Nữ sinh 14 tuổi bỏ thi học sinh giỏi để ở nhà chăm bố bại liệt
20/06/2018 13:23 GMT+7
Mùa hè là khoảng thời gian mà chị em Linh thích nhất bởi các em sẽ có nhiều thời gian để cùng mẹ ra vườn làm và chăm sóc bố nhiều hơn, đỡ phần nào cho mẹ.
Tự động phát
Đi làm vườn ngoài giờ học
Trong vách của căn nhà gỗ bé xíu dưới chân dốc ở đường Lữ Gia (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) là chi chít bằng khen của chị em Nguyễn Thị Kiều Linh (14 tuổi) và Nguyễn Ngọc Huyền Mai (10 tuổi). Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng chị em Linh luôn cố gắng học hành, các em không chỉ học giỏi mà rất ngoan ngoãn, phụ giúp bố mẹ.
Trời Đà Lạt lạnh buốt, Linh và em Mai đã dậy từ sớm phụ mẹ nấu ăn và chuẩn bị để đi ra vườn thu hoạch đám rau hành của gia đình. Mảnh vườn hành chỉ vài trăm mét là tiền thuốc thang, ăn uống, tiền học cho chị em Linh.
VIDEO: Ước mơ đến trường bên đám rau màu của chị em Linh
|
Từ nhỏ chị em Linh ý thức được hoàn cảnh của gia đình nên ngoài giờ học cả hai đều phụ giúp bố mẹ. Ngày bố bị tai nạn lao động, mọi việc từ trong ra ngoài đều là do chị Điệp (33 tuổi, mẹ của hai em) lo lắng. Để giúp đỡ được mẹ, chị em Linh làm tất tần tật mọi việc trong nhà, ngoài giờ học một đứa đi vườn, một đứa ở nhà lo cơm nước và chăm em nhỏ. Và mùa hè này các em có thật nhiều thời gian để ra vườn, cùng mẹ chăm sóc đám rau màu quý giá của cả gia đình.
Em Linh chia sẻ: "Ở nhà thì em làm tất tần tật phơi áo quần, quét nhà... ra vườn thì em nhặt cỏ, có việc gì thì em làm cái đó". Hơn thế nữa, Linh còn chăm em, những ngày bố nhập viện chỉ ba chị em ở nhà, Linh phải thay mẹ cơm nước đưa em đến trường.
"Hai chị em ngoan lắm, không đợi mẹ nhắc các con tự giác làm mọi việc nhà và giúp mẹ. Các con ra vườn từ nhỏ kia, hè năm trước khi bố chưa bệnh thì cả nhà ra vườn luôn, bé nhỏ học lớp mẫu giáo thì mang theo cuốn tô màu ra chòi ngồi vẽ, các chị thì phụ bố mẹ làm cỏ", chị Điệp tự hào kể về các con.
Không thi học sinh giỏi vì chăm bố bại liệt
Sau tai nạn lao động anh Hiền (44 tuổi, bố của Linh) bị dập tủy và nằm bất động một chỗ. Trước đó Linh được các cô chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi của trường nhưng em đành gác lại việc đi thi để dành thời gian ở nhà chăm sóc bố và em nhỏ giúp mẹ.
"Lúc đó mấy cô có nói em đi thi học sinh giỏi mà em không có thời gian để thi. Em phải ở nhà phụ mẹ chăm sóc mấy em rồi làm việc nhà đồ nữa", Linh kể lại giọng hơi tiếc nuối.
|
Chị Điệp chia sẻ: "Linh lúc nào cũng đứng nhất lớp. Thấy cô chọn con đi thi học sinh giỏi mình rất là mừng. Nhưng bố bệnh nên Linh không đi thi được nữa. Tôi thấy thiệt thòi cho con, thương con lắm nhưng hoàn cảnh đã vậy rồi".
Bản thân chị Điệp cũng đã từng nghèo khó mà nghỉ học, nhìn thấy cơ hội đến với con mình nhưng hoàn cảnh quá khó khăn đành phải chịu. Vậy nên những đứa con ngoan, học giỏi như tiếp thêm sức mạnh để chị cố gắng làm việc, mong sao các con có thể đến trường để thoát khỏi cảnh nghèo khó như chị.
Ước mơ đến trường cậy vào đám rau màu
Làm nông phải trông chờ và thời tiết và cả thương lái, mưa gió bất thường gia đình Linh có thể mất trắng chỉ trong một ngày. Gia đình bữa cơm, bữa cháo tùy thuộc vào đám rau nhỏ.
Chị Điệp nhìn xa xăm nói: "Có lần vừa bán được bắp cải họ đưa tiền cho mình rồi, tối về hí hửng khoe các con. Hai vợ chồng chở con dạo ra chợ, chỉ đi chơi chứ không ăn uống hay mua gì là các con vui rồi. Tối đó mưa to ngập hết đám cải hư hết tất cả, mang tiền đi trả lại cho người mua. Thấy bố mẹ buồn các con cũng xìu hết luôn".
|
"Giờ mình là mình mong có thật nhiều sức khỏe để lo cho chồng được mau hồi phục, con ăn học tới nơi tới chốn. Đàn ông trong gia đình là trụ cột, còn phụ nữ là làm việc nhẹ thôi mà giờ anh bệnh anh nằm một chỗ rồi giờ mình không biết có làm nổi để nuôi con nữa không. Nhiều lúc đi làm không có dám suy nghĩ gì hết chỉ cầu trời cầu phật cho mình thật nhiều sức khoẻ để lo cho con", chị Điệp trải lòng.
Rồi không biết mai đây đám rau màu và đôi vai nhỏ của chị Điệp có đủ nâng bước ước mơ đến trường của các con hay không? Giấc mơ đến trường của các con đang cần những vòng tay của cộng đồng để năm học sắp đến các em có thể tiếp tục đến trường, để tiếp thêm hi vọng cho mẹ con Linh.
Bình luận (0)