Không chỉ sở hữu thành tích học tập tốt, Nguyễn Bảo Châu, học sinh lớp 12 toán 1, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) còn là nhà sáng lập của nhiều dự án cộng đồng và nhận được nhiều học bổng.
Hiện tại, Bảo Châu là nhà sáng lập The STEAM Project, dự án ứng dụng và lan tỏa giáo dục STEAM đến các bạn trẻ; nhà sáng lập, cựu Chủ tịch Colympus - Câu lạc bộ Olympia Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh; thành viên sáng lập, cựu Phó ban nhân sự The PEA Organization - tổ chức giáo dục hỗ trợ học sinh THCS.
Phá vỡ định kiến và đồng hành cùng người trẻ
"Phá vỡ định kiến và đồng hành cùng người trẻ" là 2 giá trị mà Bảo Châu cam kết theo đuổi khi phát triển các dự án. Chia sẻ về lý do thành lập The STEAM Project, nữ sinh Hà Tĩnh cho biết: "Hầu như những chủ đề hoạt động ngoại khóa mình thực hiện đều xuất phát từ tư duy phá vỡ định kiến. Giáo dục STEAM (phương pháp học chủ yếu dựa trên thực hành với nhiều hoạt động sáng tạo) đang là xu hướng của thế giới. Ở các thành phố lớn bắt đầu có những trung tâm về giáo dục STEAM, trong khi ở Hà Tĩnh thì mọi thứ đang rất khó khăn và nhiều người nghĩ rằng những phương pháp giáo dục tiên tiến như thế chỉ thành phố lớn mới có".
The STEAM Project là dự án hướng đến phát triển toàn diện trong 5 lĩnh vực: công nghệ, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học nhằm giúp bạn trẻ có định hướng tốt hơn trong tương lai. Dự án với chương trình chính là trại hè STEAM dành cho thiếu niên trên địa bàn Hà Tĩnh. Trại viên được tham gia vào những hoạt động liên quan đến công nghệ như lập trình, giải mật mã, thiết kế, ngoài ra được thực hành thí nghiệm hóa học, vật lý, tham gia các hoạt động kỹ năng sống như diễn kịch, trò chơi đồng đội… Với Bảo Châu, thành công của trại hè không chỉ được đo lường bằng sức ảnh hưởng truyền thông mà còn đến từ trải nghiệm của trại viên và phụ huynh.
Dự án trại hè STEAM có chương trình hỗ trợ tài chính cho các trại viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn và trại viên xa thành phố. Đây là điểm khác biệt so với các trại hè khác. Để giảm trại phí đến mức tối thiểu và mang đến cho trại viên những trải nghiệm tốt nhất, Bảo Châu đề xuất các chính sách hỗ trợ và cố gắng xin tài trợ nhiều nhất có thể. "Mình luôn nghĩ giáo dục là một lĩnh vực phải công bằng, ai cũng có thể tiếp cận được. Một trại hè mang đến những giá trị tích cực như thế này tại sao chỉ dừng ở quy mô thành phố, tại sao chỉ tiếp cận được với những gia đình có điều kiện?", Bảo Châu chia sẻ về ý tưởng hỗ trợ tài chính.
Dự án cộng đồng phải mang lại giá trị tích cực
Bên cạnh việc nỗ lực học tập thì kỹ năng mềm được Bảo Châu tích lũy trong suốt quá trình tham gia hoạt động ngoại khóa đã giúp cô nàng đạt thành tựu học tập như hiện tại. "Khi đạt học bổng 80% (tương đương 2,7 tỉ đồng) của Trường ĐH VinUni, mình tự đặt câu hỏi tại sao mình được đề xuất mức học bổng ngang bằng các bạn có hồ sơ học thuật mạnh hơn mình nhiều lần. Sau đó mình mới nhận ra, chính những kỹ năng, kinh nghiệm được mình đúc kết trong hành trình đồng hành với các hoạt động ngoại khóa đã giúp mình thuyết phục hội đồng ban tuyển sinh", Bảo Châu tâm sự.
Việc thực hiện các dự án cộng đồng mang lại cho Bảo Châu nhiều giá trị quý báu về mặt tinh thần. "Bản thân mình trở thành một người hoàn thiện và đa năng hơn. Trước đó, mình là một người cứng đầu, khô khan, nhưng sau khi tham gia các hoạt động xã hội, mình đã học được cách hòa nhập và cởi mở hơn với các thành viên khác. Hơn nữa, mình được rèn luyện phong cách làm việc chuyên nghiệp, tích lũy kỹ năng liên quan đến đối ngoại khi làm việc với đối tác và nhà tài trợ. Một lợi ích quan trọng mình nhận được nữa là tạo dựng các mối quan hệ có thể học hỏi, giúp đỡ nhau trong quá trình vận hành dự án", Bảo Châu tiết lộ.
Với Bảo Châu, một trong những kỹ năng quan trọng khi thực hiện dự án là kỹ năng lãnh đạo. Nó không chỉ dừng lại ở việc phân công nhiệm vụ hay dẫn dắt dự án, mà còn là sự lãnh đạo trong tư duy mỗi người, nghĩa là biết sắp xếp công việc một cách có kế hoạch. Bên cạnh đó, khả năng thích ứng cũng cần được chú trọng, bởi dự án nào cũng có thể gặp phải khó khăn, do đó người đứng đầu cần linh hoạt để xử lý vấn đề sao cho phù hợp với hoàn cảnh.
"Một dự án cộng đồng dù với quy mô nào thì cũng cần mang lại những giá trị tích cực. Mình hy vọng các bạn trẻ sẽ có trải nghiệm đúng đắn khi tham gia vào các hoạt động ngoại khóa cũng như có trách nhiệm với quá trình vận hành dự án xã hội của mình", Bảo Châu bày tỏ.
Nhận xét về cô học sinh năng nổ này, thầy Lê Phi Hùng, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, đánh giá: "Bảo Châu là một học sinh có ý chí vươn lên rất lớn, thành tích học tập tốt và luôn tích cực trong các hoạt động ngoại khóa. Các chương trình, dự án bạn thực hiện mang lại hiệu quả không chỉ cho học sinh trong trường mà còn cho các bạn trẻ của tỉnh Hà Tĩnh. Hy vọng bạn ấy luôn phát huy được ý chí và năng lực để đạt được nhiều thành tích tốt trong tương lai".
Bình luận (0)