Nữ nhân viên văn phòng 'bẻ lái' thành thợ sửa xe đạp chuyên nghiệp

26/11/2023 16:33 GMT+7

Nguyễn Vi Quỳnh Như (25 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) không ngờ chỉ sau lần thử học thay lốp xe đạp lại giúp thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình. "Cú bẻ lái" giúp cô trở thành kỹ thuật viên sửa xe đạp chuyên nghiệp, mở ra nhiều cơ hội mới trong đời.

Đam mê tháo, ráp...

Gần 3 năm trước, khi lần đầu tiên đạp chiếc xe đạp địa hình MTB, Quỳnh Như bỗng thấy bản thân có một sự gắn kết kỳ lạ.

"Mình và chiếc xe như hòa vào làm một, lúc lên dốc, thả dốc… luôn có cảm giác rất hào hứng", Như kể.

Cô nhân viên văn phòng bắt đầu đạp xe đều đặn, tham gia vào cộng đồng người đam mê bộ môn này ở TP.HCM và quen biết thêm nhiều người bạn. Sau khi sở hữu một chiếc xe đạp mới, Như được mọi người khuyên nên học sửa xe cơ bản để tự xử lý sự cố khi đi trên đường. Tuy nhiên, ban đầu Như từ chối, cho rằng việc sửa chữa đã có thợ lo.

'Cú bẻ lái' của nữ nhân viên văn phòng thành thợ sửa xe đạp chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Quỳnh Như sửa xe trong cửa hàng kinh doanh phụ kiện, cung cấp các dịch vụ về xe đạp ở Q.7 hôm 24.11.

Phan Diệp

Trong một lần đạp xe ra vùng ngoại ô thành phố, trong đoàn có đến 4 chiếc xe bị hư cần sửa. Để đến lượt mình, Như phải chờ đợi rất lâu. Giây phút đó khiến cô gái quyết tâm học sửa xe ngay sau khi trở về.

Ban đầu, Như chỉ muốn học cơ bản như: thay lốp, kiểm tra bộ truyền động, tra dầu nhớt… để xử lý cho xe của mình. Cách học của Như là hỏi kinh nghiệm từ những anh chị trong nhóm đạp xe.

"Xe đạp chuyên dụng mỗi dòng mỗi đặc điểm, những vấn đề hư hỏng vì thế cũng rất đa dạng nên mình bị cuốn theo lúc nào không hay", Như kể về bước ngoặt giúp mình trở thành thợ sửa xe sau hơn 1 năm "tầm sư học đạo".

'Cú bẻ lái' của nữ nhân viên văn phòng thành thợ sửa xe đạp chuyên nghiệp - Ảnh 2.

Quỳnh Như không ngại dầu nhớt vấy bẩn trong quá trình sửa xe đạp.

Phan Diệp

'Cú bẻ lái' của nữ nhân viên văn phòng thành thợ sửa xe đạp chuyên nghiệp - Ảnh 3.

Thay lốp là công việc đầu tiên Như thành thục trong quá trình học sửa xe.

Phan Diệp

Cô gái không ngại tháo rời toàn bộ chiếc xe với hàng chục chi tiết nhỏ hay bị dầu nhớt dính đầy tay. Nhưng Như lại thấy để nhớ hết tên các loại dụng cụ sửa xe là điều "khó nhằn". Chưa kể, sau khi tháo rời các bộ phận để vệ sinh hoặc "chữa bệnh", việc lắp ráp lại thế nào cho chính xác cũng khiến Như nhiều lần đau đầu.

Quỳnh Như chỉ mất 1 buổi để thuần thục việc thay lốp xe, nhưng mất cả năm mới nghe được từng tiếng kêu ở các bộ phận để đoán xe đạp gặp vấn đề gì.

Có lần Như thấy nhóm học sinh bị hư xe trên đường. Trong khi các em chưa biết xoay xở thế nào thì cô gái đã vội đến giúp các em sửa. "Không chỉ giúp bản thân chủ động xử lý sự cố khi đạp xe trên đường, mình còn có thể giúp đỡ người khác", Như hào hứng nói.

"Thợ nữ duy nhất ở TP.HCM"

Nghề sửa xe còn mở ra cho cô gái nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn, phù hợp với cá tính bản thân. Hiện tại, Như đã nghỉ việc văn phòng, chuyển sang làm thợ sửa xe ở một cửa hàng chuyên cung cấp các dịch vụ về xe đạp ở Q.7. Một năm nay, Như tự tin tham gia những tour đạp xe với tư cách là kỹ thuật viên đi theo hỗ trợ xử lý xe gặp sự cố.

Chị Trương Ngọc Quyền (27 tuổi, ở Q.7) - chủ cửa hàng 69 Bike shop - nơi Như đang làm việc chia sẻ: "Theo sự hiểu biết của tôi, hiện tại ở TP.HCM chỉ có mình Như là con gái làm kỹ thuật viên sửa xe chuyên nghiệp. Nghề này tuy không có trường lớp đào tạo chính quy nhưng nếu làm tốt, cơ hội nghề nghiệp là không thiếu".

'Cú bẻ lái' của nữ nhân viên văn phòng thành thợ sửa xe đạp chuyên nghiệp - Ảnh 4.

Như tháo xích để vệ sinh cho xe đạp của khách.

Phan Diệp

'Cú bẻ lái' của nữ nhân viên văn phòng thành thợ sửa xe đạp chuyên nghiệp - Ảnh 5.

Nghề sửa xe giúp Như thay đổi tính cách trở nên kiên nhẫn, tỉ mỉ hơn.

Phan Diệp

Ở cửa hàng có dịch vụ kiểm tra xe cho khách trước và sau khi họ đi tour. Để làm điều này, người thợ phải rã các bộ phận của xe để kiểm tra, vệ sinh rồi ráp lại. Có những chiếc xe đạp trị giá gần 150 triệu đồng khiến cô gái cảm thấy khá hồi hộp khi làm việc. Tuy nhiên, với tinh thần tập trung, cẩn thận nên Như vẫn có thể làm tốt công việc của mình.

"Đó là sự thay đổi lớn trong tính cách của bản thân sau khi trở thành thợ sửa xe", Như nói.

Bởi, Như vốn là một cô gái năng động, không kiên nhẫn trong một số tình huống nhưng giờ trở thành người kỹ tính, chỉn chu và tỉ mỉ hơn trong mọi việc. 

'Cú bẻ lái' của nữ nhân viên văn phòng thành thợ sửa xe đạp chuyên nghiệp - Ảnh 6.

Như tham gia giải xe đạp địa hình phong trào toàn quốc 2023, tại vườn quốc gia Yok Đôn Đắk Lắk hồi tháng 8 với chiếc xe tự ráp.

NVCC

Một điều cô gái cảm thấy tự hào hơn là có thể tự ráp cho mình một chiếc xe đạp theo ý mình. Bằng cách mua một chiếc xe đạp mới, chỉ giữ lại khung sườn, Như săn lùng mua đồ cũ theo ý thích ráp thành xe hoàn thiện.

Đến giờ, cô gái vẫn cảm thấy bất ngờ với quyết định chuyển hướng công việc của mình. Như cũng không ngờ, chỉ từ một đam mê nhỏ lại khiến mình có động lực theo đuổi nghề tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

"Cứ trau dồi, cứ học hỏi từng chút và làm việc bằng tất cả tâm huyết, công việc nào cũng có thể mở ra cho mình nhiều cơ hội mới tốt hơn", Quỳnh Như chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.