Bạo lực chồng bạo lực
Trong 2 ngày qua, dư luận vô cùng phẫn nộ sau khi xem clip nữ sinh bị đánh sau khi va chạm giao thông. Theo đó, Lê Tấn Thành (29 tuổi, ngụ Bình Dương) là người quay đầu xe bất ngờ khiến 2 nữ sinh đâm vào và ngã ra đường, đồng thời khiến thêm một người đi đường khác bị ngã. Không những không hỏi thăm người bị nạn do mình gây ra, Lê Tấn Thành còn liên tiếp đánh vào đầu và đạp vào người nữ sinh tên V.N.K.V (15 tuổi, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương). Không dừng lại tại đó, anh ta còn cầm côn 3 khúc đánh tiếp vào người nạn nhân khiến em này phải vào bệnh viện khâu 10 mũi.
Do hành động đánh nữ sinh quá côn đồ, Thành đã bị một nhóm người tìm đến tận nhà để hành hung. Clip này được tung lên mạng, cho thấy Thành đã bị đánh rất dã man. Rất nhiều người sau khi xem clip đã bày tỏ cảm giác thích thú, hả hê vì “kẻ bạo lực xứng đáng bị bạo lực trừng trị”.
Nhìn nhận về việc “lấy bạo lực đáp trả bạo lực” này, Ngô Tuấn Khôi, sinh viên năm 3 ngành tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Anh thanh niên đã quá sai khi chính mình gây ra tai nạn mà lại đánh phủ đầu người bị nạn, giống như anh ta sợ bị đổ lỗi, hoặc do anh ta ở nhà thường xuyên giải quyết vấn đề bằng tay chân như vậy. Nhưng nhóm người đến đánh anh kia cũng lại sai không kém, khi tiếp tục dùng bạo lực để giải quyết. Lẽ ra họ nên giao anh ta cho công an giải quyết”.
Đồng quan điểm, Nguyễn Thúy Hà, sinh viên năm 4 ngành quan hệ công chúng, Trường ĐH văn Lang, cho rằng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, dù trong tình huống nào, cũng đều không nên. “Em rất sợ mỗi lần ra đường gặp cảnh người ta gây lộn rồi đánh nhau, đôi khi nguyên nhân không có gì to tát. Chẳng hạn đang ngồi ăn ở quán, chỉ cần người này nhìn người kia và bị cho là “nhìn đểu” đã có thể đánh nhau. Hoặc va chạm xe nhẹ thôi, cũng không ai muốn xin lỗi ai mà ngay lập tức chửi bới rồi dùng tay chân giải quyết. Không hiểu vì sao người ta lại thiếu kiềm chế với nhau như vậy”.
Do tư duy giáo dục lệch lạc?
Thạc sĩ Lê Minh Tiến, giảng viên Khoa Xã hội học, Trường ĐH Mở TP.HCM, lý giải việc ngày nay người ta dễ dàng giải quyết sự việc bằng bạo lực, là do nguyên nhân sâu xa từ giáo dục. Ông Tiến nhìn nhận: “Lâu nay chúng ta vẫn giáo dục bằng tư duy “đi tắt đón đầu”, cái gì cũng phải nhanh, cấp tốc để sớm có kết quả, để không bị người khác vượt qua. Chẳng hạn như các khóa dạy trẻ cách giải toán nhanh, có kết quả trong mấy giây, hay các khóa dạy tiếng Anh cấp tốc, hay các khóa dạy làm giàu siêu tốc… Tư duy này dần dần ăn sâu vào nhận thức, khiến người ta muốn chuyện gì cũng phải có ngay kết quả thay vì phải đi từng bước, phải có quá trình rèn luyện, phải có sự kiên nhẫn, bình tĩnh. Vì thế, người ta thích vượt đèn đỏ, người ta dễ dàng nổi nóng, thiếu kiềm chế và không đủ kiên nhẫn để trao đổi, đối thoại khi xảy ra xung đột, va chạm. Người ta muốn giải quyết nhanh gọn không cần phân tích đúng sai”.
|
Thạc sĩ Tiến cũng cho rằng trong khoảng 5-10 năm trở lại đây, nhiều vụ bạo lực xảy ra và điều đáng lo ngại là nhiều người lại ủng hộ, tung hô điều đó. “Bạn trẻ thích thú coi những clip của Khá Bảnh, của Huấn hoa hồng, của những người vô duyên vô cớ xông nhà người khác “dạy dỗ” chủ nhà, vì người đó ngoại tình, hay là vay nợ không trả… Càng được nhiều người tung hô thì điều sai trái đó lại càng có cơ hội để tồn tại và ngày càng mạnh mẽ hơn. Ở nhà thì cha mẹ thấy con sai, chưa cần lắng nghe, đối thoại đã đánh trước. Ở trường thì trò sai, phạt hay đuổi ra khỏi lớp trước đã, thay vì hỏi han, tìm hiểu nguyên nhân. Những điều đó khiến cho bạo lực học đường, bạo lực gia đình và ngoài xã hội ngày càng phát triển”, thạc sĩ Tiến phân tích.
Để cải thiện tình trạng này, thạc sĩ Tiến cho rằng phải thay đổi tư duy giáo dục, dạy đứa trẻ tư duy muốn có kết quả phải có quá trình, chứ không phải cấp tốc có ngay, dạy trẻ biết lắng nghe, bình tĩnh và kiên nhẫn trong giải quyết vấn đề. “Bên cạnh đó, cách ứng xử của người lớn trong gia đình, trong trường học và ngoài xã hội cũng là một tấm gương để trẻ học hỏi. Như phương Tây họ dạy trẻ luôn luôn nói lời xin lỗi trong các tình huống va chạm. Chẳng hạn hai người đang đi mà không may va vào nhau, cả hai họ cùng mỉm cười và xin lỗi. Lời xin lỗi thể hiện ứng xử văn minh khi cả hai bị rơi vào tình huống không mong muốn, chứ không phải sai mới xin lỗi”, thạc sĩ Tiến chia sẻ thêm.
Hành vi côn đồ sẽ bị xử lý theo Bộ Luật hình sự
Bà Lưu thị Quỳnh Trang, Giám đốc Công ty Luật Lưu Trang, nhìn nhận hành vi của nam thanh niên thể hiện tính chất côn đồ, sự hung hãn, không những xâm phạm đến sức khỏe của người khác mà còn xâm phạm đến trật tự an toàn nơi công cộng.
Theo bà Trang, đối với hành vi của nam thanh niên khi điều khiển xe quay đầu không quan sát gây tai nạn giao thông theo quy định có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Xét đến các hành vi có tính chất côn đồ, gây thương tích cho nữ sinh, nam thanh niên có thể bị truy tố theo các tội danh “cố ý gây thương tích” được quy định tại điều 134 Bộ Luật hình sự và “Gây rối trật tự công cộng” được quy định tại điều 318 Bộ Luật hình sự. Theo đó, hành vi dùng chân đạp liên tiếp vào đầu nữ sinh thì tùy theo tính chất, mức độ hậu quả và kết luận của cơ quan điều tra, nam thanh niên sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về tỷ lệ thương tích gây ra theo quy định tại điều 134 Bộ Luật hình sự hiện hành.
“Đối với hành vi đánh nạn nhân bằng côn 3 khúc, thanh niên này có thể sẽ bị xử phạt hành chính phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đối với hành vi tàng trữ công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép và hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm. Trường hợp nữ sinh có thương tích dưới 11%, thì nam thanh niên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự căn cứ điểm c, điểm e khoản 1 Điều 134 Bộ Luật hình sự với tình tiết định khung cố ý gây thương tích đối với người dưới 16 tuổi và hành vi có tính chất côn đồ”, bà Trang chia sẻ.
|
Bình luận (0)