Nữ tiến sĩ 2 lần được vinh danh

20/11/2024 07:00 GMT+7

Nữ tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Trang (32 tuổi), giảng viên Khoa Tiếng Nga, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, vừa được Thành đoàn TP.HCM trao giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" TP.HCM 2024.

"Tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi nhận giải thưởng này hai năm liên tiếp. Đó là động lực để tôi tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Và cũng là món quà tri ân tôi muốn gửi tặng các thầy cô của mình, những người đã dẫn dắt tôi đi đến sự nghiệp trồng người", nữ tiến sĩ chia sẻ.

Nữ tiến sĩ 2 lần được vinh danh- Ảnh 1.

Tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Trang

ẢNH: NVCC

"Vì một cái duyên gì đó, tôi chọn học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Nơi đây cho tôi gặp "người thầy đầu tiên" (bà Trần Thị Quế, nguyên giảng viên của trường - PV). Cô dạy tôi những con chữ tiếng Nga đầu tiên trong đời. Cô thắp lên trong tôi ngọn lửa đam mê với nghề giáo. Sự tận tâm, trách nhiệm của cô đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, giúp tôi hình dung về tương lai gắn bó với nghề giáo", cô Trang nhớ lại.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp ĐH (là thủ khoa đầu ra ngành sư phạm song ngữ Nga - Anh), cô Trang thừa nhận đã đối mặt với thực tế khắc nghiệt của gánh nặng "cơm áo gạo tiền" nên phải tạm gác ước mơ làm giáo viên.

"Tôi quyết định nộp đơn xin học bổng, sang Nga học nghiên cứu sinh. Đó như là một cuộc trốn chạy khỏi những áp lực cuộc sống. Tại miền đất lạ, tôi may mắn gặp được "người thầy thứ hai" (bà Starikova Galina Nikolaevna, nguyên giảng viên ĐH nghiên cứu Quốc gia Tomsk, Nga - PV), là giáo sư hướng dẫn. Không chỉ truyền đạt tri thức, cô còn chăm sóc tôi trong từng khoảnh khắc của cuộc sống", nữ tiến sĩ kể tiếp.

"Khi tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, cô hỏi tôi dự định bắt đầu sự nghiệp như thế nào? Rồi cô chia sẻ những lời dạy rất sâu sắc mà đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in, rằng dù có tích lũy nhiều tri thức đến đâu, nếu không truyền dạy lại, nó sẽ ngày càng mai một. Sứ mệnh của nhà nghiên cứu không chỉ tìm ra cái mới mà còn là truyền lại tri thức cho thế hệ sau. Nghề giáo là nghề làm được sứ mệnh ấy tốt nhất. Chính những lời dạy ấy đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều, giúp tôi nhận ra vẻ đẹp và ý nghĩa thật sự của nghề giáo", cô Trang bộc bạch.

Và cô Trang quyết định về nước, trở về Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tiếp tục hành trình lan tỏa yêu thương và tri thức đến những thế hệ sau.

"Nghề giáo cho tôi cảm giác trọn vẹn và ý nghĩa trong cuộc sống. Đó không chỉ là công việc truyền thụ kiến thức, mà còn là cơ hội để tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến cuộc đời của sinh viên, góp phần xây dựng đất nước của tương lai", cô Trang nói và cho hay: "Người ta có câu: "Bác sĩ làm sai, sẽ mất đi một mạng người. Còn nghề giáo nếu sai, sẽ làm hư cả một thế hệ". Mỗi khi thấy sinh viên tiến bộ, vượt qua khó khăn và đạt được thành công, tôi cảm thấy như mình đã đóng góp một phần nhỏ bé vào hành trình của họ. Ngoài ra, nghề giáo cũng cho tôi cơ hội được sống lại với khoảng thời gian sinh viên của mình, được là người tiếp nối của các thầy cô từng trao cho tôi cơ hội tiếp cận tri thức".

Theo cô Trang, để trở thành giáo viên giỏi cần hội tụ nhiều yếu tố: có kiến thức chuyên môn vững vàng, cập nhật kiến thức thường xuyên, trau dồi kỹ năng sư phạm. Ngoài ra, lòng yêu nghề, sự kiên nhẫn và khả năng lắng nghe cũng là những yếu tố không thể thiếu. Cuối cùng, sự linh hoạt và khả năng thích ứng với những thay đổi trong giáo dục sẽ giúp giáo viên phát triển bền vững trong nghề…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.