Nữ sinh phụ ngoại bán vé số mong được tiếp tục đến trường

24/08/2024 09:51 GMT+7

Sinh ra chỉ có 1 quả thận rồi bị cha mẹ bỏ rơi, Ngô Nguyễn Thị Yến Ngọc (lớp 11B7, Trường THPT Bình Thủy, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) được ông bà ngoại nuôi nấng trong hoàn cảnh quá nhiều khó khăn.

Ngọc ở với ông bà ngoại trong căn nhà nhỏ ở P.Bình Thủy, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Hiện khó nói ai đang là trụ cột gia đình vì 3 người đều bệnh tật. Ông Nguyễn Văn Phụng (71 tuổi, ngoại của Ngọc) từng làm nghề sửa xe, nay nằm một chỗ do bệnh tai biến, việc uống thuốc và ăn cơm cũng không thể tự lo.

Nữ sinh phụ ngoại bán vé số mong được tiếp tục đến trường- Ảnh 1.

Ngọc cùng bà ngoại bán vé số ngoài đường

ẢNH: THANH DUY

Bà ngoại của Ngọc là bà Ngô Thị Um (73 tuổi) cũng bị tai biến nhưng mức độ nhẹ hơn. Dù vậy, miệng bà luôn co giật và hay chảy nước mắt vì dây thần kinh bị ảnh hưởng. Số của bà lắm chông gai, lúc trẻ bị sốt bại liệt, về già tai biến, phải đi khập khiễng suốt đời.

Ngọc bẩm sinh chỉ có 1 trái thận. Khi em mới 3 tuổi thì cha mẹ ly hôn. Cha không cấp dưỡng vì Ngọc sống với mẹ, nhưng sau đó mẹ lập gia đình mới rồi bỏ rơi em luôn. Ngọc đi học khó hơn các bạn do dễ bị mệt, nhức đầu, viêm mũi, ho, sốt. Nhiều lần đang học, em phải xin xuống phòng y tế nằm nghỉ. Nhưng điều đó không ngăn được nghị lực, ước mơ trở thành sinh viên của em. Kể đến đây, bà Um thở dài: "Bác sĩ từng nói Ngọc chỉ có 1 trái thận, phải hạn chế làm việc nặng. Nghĩ vậy nên tôi cố gắng lo cho cháu học hành để sau này kiếm được việc làm. Nhưng từ ngày chồng ngã bệnh, tôi thấy điều này rất khó, sợ cháu đứt gánh giữa đường".

Bà Um thuộc hộ cận nghèo, 3 người trong nhà đều được cấp BHYT. Riêng ông Phụng nhận bảo trợ xã hội 800.000 đồng/tháng. Số tiền này chỉ đủ lo thuốc thang cho ông, bà Um phải gồng gánh nhiều việc khác.

Nữ sinh phụ ngoại bán vé số mong được tiếp tục đến trường- Ảnh 2.

Suốt 10 năm liền, Ngọc đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi

ẢNH: THANH DUY

Ông Phụng bùi ngùi: "Khoảng 20 năm trước, chúng tôi mượn tiền xóa đói giảm nghèo 50 triệu đồng để sửa căn nhà. Tới giờ, khoản nợ này vẫn chưa trả dứt. Tôi không thể đến bệnh viện được nên có nhiều loại thuốc phải mua bên ngoài khoảng 500.000 đồng/tháng. Số tiền này rất đáng kể so việc bán vé số của vợ tôi".

Mỗi ngày, bà Um bán vé số 2 buổi. Sáng sớm đi tới 9 giờ về lo cơm nước cho chồng; 14 giờ lại đi đến hơn 22 giờ. Vì chân yếu, bà không đi bán dạo mà ngồi một chỗ và chỉ dám lấy 120 tờ/ngày. Sau giờ học, Ngọc phụ bán vé số với ngoại. Em chia sẻ: "Khi còn trẻ, bà ngoại lấy nước mắm ở dưới chân cầu Cái Răng về bán dạo. Đôi chân đi đứng khó khăn nhưng mỗi tay xách can 5 lít để mời người mua. Có ngày, bà bán được khoảng 30 lít, tối về mệt lả người. Em rất biết ơn ngoại, luôn ráng học để không phụ lòng bà".

Cô Huỳnh Thanh Hà, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bình Thủy, cho biết hoàn cảnh của Ngọc rất khó khăn nhưng em luôn cố gắng, nỗ lực trong học tập. Năm học vừa rồi, Ngọc đạt danh hiệu học sinh giỏi và tích cực tham gia các hoạt động của đoàn thanh niên. Mỗi dịp khai giảng, lễ, tết, nhà hảo tâm tặng học bổng đều ưu tiên xét cho Ngọc. Nhà trường rất mong em được giúp đỡ để tiếp tục đến trường. 

Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn hoặc số tài khoản 6868866868 tại Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Tân Định. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Ngô Nguyễn Thị Yến Ngọc; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Ngọc trong thời gian sớm nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.