Nữ sinh đồng bào Rục đầu tiên đỗ đại học

03/10/2022 07:40 GMT+7

Sau gần 65 năm được phát hiện sinh sống trong những hang, lèn giữa rừng Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình ), trải qua hàng chục năm hòa nhập với xã hội, lần đầu tiên có một người con mang dòng máu Rục đỗ đại học.

Mổ heo mừng con đỗ đại học

Đây là có lẽ là niềm hạnh phúc lớn nhất của nữ sinh Cao Thị Lệ Hằng (18 tuổi, bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa, Quảng Bình) khi trở thành người Rục đầu tiên đỗ đại học. Hằng đã đánh dấu một mốc mới trong quá trình phát triển của đồng bào được cho là “em út” trong 54 dân tộc Việt Nam.

Là con thứ 6 trong gia đình có đến 8 anh chị em, bố mất khi Hằng mới 2 tuổi, một mình bà Hồ Thị Páy (50 tuổi, mẹ Hằng) tần tảo với đồng ruộng, con trâu, con bò để nuôi các con. Các anh chị của Hằng chưa có ai học hành đến nơi đến chốn, chủ yếu làm nương rẫy, ngoài ra có 2 người chị đi xuất khẩu lao động nhiều năm nhưng chưa một lần liên lạc về nhà. Lên cấp 3, Hằng chuyển về học tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) tỉnh Quảng Bình.

Niềm hạnh phúc của hai mẹ con Hằng khi em là người dân tộc Rục đầu tiên trúng tuyển đại học

B.C

Trong lớp 12B Trường PTDTNT tỉnh Quảng Bình, Hằng được đánh giá là học sinh mẫu mực, siêng năng và luôn đạt thành tích cao. Chính vì thế, em được nhiều bạn bè, thầy cô yêu quý, giúp đỡ tận tình.

Kết thúc kỳ thi THPT năm 2022, Hằng đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Huế với 25,5 điểm, thuộc tốp cao nhất ở trường và cũng được ghi nhận là người Rục đầu tiên đỗ đại học. Để mừng cho kỳ tích đó, gia đình Hằng đã làm tiệc mời cả bản, cũng là tiễn cô con gái chịu khó, giỏi giang lên đường nhập học.

“Tôi không nghĩ sẽ có ngày con mình đậu đại học, chỉ mong con đi Đồng Hới học xong cấp 3 rồi về phụ việc nhà là tốt rồi. Ngày con đem tờ giấy báo trúng tuyển cho tôi xem, tôi vui mừng không tả nổi. Phải mổ luôn con heo mời cả làng chung vui”, bà Páy vui mừng kể.

Muốn trở thành giáo viên giỏi giúp đỡ bản làng

“Em không dám đòi hỏi gì với mẹ cả, trong nhà có nồi niêu, chăn màn hay thậm chí đôi đũa, cái bát em cũng mang theo để đỡ chi phí mua sắm. Lần này vào Huế một mình em cũng rất lo lắng, nhưng em sẽ cố gắng hết sức để sớm trở về với mẹ, làm một giáo viên giỏi giúp đỡ bản làng”, Hằng chia sẻ.

Sau nhiều năm được gia đình và các chiến sĩ biên phòng giúp đỡ, Hằng đã đáp trả lại bằng việc là người đồng bào Rục đầu tiên đỗ đại học

b.c

Năm 2016, trong chương trình “Nâng bước em đến trường”, các chiến sĩ Đồn biên phòng Cà Xèng (xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa) đã liên hệ với gia đình Hằng và 3 hoàn cảnh khác để hỗ trợ một khoản chi phí hằng tháng cho Hằng đến năm 18 tuổi.

Trong số 4 học sinh được Đồn biên phòng Cà Xèng hỗ trợ, chỉ duy nhất Hằng năm nay đỗ đại học. Trong lớp của Hằng cũng chỉ có 7 bạn đỗ đại học, nhưng có 2 bạn không thể đi học vì không đủ điều kiện. Bản thân Hằng cùng gia đình vẫn đang lo lắng về những chi phí khi em lên thành phố nhập học.

Trung tá Phạm Văn Phương, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cà Xèng (xã Thượng Hóa), cho biết gia đình Hằng thuộc diện khó khăn nhưng em có nghị lực phấn đấu rất đáng nể. Đồn đang tìm hiểu các nguồn hỗ trợ để tiếp tục giúp đỡ Hằng học xong đại học.

“Chương trình “Nâng bước em đến trường” chỉ hỗ trợ cho Hằng cùng các em khác đến năm 18 tuổi, tức là giờ Hằng đã quá tuổi. Tuy nhiên, Hằng là trường hợp đặc biệt, tạo dấu mốc quan trọng cho đồng bào Rục nói chung và những em học sinh được đồn hỗ trợ nói riêng, nên chúng tôi đang tìm nguồn tài trợ cho Hằng hoàn thành 4 năm học đại học”, trung tá Phương nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.