Không chỉ tốt nghiệp sớm (đã học xong chương trình học vào tháng 6.2017, và nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 12 cùng năm) mà Quỳnh Như còn đạt tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân loại giỏi chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp.
Quỳnh Như cũng vừa vinh dự nhận được danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp T.Ư, do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng vào đầu tháng 1.2018.
Quỳnh Như chia sẻ: “Mặc dù học vượt nhưng mình thấy học thoải mái, vừa sức. Mà mình thấy học vượt rất vui vì học với nhiều lớp, quen được nhiều anh chị khóa trên. Hơn nữa, khi học vượt mình thường xuyên tham gia học nhóm để cùng giải quyết vấn đề, điều này giúp mình rèn luyện khả năng làm việc nhạy bén cũng như tính linh động trong ứng xử. Khi ở thế chủ động, mình có thể tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa khác ở trường, cũng như có thể làm thêm sau giờ học”.
|
Để học vượt cũng phải biết cách bố trí thời gian, cân đối lịch học một cách hợp lý? Quỳnh Như trả lời: “Mình xem qua chương trình đào tạo của khoa và đăng các môn học theo từng học kỳ. Ví dụ, đang học kỳ 1 năm hai thì mình đã đăng ký học vượt các môn của học kỳ 1 của năm ba. Sau đó chọn lớp có thời khóa biểu thích hợp, một là ca sáng hết, hai ca chiều hết. Nên tránh trường hợp đăng ký sót môn của học kỳ đó vì học kỳ sau sẽ không có thì phải đợi”.
Nói về quá trình học vượt của mình, Quỳnh Như kể: “Lần đầu tiên em chỉ đăng ký học thêm có hai môn, sau đó em thấy học vậy rất hay mà mình còn dư thời gian nên lần tiếp theo đăng ký học 10 môn trong một học kỳ. Đa số em đăng ký các môn học chung với các lớp chính quy ở khóa trên, chỉ có một vài môn là học chung với các lớp học liên thông buổi tối. Trường hợp các môn học bị trùng lịch thi, em xin thi vào các ca thi khác”.
|
Chia sẻ về việc có nhiều sinh viên cũng muốn học vượt nhưng không thể thực hiện được. Đăng ký quá nhiều rồi học không nổi, dẫn đến tác dụng ngược. Không những không ra trường sớm được như mong muốn mà còn dẫn đến nợ môn chồng chất, Quỳnh Như nói: “Mỗi sinh viên phải biết tự lượng sức và phải học có hiệu quả. Biết cách đăng ký và sắp xếp lịch học khoa học. Bên cạnh đó, phải biết cách hợp tác làm việc nhóm, kết bạn để hỗ trợ lẫn nhau”.
Nói về lý do chọn cách học vượt, Quỳnh Như cho rằng: “Mình chọn cách học vượt vì muốn rút ngắn thời gian, dành thời gian ấy trải nghiệm nâng cao kiến thức thực tế. Thay vì học 4 năm thì mình học vượt tiết kiệm được thời gian 1 năm. Trong 1 năm này, mình lên kế hoạch để gầy dựng sự nghiệp...”.
Bình luận (0)