Nữ tiến sĩ nỗ lực vì bệnh nhân Alzheimer

11/11/2018 22:30 GMT+7

Từ kinh nghiệm chăm sóc mẹ, bà Oanh Le Meyer nỗ lực không mệt mỏi vì những bệnh nhân Alzheimer gốc Á, vốn lâu nay thường bị bỏ quên.

Cách đây 3 năm, ngay sau khi công bố nghiên cứu về bệnh Alzheimer, nữ tiến sĩ Oanh Le Meyer phát hiện mẹ bắt đầu hỏi bà cùng một câu lặp đi lặp lại nhiều lần. Sau nhiều cuộc chẩn đoán, bà đau lòng nhận ra chính mẹ mình cũng mắc phải căn bệnh quái ác.
Alzheimer là chứng bệnh mất trí nhớ, suy giảm chức năng não và chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Các triệu chứng bao gồm nhầm lẫn, thay đổi tâm trạng thất thường, mất khả năng ngôn ngữ, mất trí nhớ dài hạn, suy giảm các giác quan. Dần dần, cơ thể mất đi một số chức năng và dẫn đến cái chết. Vì người bệnh suy thoái nhiều chức năng, tâm trạng luôn thất thường và cần được chăm sóc thường xuyên nên gây ra áp lực rất lớn về tâm lý, sức khỏe, kinh tế đối với gia đình và xã hội.
Nữ tiến sĩ Oanh Le Meyer (trái) và mẹ Ảnh: Chụp màn hình NBC
Nữ tiến sĩ Oanh Le Meyer (trái) và mẹ Ảnh: Chụp màn hình NBC

Bằng tình thương và kiến thức chuyên môn, bà Meyer quyết định tự chăm sóc mẹ, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu về căn bệnh này trong cộng đồng người gốc Việt ở Mỹ. “Với tư cách là nhà khoa học, tôi có đủ sự am hiểu nên dễ dàng chăm sóc mẹ. Tuy nhiên, có người bệnh Alzheimer trong nhà là gánh nặng lớn cho nhiều gia đình nếu thiếu kỹ năng và kiến thức cần thiết. Người chăm sóc đa phần là con cái hoặc chồng/vợ sẽ phải đối diện nhiều áp lực tâm lý nên rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ”, bà Meyer -giảng viên Đại học California, nói với Đài NBC.
Đặc biệt, trong nghiên cứu năm 2015, bà Meyer chỉ ra những người gốc Việt thế hệ thứ nhất ở Mỹ có tỷ lệ mắc các chứng bệnh về tâm thần cao nhất trong cộng đồng gốc Á. Theo truyền thống gia đình của người Việt, thân nhân người bệnh không muốn đưa cha mẹ hay vợ/chồng vào viện ở dài hạn mà tự chăm sóc họ, đồng thời vẫn phải đi làm và quán xuyến việc nhà. Điều này kéo theo nguy cơ stress nghiêm trọng, dẫn đến trầm cảm. Chính vì thế, tiến sĩ Meyer đang cùng đồng sự là tiến sĩ Mary Mittelman thuộc Đại học New York phối hợp với các tổ chức phi chính phủ tiến hành những chương trình hỗ trợ người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer.
Trong báo cáo công bố mới đây, 2 nhà nghiên cứu đưa ra chi tiết chương trình bao gồm tổ chức lớp học, hội thảo miễn phí cho người chăm sóc bệnh nhân, phát sách hướng dẫn về những hành vi liên quan đến Alzheimer và cách xử lý phù hợp. Chương trình đến nay được đánh giá đạt thành công đáng kể tại bang TP.Sacramento (California), theo NBC. Tiến sĩ Meyer cho hay bà sẽ tiếp tục mở rộng chương trình sang TP.San Jose, nơi có trên 100.000 người gốc Việt rồi hướng đến nhiều bang khác.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, bà Meyer trở thành tấm gương và động lực cho những người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer gốc Việt, theo nhận định của bà Stephanie Nguyen, Giám đốc điều hành Tổ chức phi chính phủ Asian Resources ở Sacramento. “Vừa là người chăm sóc, vừa là nhà khoa học, bà Meyer mang kinh nghiệm thực tế cùng kiến thức chuyên môn hỗ trợ hết mình cho cộng đồng gốc Việt”, bà Nguyen chia sẻ. Mục tiêu sắp tới của tiến sĩ Meyer là tiến hành nghiên cứu chuyên sâu quy mô lớn nhằm lý giải vì sao người gốc Việt lại có tỷ lệ mắc Alzheimer cao nhất trong cộng đồng Mỹ gốc Á. “Tôi kỳ vọng kết quả nghiên cứu và chương trình hỗ trợ người chăm sóc bệnh tiếp tục nhân rộng khắp nơi, không chỉ giúp ích cho người gốc Việt mà toàn bộ cộng đồng gốc Á”, bà chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.