Nữ sinh lớp 12 'hô biến' vỏ bắp thành giấy

15/01/2024 08:00 GMT+7

Từ vỏ bắp (ngô) tưởng chừng chỉ bỏ đi, nhưng Mạch Thanh Tú, học sinh lớp 12B1, Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) đã "hô biến" thành những trang giấy.

"Vỏ bắp là một nguồn phế phẩm dồi dào, có hàm lượng xenlulozo khá cao. Ngoài việc dùng nguyên liệu này để làm phân bón mình có thể tạo một sản phẩm là giấy vừa giúp ích cho môi trường, vừa phục vụ đời sống", Tú chia sẻ về lý do chọn vỏ bắp làm giấy.

Nữ sinh lớp 12 'hô biến' vỏ bắp thành giấy- Ảnh 1.

Sản phẩm giấy từ vỏ bắp của Tú được tham gia các chương trình liên hoan khoa học, sáng tạo

TẤN ĐẠT

Điều đặc biệt, Tú không dùng nhiệt và hóa chất để hạn chế việc thải ra khí CO2 và nhiệt lượng ảnh hưởng môi trường. Còn việc tránh dùng hóa chất thì sẽ không tốn thời gian xử lý nguyên liệu, đảm bảo được an toàn cho người tiêu dùng.

Để "hô biến" những vỏ bắp thành giấy, phải trải qua công đoạn ngâm vỏ bắp với muối baking soda trong 24 tiếng đồng hồ để giúp vỏ mềm và loại bỏ những tạp chất dư thừa, tránh gây lên men.

"Thành phần chính của vỏ bắp là xenlulozo. Trong sợi xenlulozo liên kết với nhau rất chặt chẽ tạo thành một hệ thống mạng liên kết dày đặc và bền vững, điều này khiến sợi xenlulozo không tan trong nước và hầu hết các dung môi hữu cơ thông thường. Việc dùng baking soda giúp cho sợi xenlulozo được tách ra", Tú giải thích thêm.

Nữ sinh lớp 12 'hô biến' vỏ bắp thành giấy- Ảnh 2.

Những trang giấy được làm từ vỏ bắp

TẤN ĐẠT

Kế đến phải rửa sạch, điều chỉnh môi trường hỗn hợp đạt độ pH là 7. Sau đó đập dập, rồi xay nhuyễn vỏ bắp tạo nên dung dịch huyền phù rồi tráng giấy, ép ra vải nỉ. Cuối cùng là phơi khô để có một thành phẩm giấy.

"Khó nhất là giai đoạn đập dập, vì cần sử dụng chày để thao tác, khá tốn thời gian và sức lực. Độ dày của giấy được tạo nên tùy theo mục đích mình muốn làm ra sản phẩm gì. Ví dụ muốn làm giấy viết thì độ dày giấy được tráng vừa đủ. Còn khi làm giấy để gấp thành túi đựng thì sẽ được tráng lớp huyền phù dày hơn", Tú cho biết, và nói thêm: "Sản phẩm giấy từ vỏ bắp đầu tiên có độ bền khá thấp, đạt chất lượng khoảng 40%. Sau đó, mình nghiên cứu và tìm ra phương pháp để tăng độ bền cho giấy khoảng 90% bằng cách sử dụng tinh bột biến tính cation. Sản phẩm khi dùng bột biến tính cation sẽ đạt chất lượng khá giống với loại giấy gói bánh mì mà các chủ tiệm hay dùng".

Thời gian đến, Tú sẽ hoàn thiện về mọi mặt cho sản phẩm, như: độ mịn, độ dai của giấy. "Và phương pháp làm giấy từ vỏ bắp sẽ được áp dụng ở thực tiễn, có thể sản xuất ra thị trường, được mọi người sử dụng, thay thế một phần nào đó cho hộp nhựa, bao ni lông...", Tú hào hứng nói.

Chị Lê Thị Minh Trang, chuyên ngành hóa phân tích, Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM, cho hay đề tài nghiên cứu "tạo giấy từ vỏ bắp không dùng nhiệt và hóa chất" của Tú về công năng có thể ứng dụng trong lĩnh vực giấy ăn, bao bì hay sản phẩm gia dụng như: đĩa, ly giấy. Do không dùng hóa chất tạo giấy nên an toàn cho người sử dụng và môi trường.

"Vỏ bắp hiện tại là một phế phẩm nông nghiệp khá phổ biến. Nếu tận dụng tạo thành giấy theo quy trình không dùng nhiệt và hóa chất sẽ giảm thiểu được kinh phí sản xuất, giá thành thấp; đồng thời tạo ra những sản phẩm có ích cho cuộc sống. Giai đoạn tiếp theo nhà trường sẽ hỗ trợ cho Tú nâng cấp sản phẩm, đưa ra thị trường để kinh doanh", chị Minh Trang nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.