Tuy bị khiếm khuyết về hình thể và phải đến giảng đường bằng đầu gối nhưng Phạm Thị Thu Thủy, sinh viên năm 4 Khoa Giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, luôn duy trì lối sống tích cực và lan tỏa nguồn năng lượng này.
Bị khuyết tật, cha mẹ bỏ rơi
Thủy sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh đầy éo le. Cô bị cha mẹ bỏ rơi ở bệnh viện Từ Dũ ngay từ lúc chào đời. Sau đó, cô được chuyển qua làng Hòa Bình sinh sống đến tận hôm nay.
Trong suốt 4 năm qua, nữ sinh viên Thu Thủy đến trường bằng đầu gối |
NVCC |
Ở bậc tiểu học, Thủy được cho đi học cùng những trẻ em bình thường khác. Lúc đó, Thủy luôn mặc cảm, tự ti với ngoại hình khác người của mình, Cô bị khuyết tật vận động, với đôi chân co quắp từ đầu gối đến bàn chân, phải di chuyển bằng 2 đầu gối.
“Lúc tôi mới tập đi, thật khủng khiếp. Những bạn khác tập đi với những bước chân. Còn tôi, tôi tập đi bằng đầu gối, tôi té hoài. Đến hiện giờ, tôi đứng một mình cũng không vững”, Thu Thủy chia sẻ.
Sau đó, Thủy được chuyển qua trường chuyên biệt dành cho người khuyết tật, được học cùng những bạn bè đồng cảnh ngộ. Theo Thủy, ngôi trường này giúp cô tự tin hơn và nỗ lực phấn đấu cho tương lai thay vì than vãn.
Người đầu tiên tôi muốn báo tin vui này là ba mẹ, nhưng tôi không có ai để báo. Tôi tin rằng nếu có ba mẹ thì chắc chắn họ sẽ vui lắm
Phạm Thị Thu Thủy
Trong những năm tháng đi học đó, Thủy luôn dành tình cảm đặc biệt với những bạn bị khiếm thính. Dần dần, nữ sinh viên bắt đầu đam mê ngôn ngữ ký hiệu và quyết tâm theo đuổi đến cùng. Thủy tâm sự: “Tôi luôn khát khao đi học để mang kiến thức và năng lượng tích cực đến cho những bạn khiếm khuyết giống mình”.
Thế là, Thủy buộc bản thân phải vào ĐH, theo đuổi con đường mình đã chọn. Cô ngày đêm học tập, rèn luyện để mong đủ điểm xét tuyển vào ngành học mình mong muốn. Có lúc, nữ sinh này muốn bỏ cuộc vì đau chân, lo sợ không được cộng đồng chấp nhận vì là người khuyết tật. Nhưng rồi cuối cùng Thủy đã vượt qua tất cả để thực hiện ước mơ của mình.
Thủy trong một lần đi thực tập cùng với bạn bè |
“Ngày biết kết quả trúng tuyển vào ĐH, tôi rất vui vì được theo đuổi đam mê trở thành giáo viên ngành giáo dục đặc biệt. Người đầu tiên tôi muốn báo tin vui này là ba mẹ, nhưng tôi không có ai để báo. Tôi tin rằng nếu có ba mẹ thì chắc chắn họ sẽ vui lắm”, Thủy nghẹn ngào nói.
Mơ ước làm cô giáo dần hình thành
Vào ĐH, Thủy làm bạn với chiếc xe lăn mỗi ngày đến trường và phải đối mặt những bậc thang. Mỗi ngày, Thủy lê từng bước bằng đầu gối lên những bậc thang ấy để thực hiện ước mơ trở thành giáo viên.
“Đôi lúc tôi cũng buồn, chân bị tái phát và rất đau. May mắn thay, tôi cũng được bạn bè hỗ trợ. Tôi từng nghĩ mình sẽ từ bỏ hành trình học ĐH vì phải mổ chân, nhưng không…”, nữ sinh viên nói.
Mỗi ngày ở giảng đường ĐH với Thủy là một ngày vui, bởi cô luôn nghĩ mình là một người bình thường, không bị khuyết tật. Dù khó khăn đến đâu, Thủy cũng cố gắng vượt qua. Cô luôn nhấn mạnh rằng cô không có khái niệm từ bỏ đam mê và cuộc sống của mình.
Sau 4 năm miệt mài học, Thủy đã trở thành cô giáo dạy cho những học sinh khiếm thính. “Sau này, tôi mong muốn trở thành phiên dịch viên chuyên ngành ngôn ngữ ký hiệu”, Thủy chia sẻ về kế hoạch tương lai.
Tuy bị khiếm khuyết cơ thể nhưng Thu Thủy luôn tỏ ra lạc quan, yêu đời |
NVCC |
Khi nói về ước mơ dài lâu, cô cho biết mình luôn khao khát được tìm thấy ba mẹ. Cô muốn khoe với ba mẹ những gì đã làm được, muốn được ôm ba mẹ trong lòng. “Tôi nghĩ rằng ngày gặp lại ba mẹ, tôi sẽ khóc rất nhiều”, Thu Thủy bày tỏ.
Ngoài ra, cô cũng muốn từ sự năng động, tự tin và lạc quan của mình có thể truyền tải đi thông điệp cho người khuyết tật khác.
Bình luận (0)