Nữ sinh, nữ nhà báo bị quấy rối tình dục nhiều nhất

05/12/2018 15:16 GMT+7

Khảo sát của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, 31,2% nữ sinh, 27% nữ nhà báo và 11% học sinh phổ thông bị quấy rối tình dục hoặc xâm hại tình dục.

Đây là thông tin được Bộ LĐ-TB-XH công bố tại tọa đàm "Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái: khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ", do Bộ này phối hợp với UNFPA tổ chức sáng nay, 5.12.
Theo bà Trần Thị Bích Loan, Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH), tại Việt Nam đã ghi nhận có trên 1.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Những vụ việc này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Khảo sát mới đây của UNFPA tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, có 11% học sinh nữ, 27% nữ nhà báo và 31% nữ sinh viên bị quấy rối tình dục hoặc xâm hại tình dục.
Từng có thời gian dài làm tư vấn tại tại các trung tâm dịch vụ tư vấn pháp lý, TS luật Trần Thị Lịch, thẩm tra viên chính Toà án nhân dân tối cao, tỏ ra nghi ngờ về con số 11% nữ học sinh bị xâm hại và quấy rối tình dục.
Bà Lịch chia sẻ: “Tôi nghe nhiều các cuộc điện thoại của các thầy giáo nam chia sẻ rằng, họ đã quan hệ với các em học sinh lớp 5, 6, 7, chứng tỏ mức độ nguy hiểm thế nào. Trách nhiệm của chúng ta phải làm thế nào giảm thiểu tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em”.
Theo bà Lịch, chứng cứ cho việc dâm ô như: ôm hôn, cấu véo… thường không để lại chứng cứ, nếu như chỉ căn cứ vào lời khai thì ranh giới giữa phạm tội và không phạm tội rất mong manh. Mức bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực này mặt bằng chung là thấp, mỗi nơi áp dụng một kiểu nên còn có những bất cập khiến cho việc xét xử trở nên khó khăn và gây tranh cãi.
Bà Đỗ Thị Thu Hà, phụ trách Văn phòng UNFPA Việt Nam, cho hay khảo sát của UNFPA tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, chỉ có 1,9% nạn nhân dám đứng lên tố cáo với các cơ quan chức năng. Đặc biệt, có đến 65% người chứng kiến lại "thờ ơ" không dám làm gì để chống lại các hành vi quấy rối của các đối tượng tại nơi công cộng.
Bạo lực và quấy rối tình dục là vấn đề nhạy cảm. Trong văn hóa của châu Á còn nhiều định kiến khiến nhiều nạn nhân không dám chia sẻ, không tố cáo. “Những định kiến chống lại nạn nhân bạo lực tình dục khiến họ không được bảo vệ một cách đầy đủ, mà còn phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực khi lên tiếng và đi tìm công lý. Nhiều người không tin vào các câu chuyện phụ nữ đã chia sẻ, thậm chí nhiều người còn quay lưng, chống lại họ, đẩy họ vào tình thế phải im lặng”, bà Đỗ Thị Thu Hà bày tỏ.
Để giải quyết vấn đề bạo lực từ nhiều phía khác nhau, tại buổi tọa đàm, ngoài chỉ ra những khoảng trống trong hệ thống chính sách pháp luật, các đại biểu đã đề xuất cần thiết lập, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực và cả người gây bạo lực, gồm: các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, an toàn, trợ giúp pháp lý và hệ thống tư vấn hỗ trợ thông tin dễ tìm, dễ tiếp cận với nạn nhân bị bạo lực tình dục,... nhằm hướng tới một xã hội tiến bộ và phát triển bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.