.
Người thầy khởi nguồn yêu nước
Bà Hà Giang cười hiền kể lại những kỷ niệm về miền Bắc, là quê hương của bà - làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định và cũng là quê hương của ông - tướng quân Trần Xuân Độ (1894 - 1997), Chính ủy đầu tiên của Quân khu 7, Đại sứ VN tại Triều Tiên - ở xã Bồ Đề, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Bà kể về Hà Nội, nơi bà gắn bó từ thuở 13 và đã có một thời tuổi trẻ sôi nổi học tập và hoạt động cách mạng. Ở Hà Nội có người bạn thuở thiếu thời là đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên Cục phó Cục Cảnh vệ - Bộ Công an. Hà Nội cũng là nơi bà sống nhiều năm tại ngôi nhà trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau nhượng lại cho một người bạn cũng là lãnh đạo đứng đầu Hội LHPN VN.
Tên thật của bà là Đặng Thị Thiềm, sau đi hoạt động cách mạng bà lấy bí danh Hà Giang, từ đó cái tên này đi theo bà suốt cuộc đời. Tính tuổi thật, bà đã 100, còn tuổi hồ sơ cũng đã 95. Tuổi cao, trí nhớ phần nào giảm sút, nhưng khi nhắc đến bạn bè cũ, những ký ức muộn trong bà lại trở về.
Bà sinh năm 1916 và là con thứ 6 (áp út) trong gia đình cử nhân Nho học. Sau khi học hết bậc tiểu học ở quê, bà lên Hà Nội sống với người anh thứ tư và học tiếp bậc trung học. Chính những giờ giảng của thầy Phan Thanh ở trường tư thục Thăng Long đã khơi gợi cho cô học trò thành Nam tinh thần yêu nước.
Theo lời bà kể lại, từ 70 năm về trước, đầu năm 1944, bà tham gia hoạt động trong nội thành Hà Nội, là thành viên trong một tổ Việt Minh gồm ba người. Hai người còn lại là bà Nguyễn Thị Bích Thuận và bà Bùi Thị Tình (sau này là vợ ông Trần Quang Bình, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện). Ba người đã được ông Hoàng Tùng, phụ trách Việt Minh ở Hà Nội, phân công công việc. Riêng bà nhận nhiệm vụ: Rải truyền đơn trên các đường phố, chuyên chở sách báo, vũ khí của Việt Minh từ Hà Nội về TP.Nam Định, tham gia cơ sở cách mạng trong công nhân nhà máy ô tô, trong giới học sinh, giới tiểu thương.
Tháng 8.1945, bà Hà Giang được cử làm người đại diện phụ nữ Hà Nội đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào.
Được Bác Hồ giao nhiệm vụ
Giữa năm 1950, bà lập gia đình cùng ông Trần Xuân Độ tại Việt Bắc. Cưới xong các đồng chí lãnh đạo đề nghị: “Nếu Hà Giang không vào Nam thì cả hai vợ chồng công tác ngoài Bắc, tùy hai người quyết định”. Bà quyết định cùng ông vào Nam nhận nhiệm vụ.
Miền Bắc giải phóng, ông bà lại cùng tập kết ra Bắc. Năm 1956, Tổng bí thư Trường Chinh đề nghị ông Trần Xuân Độ sang CHDCND Triều Tiên làm đại sứ. Lúc đầu ông không nhận vì trình độ văn hóa thấp, ngoại ngữ lại không biết. Nghe ông Trường Chinh báo cáo, Hồ Chủ tịch cho mời ông Trần Xuân Độ đến Phủ Chủ tịch. Sau khi trò chuyện, Bác nói: “Từ trước đến giờ tôi có học làm Chủ tịch nước đâu. Nhưng Đảng và Nhà nước phân công thì phải làm. Tôi và chú Trường Chinh thay mặt Đảng và Nhà nước phân công chú Độ làm đại sứ”. Nghe Bác nói xong, ông Độ nhận lời.
Hồi đó chưa có chế độ cho vợ cùng chồng ra nước ngoài công tác. Biết bà Hà Giang là một trí thức theo kháng chiến, có trình độ văn hóa, nên Hồ Chủ tịch cho mời bà sang. Bác nói: “Trung ương định đưa đồng chí Trần Xuân Độ làm Đại sứ ở Triều Tiên, cô có thể đi cùng với đồng chí Độ được không?”.
Nhớ lại kỷ niệm với Bác, bà Hà Giang bồi hồi: “Tôi cũng có suy nghĩ: Mình không biết làm công tác ngoại giao như thế nào. Lúc bấy giờ các đồng chí đại sứ khác ít đưa vợ đi, hoặc nếu có đi thì cũng chỉ đi làm phu nhân thôi, chứ không có công tác gì ở sứ quán. Suy nghĩ xong tôi trả lời: “Thưa Bác, nếu Bác và Đảng quyết định thì cháu cũng sẵn sàng đi. Tuy không quen công tác ngoại giao, nhưng sang đó cháu học dần”. Bác cười: “Cô biết ngoại ngữ không?”. Thưa Bác, cháu bập bẹ biết tiếng Pháp thôi” (sự thực là bà đã tốt nghiệp bậc tú tài Trường Bưởi, một thành tích hiếm thấy ở phụ nữ thời đó). Bác bảo: “Thế thì cũng tốt. Thế này nhé, chú Độ làm đại sứ, cô làm phu nhân là một chuyện thôi, nhưng mà cái chính là công tác sứ quán giúp cho chú Độ. Cô đã có ngoại ngữ như thế là tốt lắm. Thôi thì đi nhé”. Tôi đáp: “Vâng, Bác phân công thì cháu cũng xin nhận”.
Nhờ đó, bà Hà Giang ngẫu nhiên trở thành Đại sứ phu nhân đầu tiên của VN ra nước ngoài cùng chồng làm công tác ngoại giao. Trước khi đi, Bác mời ông bà đại sứ đến ăn một bữa cơm giản dị, ấm cúng và thân mật tình cảm gia đình. Trong bữa ăn, Bác nói chuyện tình hình quốc tế, rồi dặn dò nhiệm vụ công.
Bà làm Bí thư thứ hai kiêm thư ký riêng của đại sứ; đồng thời anh em còn bầu bà phụ trách công tác nghiên cứu của sứ quán kiêm phụ trách Văn phòng sứ quán và làm Bí thư chi bộ cơ quan.
Ông bà đã công tác ở Triều Tiên 6 năm (1956 - 1962) thì kết thúc nhiệm vụ. Về nước, ông Trần Xuân Độ được cử làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Bộ Ngoại giao. Còn bà Hà Giang làm Phó chủ tịch Hội LHPN VN cho đến khi nghỉ hưu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.