Nữ sinh viên phải làm mẹ - Kỳ 1: Phải rất lâu mới được nhà chồng chấp nhận

30/10/2018 09:40 GMT+7

Xa nhà, cô sinh viên ngoại ngữ tìm được bạn trai san sẻ tình cảm nhưng kết cục là một cái thai ngoài ý muốn. May mắn cho Nguyệt, cô không phải "vượt cạn" một mình vì cả hai quyết định thành cặp vợ chồng sinh viên.

LTS: Thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, vội vàng với quyết định sống chung, nhiều nữ sinh viên đã mang thai ngoài ý muốn. Trước những ám ảnh về hậu quả khôn lường, những dị nghị từ ánh mắt ngoài xã hội, những giận dỗi trong gia đình, các cô gái ấy phải tìm cách "vượt bão". Và không phải câu chuyện nào cũng đáng buồn, bởi có lúc đó là lựa chọn của chính người trong cuộc. Với những bà mẹ trẻ, dù là bất đắc dĩ hay là tự nguyện, bản lĩnh vẫn là sức mạnh để họ vượt qua khó khăn.
Vào Sài Gòn học bằng tiền cha mẹ đi vay mượn
Giờ đây khi bé Ổi đã được 3 tháng tuổi, ngày một cứng cáp thì người mẹ trẻ tên Nguyệt mới đủ bản lĩnh kể lại câu chuyện quá khứ với hy vọng sẽ tiếp tục chân cứng đá mềm cho quãng đường dài phía trước: vừa nuôi con vừa đi học.
Ngô Minh Nguyệt (22 tuổi) là con gái út trong một gia đình làm nông ở tỉnh Quảng Trị. Theo dòng hồi tưởng của Nguyệt, tuổi thơ là những ngày ăn khoai, sắn luộc nhiều hơn ăn cơm, là những chiều rong ruổi theo chân cha mẹ ra đồng, thỉnh thoảng có bữa cơm nắm muối mè thì “mừng húm, vừa ăn vừa cười tít cả mắt”.
Nguyệt tâm sự: “Hồi đó thấy tụi con nít chung xóm được đi học thì mê lắm, em cũng muốn được như vậy. Chỉ có học thật giỏi, học lên thật cao rồi tìm công việc ổn định, kiếm ra nhiều tiền để nuôi sống bản thân và giúp cho ba mẹ hết khổ”.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, bao nhiêu nỗ lực đã được đền đáp khi Nguyệt thi đậu khoa Ngữ văn Anh của trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (TP.HCM). Biết con gái có chí lớn, ba mẹ Nguyệt quyết định vay mượn bà con lẫn hàng xóm để có tiền cho Nguyệt đóng học phí và trang trải những ngày trọ học xa nhà.
Không phải ai cũng may mắn khi được gia đình chấp nhận việc có thai ngoài ý muốn, lúc còn đang là sinh viên ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Thiếu thốn tình cảm và để "tiện chăm sóc nhau"
“Nhớ cái ngày đầu tiên vào Sài Gòn làm thủ tục nhập học, em vừa mừng vừa tủi thân. Thấy bạn bè ai ai cũng mặc đồ đẹp, có nhiều bạn được ba mẹ đưa đi, còn em chỉ có một mình nên trốn một góc ngồi khóc ngon lành”, nói đoạn, Nguyệt khẽ ngửa mặt lên trời như để ngăn giọt nước đang chực ứa ra nơi khóe mắt.
Không thể phủ nhận một điều, Nguyệt rất xinh. Nét duyên không ở làn da trắng sứ như con gái thành phố mà thay vào đó là màu da bánh mật khỏe khoắn. Dù không trang điểm thì từng đường nét trên gương mặt Nguyệt vẫn vô cùng sắc sảo, khiến người đối diện càng nhìn càng bị thu hút.
Có lẽ chính vẻ đẹp của Nguyệt cùng với sự chân chất, ngây thơ ở tuổi mới lớn đã vô tình làm cuộc đời cô rẽ sang một hướng khác, sóng gió nhiều hơn...
Trở lại với câu chuyện của “bà mẹ trẻ”, Nguyệt kể, nhà trường hỗ trợ cho những sinh viên ở xa có kinh tế khó khăn được ở tại KTX của Đại học Quốc gia TP.HCM. Hiểu được hoàn cảnh của mình, Nguyệt học hành chăm chỉ, ngoài giờ học thì xin làm phục vụ tại quán cà phê, trà sữa trong làng đại học để kiếm thêm thu nhập.
Trong thời gian làm việc tại đây, Nguyệt đã quen biết và nảy sinh tình cảm với cậu bạn làm chung tên Lê Hoàng Sơn (25 tuổi, quê Lâm Đồng), là sinh viên năm cuối khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách Khoa (TP.HCM).
“Anh ấy giúp đỡ em rất nhiều, thường làm những phần việc nặng hơn giúp em mỗi khi hai đứa có ca làm chung. Anh học Bách Khoa nhưng kiến thức về xã hội và vốn ngoại ngữ khá tốt nên cũng chỉ em trong học tập được. Không biết từ khi nào mà tụi em trở nên thân thiết, rồi tình cảm nó cứ tự nhiên mà đến thôi”, Nguyệt thở dài.
Sống xa gia đình, thiếu thốn tình cảm và “muốn được gần gũi để tiện chăm sóc cho nhau lúc ốm đau, bệnh tật” là lý do mà Sơn đưa ra để thuyết phục Nguyệt dọn ra phòng trọ ở chung. Không nói thì ai cũng hiểu rõ, hậu quả của sống thử lại là… bầu thật.
Đến bệnh viện phá thai rồi quyết định... giữ lại
“Lúc thử ra 2 vạch em đã rất sợ hãi, em không dám nói với người yêu mà cũng không biết phải giải quyết một mình như thế nào. Khoảng thời gian đó khó khăn và bế tắc kinh khủng. Đi học mà hễ ai nhìn em lâu hơn bình thường một chút thôi cũng làm em thấy chột dạ, lo lắng không yên”, cô trải lòng.
Những tháng đầu mang thai, Nguyệt ốm nghén nặng đến mức không ăn uống được gì, người càng lúc càng gầy và yếu hẳn. Từ cô sinh viên mẫu mực của khoa, chăm chỉ học tập, Nguyệt bỗng chốc trở thành người nghỉ học nhiều nhất, kết quả học tập sa sút không điểm dừng.
Tự dưng tôi thắc mắc, trong khoảnh khắc vừa biết mình có thai ngoài ý muốn, trong đầu Nguyệt đã nghĩ gì, liệu cô sẽ giữ hay bỏ cái thai đi... Nguyệt hạ thấp giọng, nói như khóc: “Chị biết không, lần đầu khi biết mình có thai em đã muốn chết quách đi cho xong. Em là đứa con bất hiếu, ba mẹ lo cho em ăn học, tốn bao nhiêu tiền bạc của cải, thậm chí là vay nợ để gửi cho em. Vậy mà em lại làm ra chuyện xấu hổ như vậy”.
Không hiểu sao khi nghe những lời tâm sự của cô gái trẻ trước mặt, tôi lại thấy xót xa, thấy thương cho cô thay vì trách móc “sao lớn rồi mà không cẩn thận gì vậy?”. Có lẽ tôi cảm nhận được sự dằn vặt của Nguyệt khi cô cảm thấy có lỗi với gia đình, có lỗi với tình yêu thương, sự kỳ vọng của ba mẹ, và hiểu được phần nào đó lý do Nguyệt phải đấu tranh với chính mình để lựa chọn từ bỏ hoặc giữ lại sinh linh bé bỏng vẫn chưa thành hình kia.
Nhiều cô gái trẻ quan hệ tình dục không an toàn với bạn trai, vướng bầu thì bỏ... Lê Ái
Khi cái thai được hơn 2 tháng, biết không thể tiếp tục giấu nữa nên Nguyệt lấy hết can đảm nói với Sơn để cả hai cùng tìm hướng giải quyết. “Lần đầu tiên em thấy anh ấy khóc, em không biết anh khóc vì sợ hay vì thấy có lỗi. Anh nói anh không muốn bỏ em, không muốn bỏ con nhưng thực sự anh chưa sẵn sàng và gia đình cũng sẽ không chấp nhận. Anh hy vọng em sẽ suy nghĩ kỹ lại rồi nói với anh, anh đưa em đi phá thai”, bà mẹ trẻ nhớ lại.
Theo lời Nguyệt, ngày Sơn đưa cô đến bệnh viện, cô đã khóc tức tưởi rồi bỏ về. Cái thai đã lớn, bác sỹ tư vấn nếu phá thai sẽ rất dễ vô sinh thứ phát, Sơn quyết định để Nguyệt giữ thai để sinh con.
Tiệc cưới kiểu... sinh viên
Khi Sơn đưa Nguyệt về để xin cưới thì gia đình không chấp nhận với lý do không “môn đăng hộ đối” và “còn trẻ không học thì sau này làm gì kiếm ra tiền nuôi con”. Thương Nguyệt, thương đưa bé trong bụng cô, Sơn đã gạt bỏ mọi thứ để chọn làm một người đàn ông có trách nhiệm khi quyết định về quê tự đăng ký kết hôn, không cần tổ chức lễ cưới mà sẽ tập trung học tập, làm việc nhiều hơn để lo cho vợ con.
Vừa học, vừa làm và vừa phải dành dụm tiền để nuôi con, bữa cơm của vợ chồng sinh viên thường là các món chay thay vì thịt cá nhằm tiết kiệm chi phí sinh hoạt Lưu Trân
“Bữa tiệc mừng hai đứa em thành vợ thành chồng chỉ có cơm canh bình thường, nhưng nấu nhiều hơn một chút vì có mấy đứa bạn thân qua chung vui. Tụi nó cũng bỏ phong bì mỗi đứa vài trăm để ủng hộ hai vợ chồng có ít tiền trang trải sinh hoạt, dành dụm sau sinh con. Em không bao giờ nghĩ cuộc đời em lại có một cái đám cưới đơn sơ như vậy, nhưng em thật sự rất hạnh phúc”.
Về phía gia đình Sơn, từ ngày biết chuyện “bố mẹ giận lắm nên cắt luôn viện trợ mỗi tháng, cả học phí cũng không gửi cho em nữa”. Còn gia đình Nguyệt, vì thương con gái, thương con rể nên “ba mẹ em vẫn cố gắng dành dụm và vay mượn thêm rồi hàng tháng gửi tiền vào đều đặn để tụi em được duy trì học tập”.
Công việc giúp một số bà mẹ trẻ có thêm thu nhập là thêu tranh chữ thập và gắn tranh đá Lê Nam
Nguyệt kể: “Tụi em đều là sinh viên, em bầu bì nên học xong thì về nhà nhận thêu tranh chữ thập và dịch sách để kiếm thêm thu nhập. Còn ảnh thì học xong lại chạy Grab, làm phục vụ trong quán cơm, có khi ai thuê việc gì làm gấp một hai ngày thì anh cũng làm, miễn có tiền là làm hết. Cuộc sống sinh viên đã khó khăn, nay vợ lại chuẩn bị sinh nở, nhìn ảnh càng lúc càng gầy mà em cứ khóc mãi, nhiều lúc muốn từ bỏ vì khổ quá, nhưng thương nhau, lại thương con nên tụi em cứ động viên nhau cố gắng”.
Khi bụng đã to vượt mặt, Nguyệt phải bảo lưu kết quả học tập vì đi lại bắt đầu khó khăn hơn, phần nữa cũng vì ngại với bạn bè, thầy cô.
Ngày vợ chuyển dạ cũng là lúc Sơn tham gia bảo vệ luận văn tốt nghiệp, anh phải điện thoại nhờ mấy anh chị em chung khu trọ đưa Nguyệt vào bệnh viện trước rồi tức tốc chạy vào ngay khi kết thúc buổi bảo vệ luận văn.
“Em đứng ngoài phòng chờ sinh mà tay chân cứ bủn rủn, cứ sợ. Em nói thật chẳng biết sợ cái gì nữa, nhưng cứ sợ mãi không hết được. Đến khi bác sĩ ra bảo vợ sinh rồi thì em chỉ mong chạy vào với vợ thật nhanh, hỏi vợ có đau không, có mệt không, rồi muốn nhìn thấy mặt con em giống mình hay giống vợ hơn”, Sơn cho biết.
Không phải nhiều bạn sinh viên có đủ dũng cảm để giữ lại mầm sống của mình - Ảnh minh họa
Vượt cạn xong, còn nhiều thứ phải "vượt" tiếp
Vượt cạn thành công thì cũng đến lúc chuyển giai đoạn khó khăn lên bậc cao hơn. Nguyệt bộc bạch: “Anh ấy tốt nghiệp xong thì xin được việc làm rồi, nhưng mình là người mới thì phải cố gắng nhiều hơn để bằng người làm lâu năm. Em thì cũng bắt đầu đi học lại, vừa học vừa chăm con mới thấu hết cái cực khổ của cha mẹ mình ngày trước”.
Cô nói tiếp, đứa nhỏ quấy khóc mỗi đêm, hai vợ chồng cứ phải dậy thay phiên nhau thay tã rồi cho con bú, dỗ con ngủ… Vợ đi học về thì nấu cơm, rửa chén, chồng làm về lại lo công việc giặt giũ, tắm cho con... “Sợ nhất vào mùa thi cử, đang học mà con khóc thì phải dừng lại hết để dỗ con đã. Chưa kể những lần cuối tháng bị thâm tiền chi tiêu vì mua tã hay sữa nhiều hơn thì tụi em lại phải ăn cơm trắng, hấp thêm khoai hoặc sắn. Có khi thì ăn mì tôm liên tiếp cả tuần, nhưng có nhau thì tụi em sẽ vượt qua được”, cô sinh viên năm 2 chia sẻ.
Nhìn khắp lượt căn trọ nhỏ chưa đầy 15 mét vuông của cặp vợ chồng trẻ ở Thủ Đức, tôi cũng không biết mình đang vui hay buồn, có một thứ cảm xúc khó tả cứ trỗi dậy khiến tôi thấy sống mũi mình cay cay. Buồn vì có thể phải rất lâu nữa gia đình Sơn mới có thể mở rộng vòng tay chào đón con dâu và cháu nội của họ.
Nhưng tôi cũng vui và trân trọng cái cách Nguyệt thừa nhận sai và biến cái sai của cuộc đời mình thành việc làm đúng đắn. Tôi cũng phục cách Sơn mạnh dạn lựa chọn trở thành một người đàn ông, một người cha có trách nhiệm với những gì mình làm ra. Thôi thì ngay lúc này đây, tôi định nghĩa hạnh phúc chỉ đơn giản là một gia đình có đầy đủ tình yêu và cả tình thân, như họ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.