Trong số 15 cá nhân được Bộ TN-MT trao giải thưởng Môi trường VN năm 2017, thượng úy Trần Lê Kim Ngân (31 tuổi), công tác tại Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Sóc Trăng, là người duy nhất của lực lượng Cảnh sát môi trường VN vinh dự nhận giải thưởng này.
Xuất thân trong gia đình cha mẹ đều công tác trong lực lượng công an, vì vậy màu áo CAND đã gây ấn tượng đẹp cho Kim Ngân từ khi còn bé. Lớn lên, thấy những thành tựu to lớn của ngành công nghệ sinh học, nên sau khi tốt nghiệp THPT, Kim Ngân đăng ký thi vào Trường đại học Cần Thơ, chuyên ngành công nghệ sinh học và thực hiện đề tài tốt nghiệp về vi sinh vật xử lý rác thải hữu cơ. Năm 2010, tốt nghiệp đại học, chị nộp hồ sơ vào Công an tỉnh Sóc Trăng và được nhận công tác tại Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường.
Việc Ngân vừa tốt nghiệp đại học đã đầu quân ngành công an và chọn lĩnh vực bảo vệ môi trường khiến nhiều bạn bè, người thân ngạc nhiên, nhưng gia đình rất ủng hộ chị. “Gia đình là chỗ dựa tinh thần cho tôi trong cuộc sống và công tác, là những cố vấn hết sức tuyệt vời cho tôi vì cha mẹ có nhiều kinh nghiệm”, thượng úy Ngân chia sẻ.
|
Nói về kỷ niệm đáng nhớ trong những lần tham gia kiểm tra về môi trường, thượng úy Ngân kể, đó là lần đầu tiên tham gia cùng đoàn kiểm tra đột xuất một công ty chế biến thủy sản. “Phát hiện vi phạm của công ty, các đồng chí trong đoàn đã trao đổi với đại diện công ty với thái độ tận tình, chỉ ra những hành vi vi phạm, đề nghị công ty nghiêm chỉnh chấp hành, khắc phục theo yêu cầu của đoàn. Qua lần đó, tôi học tập được thái độ giao tiếp với nhân dân theo đúng quy định của ngành”, thượng úy Ngân nói. Trong thời gian công tác, thượng úy Ngân đã phối hợp các cơ quan, ban ngành kiểm tra 30 cơ sở trên các lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, thực phẩm, cảng cá, khu công nghiệp; kiểm tra đột xuất các cơ sở gây ô nhiễm môi trường... và giải quyết các thông tin phản ánh của người dân về môi trường.
Đặc biệt, trong quá trình giải quyết các vấn đề ô nhiễm từ các bãi rác, thượng úy Ngân nhận thấy các bãi rác ở địa phương chủ yếu là bãi tập kết tập trung. Rác chưa được phân loại trước khi đảo trộn chế phẩm vi sinh và ủ đống nên thời gian xử lý còn chậm, hiệu quả xử lý chưa cao. Đồng thời, nước rỉ rác chưa được xử lý triệt để, chủ yếu lưu chứa ở các ao trong khuôn viên bãi rác nên việc rò rỉ ra bên ngoài, phát tán mùi hôi đặc trưng của loại hình này là không tránh khỏi. Từ đó, Kim Ngân đã thực hiện đề tài “Phân lập và khảo sát đặc tính vi khuẩn thủy phân carbohydrate và protein từ rác thải hữu cơ”. Đề tài được đánh giá xuất sắc và được đăng trên một tờ báo nghiên cứu khoa học của Ấn Độ ngày 12.7.2016.
tin liên quan
Đổi đời nhờ vịtTừ 20 triệu đồng vốn vay ngân hàng ban đầu (năm 2009), đến nay
Nguyễn Thị Ngọc Hà (27 tuổi) ngụ ở xã Tam An, H.Long Thành, Đồng Nai, đã
có trong tay tiền tỉ từ đàn vịt chạy đồng.
Nói về đề tài này, thượng úy Ngân cho hay: “Đề tài là cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu ứng dụng sản xuất chế phẩm sinh học bản địa xử lý chất hữu cơ và là cơ sở thực tiễn cho việc nghiên cứu xử lý rác hữu cơ, nước rỉ rác trên quy mô lớn hơn như hộ gia đình, bãi rác, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường từ rác thải đô thị, cũng như rác thải nông thôn chưa thực hiện đúng biện pháp hiện nay”.
Thượng úy Ngân hiện là Bí thư Chi đoàn Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường. Đại úy Đặng Văn Phương, Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng, nhận xét: “Thượng úy Ngân là người rất nhiệt tình trong công tác, vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ, vừa tham gia và hoàn thành tốt các công tác của Đoàn, góp phần vào thành tích chung của tuổi trẻ công an tỉnh”.
Bình luận (0)