Khu vườn có tên “Peace Farm” của chị Lê Ngọc Hiền tọa lạc khóm Tân Quới Đông, P.Trường An, TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long. Hôm chúng tôi đến tìm hiểu, có hơn 100 sinh viên của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM phân hiệu Vĩnh Long và Trường ĐH FPT Cần Thơ đang giao lưu, học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp và trải nghiệm thực tế tại đây.
Quyết định táo bạo
Chị Hiền cho biết sau khi học hỏi kinh nghiệm thực tế tại các vườn nông sản sạch ở nhiều nơi và thu thập kiến thức từ internet, chị bàn bạc với gia đình dùng số tiền tích lũy và vốn vay tổng cộng trên 500 triệu đồng cải tạo khu vườn 1.000 m² của gia đình, đầu tư nhà kín trồng dưa lưới.
“Sau khi nghiên cứu các loại nông sản, tôi quyết định trồng dưa lưới vì loại nông sản này có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Vụ đầu tiên, tuy có gặp nhiều khó khăn nhưng sau 3 tháng, vườn dưa của tôi thu hoạch được hơn 3 tấn, thu về 100 triệu đồng; trừ chi phí, lợi nhuận được 50 triệu đồng”, chị Hiền nhớ lại.
Do công việc cơ quan nhiều, thời gian dành cho vườn nông sản không được bao nhiêu nên chị Hiền quyết định nghỉ việc, về nhà làm nông dân chính hiệu.
“Tôi nghỉ việc hẳn ở Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Long từ đầu tháng 4.2020. Thời điểm đó là lúc khó khăn nhất của tôi vì đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội, trong khi vườn dưa lưới đang trĩu quả. Thương lái đến mua lợi dụng dịch ép giá xuống còn một nửa. Tôi đã quyết thà bỏ chứ không bán rẻ. Lúc đó, tôi ở nhà bắt đầu sắp xếp những trái dưa lưới, chụp hình thật đẹp đưa lên trang Facebook cá nhân. Sau đó, một vài người đến tham quan, chụp ảnh rồi lan tỏa vườn dưa lưới của tôi. Dần dần, có nhiều người kéo đến tham quan và mua dưa của tôi, đó cũng là lúc kỷ lục nhất của vườn vì bán hết 5 tấn dưa trong 6 ngày, chỉ bán lẻ”, chị Hiền kể lại.
|
Làm nhà nông theo cách mới
Cũng từ đó, chị Hiền nảy sinh ý định biến vườn nông sản thành điểm tham quan, trải nghiệm công việc nhà nông theo cách mới. Các vụ sau, chị trồng thêm dưa leo, cà chua, cà tím, dưa hấu, bí đỏ... để tạo thêm khung cảnh cho khách hàng chụp ảnh và “check-in”. Chị còn tận dụng khoảng sân nhà làm quán nước, để khi khách đến tham quan có chỗ giải khát và thưởng thức nước ép, sinh tố các loại nông sản do tự tay mình hái.
Chị Hiền cho biết vườn nông sản của chị được xây dựng theo mô hình nông sản công nghệ cao và theo chuẩn VietGAP, tưới và bón phân theo công nghệ nhỏ giọt vào ngay gốc cây, giúp tiết kiệm chi phí. Để vận hành khu vườn 1.000 m², chỉ cần có 2 người và một bầy ong giúp thụ phấn cho cây. Từ đó, chị đầu tư thêm một nông trại ở xã Tân Hạnh (H.Long Hồ, Vĩnh Long) cũng có kết cấu như nông trại này.
Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan vườn nông sản, chị Hiền vừa giới thiệu: “Đến với Peace Farm, mọi người phải được cảm giác thoải mái, tự tay hái trái và dùng ngay tại chỗ, được trải nghiệm nông nghiệp theo cách làm mới: giảm nhân công và tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích đất. Sản phẩm ở đây được chú trọng về độ an toàn, nếu theo các nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cần cách ly 7 - 10 ngày đã đạt độ an toàn, nhưng ở đây tôi cách ly trên 20 ngày để đạt độ an toàn tuyệt đối”.
Ý kiến
Tôi đến vườn nông sản sạch này để tìm tư liệu viết bài luận cuối khóa. Tôi thấy chị Hiền thực hiện marketing trực tuyến rất có hiệu quả, giúp nông sản của người dân đến được khách hàng với chi phí thấp nhất. Đây cũng là tư liệu quý để tôi hoàn thành luận văn tốt nghiệp ngành marketing của mình.
Nguyễn Thị Lan Hương (Sinh viên Trường ĐH FPT)
Được tham gia buổi trải nghiệm thực tế ở nông trại, được trao đổi kinh nghiệm và cách vượt qua khó khăn trong khởi nghiệp đã giúp mình có thêm định hướng trong ngành kinh tế.
Triệu Trọng Nguyên
(Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, phân hiệu Vĩnh Long) |
Ngoài bán sản phẩm từ vườn, chị Hiền còn bán luôn cây giống, phân bón và hướng dẫn tận tình cách trồng, bón phân cho khách hàng có nhu cầu. Nói về dự định sắp tới, chị hào hứng cho biết sẽ phát triển, mở rộng nông trại nông sản sạch công nghệ cao theo hướng du dịch giáo dục và trải nghiệm.
Bình luận (0)