'Nữ quyền' lên sóng

22/09/2019 07:00 GMT+7

Phim điện ảnh và truyền hình Việt lâu nay rất ít phim 'nữ quyền'. Gần đây, một số bộ phim mang hơi hướng, hoặc có nhân vật mang tính 'nữ quyền' đã lên sóng màn ảnh nhỏ và màn ảnh rộng.

Đẩy mạnh khai thác từ phim truyền hình đến điện ảnh

Sau những dồn nén, những người phụ nữ đã thể hiện nữ quyền của mình. Dù đi những con đường khác nhau nhưng họ đã đấu tranh để giành lại hạnh phúc cũng như tìm những thứ xứng đáng với giá trị bản thân

NSƯT - đạo diễn Đỗ Thanh Hải

Đang thu hút người xem là bộ phim Bán chồng (đạo diễn Lê Hùng Phương, phát trên VTV3), xoay quanh hành trình đi tìm hạnh phúc của những người phụ nữ từ nông thôn đến thành thị. Dù xuất phát điểm khác nhau, với những quan điểm về hôn nhân không giống nhau, song các nhân vật nữ trong phim: Nương (Oanh Kiều), Ngọc (Cao Thái Hà), Nga (Ngọc Lan) hay Như (Khổng Tú Quỳnh) đều toát lên niềm khát khao có được tình yêu mà họ cho rằng mình xứng đáng. Đối diện với bi kịch hôn nhân, họ đã thể hiện sự tự chủ, “nữ nhi” nhưng không “thường tình”, khi dám dứt bỏ những ràng buộc lâu nay vốn dễ bị dư luận đàm tiếu. “Tôi thà làm mẹ đơn thân chứ không muốn con có một người cha giả dối như anh”, “Tôi đồng ý ký giấy ly dị với một điều kiện: chị phải mua anh Vui với giá 300 triệu”, “Hôn nhân là để hạnh phúc, chứ không phải để chịu đựng...”, những lời thoại trong phim đã phần nào cho thấy cách xây dựng nhân vật nữ, dù ở miền quê, đã mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ giá trị bản thân.
Một bộ phim khác cũng đang phát trên VTV3 là Hoa hồng trên ngực trái (đạo diễn Vũ Trường Khoa), kể câu chuyện về hai người phụ nữ với hai số phận khác nhau. Một người chấp nhận ở nhà làm nội trợ, một người có vị trí thành đạt trong xã hội. Một người bị chồng xúc phạm, coi như kẻ ăn bám và chồng ngang nhiên ngoại tình, một người bất lực nhìn chồng nhu nhược khi bị mẹ chồng xúc phạm. NSƯT - đạo diễn Đỗ Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình VN), nhìn nhận tính nữ quyền được đẩy mạnh khai thác trong bộ phim này. “Sau những dồn nén, những người phụ nữ đã thể hiện nữ quyền của mình. Dù đi những con đường khác nhau nhưng họ đã đấu tranh để giành lại hạnh phúc cũng như tìm những thứ xứng đáng với giá trị bản thân”, anh nói.
Ở khía cạnh khác, tính nữ quyền cũng được thể hiện qua phim Sống gượng (đạo diễn Nhuệ Giang) đang phát trên HTV9. Không chỉ ê kíp làm phim đa phần là nữ (từ tác giả kịch bản, biên kịch, đạo diễn...), phim chuyển tải thông điệp: cùng với lòng thương yêu, sự kiềm chế cảm xúc bản thân để giữ gìn mái ấm, thì hơn hết, giá trị bình đẳng trong gia đình và quyền được sống đúng với phẩm giá của người phụ nữ cần được coi trọng.
Ở mảng điện ảnh, trong một số bộ phim ra rạp thời gian qua, có thể kể đến phim hành động Hai Phượng (đạo diễn Lê Văn Kiệt), Cô Ba Sài Gòn (đạo diễn Trần Bửu Lộc - Kay Nguyễn)... Mẫu nhân vật “nữ quyền” được xây dựng trong một số bộ phim có vẻ đang cho thấy sức hấp dẫn với công chúng, như Hai Phượng đã tạo nên cơn “chấn động” với điện ảnh Việt khi xác lập kỷ lục doanh thu 200 tỉ.
Cách đây 2 năm, dù không có diễn viên ngôi sao, nhưng bộ phim Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn) với việc tạo nên một mẫu nhân vật “nữ quyền” - vốn dĩ vẫn còn là hình tượng hiếm hoi trên màn ảnh Việt, đã xác lập kỷ lục doanh thu phim Việt ăn khách nhất lịch sử tính cho đến thời điểm đó.
Một số phim khác: Chị trợ lý của anh, Chàng vợ của em, Bạn gái tôi là sếp, Gái già lắm chiêu... cũng cho thấy mẫu nhân vật nữ thông minh, quyết đoán, độc lập và thể hiện được vai trò của mình trong việc tạo lập các giá trị xã hội.

Chưa tạo được dòng phim “nữ quyền”

Theo ông Châu Quang Phước, nguyên nhân thiếu vắng những bộ phim thuộc dòng phim này chủ yếu do các nhà làm phim, nhà đầu tư muốn có độ an toàn nhất định cho các dự án kinh doanh của mình, họ không muốn mạo hiểm ngay từ khâu kiểm duyệt. “Với các câu chuyện phim cùng chủ đề tập trung khai thác và đẩy mạnh tính nữ quyền trong phim Việt, e rằng vẫn sẽ còn là ước vọng đường dài cho cả nền điện ảnh Việt ở hiện tại cùng tương lai, với chính người làm nghề bao gồm các nhà đầu tư và những người làm phim, bên cạnh góc nhìn ngày càng nâng cao của truyền thông và công chúng chính xứ”, ông Châu Quang Phước nói.
Tuy nhiên, theo biên kịch Hạnh Ngộ (phim Bán chồng, Sống gượng và kịch bản sắp tới đề cập đến sự đấu tranh cho quyền được làm mẹ, vượt qua dư luận để được hưởng hạnh phúc) thừa nhận, “tính nữ quyền là có nhưng tác giả chưa chủ ý xây dựng điều đó trong kịch bản”, vì nhiều yếu tố chi phối (điều kiện sản xuất không cho phép kể những câu chuyện khó, ê kíp sản xuất chưa đồng bộ, đầu ra gian nan...).
Cũng có một số ý kiến chủ quan từ giới làm phim cho rằng, do tư tưởng của “ta” khác “Tây”, nên dù tiếng nói nữ quyền có quyết liệt đến đâu thì cuối cùng, cách giải quyết vấn đề vẫn bị chi phối bởi yếu tố văn hóa. Đó cũng là một trong những lý do khiến tính “nữ quyền” có nhưng chưa thật sự tạo thành dòng phim. Về điều này, theo đạo diễn Quốc Hưng, phim ảnh phản ánh bộ mặt văn hóa, lịch sử xã hội; nên thuộc tính nào của phim ảnh cũng phải được nhìn nhận thấu đáo theo góc độ lịch sử, văn hóa của xã hội đó. Anh cũng nói vui rằng, trong khi cha mẹ phương Tây dạy con (dù nam hay nữ) phải tự lập kiếm tiền thì ở ta vẫn còn không ít suy nghĩ... không muốn bình đẳng (qua mong muốn có được tấm chồng giàu sang) từ chính những người phụ nữ.
Hầu hết các bộ phim ra rạp cũng mới chỉ mang hơi hướng hay có mẫu nhân vật “nữ quyền” và chưa phải thuộc dòng phim nữ quyền một cách đúng nghĩa. Bởi, theo chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước, phim “nữ quyền” phải có nền tảng cốt lõi từ câu chuyện. Nằm trong số hiếm hoi những bộ phim thuộc dòng phim này có thể kể đến Hạt mưa rơi bao lâu (đạo diễn Đoàn Minh Phượng - Đoàn Thành Nghĩa, năm 2005) và mới đây là Vợ ba (đạo diễn Nguyễn Phương Anh).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.