Nữ sinh bị cưa chân chập chững những bước đầu trở lại với đời

30/03/2016 08:38 GMT+7

Lê Thị Hà Vi đã tự đi lại (trên một chân với đôi nạng gỗ), tự vệ sinh cá nhân, tập vật lý trị liệu và dạo chơi vòng vòng trong bệnh viện. Cô nữ sinh bị cưa chân cách đây không lâu đang tập tự lập với cuộc sống mới.

Lê Thị Hà Vi đã tự đi lại (trên một chân với đôi nạng gỗ), tự vệ sinh cá nhân, tập vật lý trị liệu và dạo chơi vòng vòng trong bệnh viện. Cô nữ sinh bị cưa chân cách đây không lâu đang tập tự lập với cuộc sống mới.

Lê Thị Hà Vi đi lại với nạng gỗ - Arnh: Nguyên MiLê Thị Hà Vi đi lại với nạng gỗ - Arnh: Nguyên Mi
Nụ cười trở lại
Đến thăm Lê Thị Hà Vi – nữ sinh bị cưa chân do tắc trách của bác sĩ, em đang ngồi tự băng bó mỏm cụt ở cái chân đã bị cắt. Em băng khéo chẳng thua gì y tá, bác sĩ. Vi cười cho biết: “Các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy dạy em băng. Bác sĩ bảo băng lại để mỏm cụt teo nhỏ lại, chân hết sưng rồi mới làm chân giả được”.
Tiếp tục điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (TP.HCM), những ngày nay, mỗi ngày Vi được các bác sĩ tập vật lý trị liệu 30 phút. Ngoài việc được bác sĩ tập luyện, Vi cũng tự mình tập tại phòng theo những bài tập mà bác sĩ hướng dẫn và đặc biệt em đã đi lại trên đôi nạng gỗ.
VIDEO: Nữ sinh Lê Thị Hà Vi đang bước những bước đầu tiên bằng cái chân còn lại
Em bước đi nhanh và khá linh hoạt. Chốc chốc lại dừng lại vì… mỏi tay. Trên khuôn mặt em đã xuất hiện nụ cười khi trò chuyện.

Nửa đêm, đang ngủ thì đau quá, nó lại khóc lên. Một ngày đau khoảng 2-3 đợt, đặc biệt là buổi tối. Mỗi khi đau nó lại khóc và có lúc chịu không nổi thì cáu, đập tay xuống giường. Mình phải dỗ hỏi đau sao, bố xoa chân cho. Nửa đêm đang thiêm thiếp nghe nó khóc là tỉnh dậy ngay, biết nó đau lắm mà xót.

ông Long bùi ngùi tâm sự

Tiến sĩ – bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tiến Lý, Phó giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, đùa động viên: “Ráng đi cháu, giờ đi bằng 3 chân, mấy ngày nữa lại chỉ sẽ đi bằng hai chân thôi”. Cô bé cũng cười tươi theo.
Đi dạo lòng vòng trong bệnh viện, hầu như ai cũng biết đến Vi, sự việc của em và hỏi thăm, động viên, đặc biệt là các bác sĩ, y tá. Ở quê, cô giáo chủ nhiệm cũng xuống thăm và động viên em, riêng các bạn không đi thăm được thì gọi điện thoại.
“Ở đây, nó thích chơi với mấy đứa nhỏ lắm. Trong phòng có hai đứa nhỏ cũng đang ở điều trị, cũng cứ thích qua chơi với chị Vi”, ông Lê Văn Long, bố Vi kể.
Vi đã tập làm quen với những sinh hoạt trong hoành cảnh mới. Em đã tự đánh răng, tự làm những việc vệ sinh cá nhân.
Thế nhưng, thỉnh thoảng, cô bé lại ngồi thẫn thờ, bàn tay xoa xoa lên mỏm cụt đang được băng bó.
Vi cho biết, giờ chân em vẫn còn đau, nhất là buổi tối nên không ngủ được.
“Nửa đêm, đang ngủ thì đau quá, nó lại khóc lên. Một ngày đau khoảng 2-3 đợt, đặc biệt là buổi tối. Mỗi khi đau nó lại khóc và có lúc chịu không nổi thì cáu, đập tay xuống giường. Mình phải dỗ hỏi đau sao, bố xoa chân cho. Nửa đêm đang thiêm thiếp nghe nó khóc là tỉnh dậy ngay, biết nó đau lắm mà xót”, ông Long bùi ngùi tâm sự.

Vi tự băng bó cho mình và thỉnh thoảng lại xoa xoa mỏm cụt - Ảnh: Nguyên Mi
Ông Long cho biết: “Hồi trước, tính nó như con trai, mạnh bạo, lanh lợi lắm. Sau khi mổ cưa chân đến giờ nó cũng đỡ buồn hơi, có nói cười nhưng lâu lâu lại ngồi im lặng, suy nghĩ gì đó. Buồn thiu, mình cũng không dám hỏi”.
Riêng Vi, khi được hỏi vậy mai mốt muốn học gì, có học ngành y như Bộ trưởng Bộ y tế khuyến khích không, em chỉ im lặng rồi nói chưa biết.
Theo ông Long, giờ Vi đang điều trị, cũng không biết bao lâu nên năm học này chắc gia đình phải xin bảo lưu kết quả. “Có thể năm sau sẽ chuyển trường cho cháu học gần nhà hơn, tự đi bộ đi học. Như vậy cũng sẽ thuận tiện hơn cho cháu”, ông Long chia sẻ.
Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản
Theo ông Long, từ sau hôm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vào bệnh viện thăm em Vi đến nay gia đình vẫn chưa nhận được văn bản, giấy tờ cam kết gì của ngành y tế.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Lý chỉ cho Vi biết em sẽ được làm chân giả như thế nào - Ảnh: Nguyên Mi
“Những gì bữa Bộ trưởng có nói thì cũng chỉ mới nói thôi, chứ đến giờ gia đình cũng chưa nhận được văn bản, giấy tờ gì. Nên cũng chưa biết sao. Vừa rồi chuyển viện qua đây, gia đình cũng đã đóng tạm ứng viện phí. Còn sau này tính toán sao thì chưa biết. Giờ chủ yếu gia đình lo cho con trước”, ông Long nói.
 
 
Tiến sĩ – bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tiến Lý, Phó giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, cho biết: Sau khi mỏm cụt của Vi teo lại, bệnh viện sẽ làm chân giả cho em. Hiện giờ Vi đang được tập vật lý trị liệu, đi lại bằng chân nạng để làm quen và có thể đi lại với chân giả sau khi được lắp đặt. Các bài tập làm quen với chân giả thông thường mất khoảng 3-4 tuần. Sau đó, bệnh nhân sẽ được tập tạo dáng với chân giả thì phải vài tháng.
Ông Long cho biết, vừa rồi, khi Vi nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy, gia đình có đóng tạm ứng viện phí. Sau khi xuất viện, Bệnh viện Chợ Rẫy đã hoàn trả lại số tiền tạm ứng viện phí cho gia đình. Còn về phía Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) thì có gặp gia đình một lần và đưa 20 triệu đồng.
Việc giám định thương tật cho Vi hiện giờ vẫn chưa được thực hiện. Theo ông Long, Bệnh viện Chợ Rẫy không giám định thương tật vì bệnh nhân ở Đắk Lắk nên phải về bệnh viện ở Đắk Lắk giám định.
Trước đó, với tổn thất mà Vi phải gánh chịu do tắc trách trong điều trị của y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin, gia đình em đã có yêu cầu với Bộ trưởng Bộ Y tế: ngành y tế chịu trách nhiệm về sức khỏe của em Vi trọn đời; chịu toàn bộ chi phí chữa trị cho em Vi và chi phí làm, thay chân giả cho Vi trọn đời; chịu chi phí giám định thương tật cho em Vi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi đến thăm Vi cũng khuyến khích em sau này theo học ngành y. Trong trường hợp Vi có nguyện vọng thi và học ngành y, sau khi ra trường, sẽ sắp xếp việc làm phù hợp cho em Vi.
Chuyện đó chắc còn ở thì tương lai. Còn hiện tại, cô nữ sinh 15 tuổi đang ngày ngày bước đi bằng chính cái chân còn lại của mình. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.