Khi dịch Covid-19 lan rộng nhiều nước trên thế giới, những tiếp viên hàng không vẫn bay và không hề sợ hãi, luôn trong tâm thế sẵn sàng cách ly 14 ngày. Dù vậy, họ vẫn còn nhiều nỗi lo toan và xót lòng khi là người phụ nữ của gia đình, nhìn chồng con ở nhà cũng trong cảnh tự cách ly, tự chăm sóc lẫn nhau.
Bay cùng chuyến khách Nhật nhiễm Covid-19
Bất ngờ nhận thông tin chuyến bay mình phục vụ có hành khách Nhật dương tính với Covid-19 nên phải đi cách ly, chị Cù Kim Chi lập tức xếp thêm các đồ dùng cá nhân vào va li và gọi y tế đến để đưa đi theo hướng dẫn.
Chị Chi kể, lúc đó là 10 giờ, chị may mắn vì những nhân viên y tế đến đưa chị đi cách ly rất lịch sự, họ chỉ đeo khẩu trang và đậu xe cấp cứu cách chung cư nhà chị khoảng 30m để tránh gây sự chú ý. Chị được đưa vào tập trung cách ly tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, chồng và hai con của chị phải tự cách ly ở nhà, theo dõi nhiệt độ và báo y tế mỗi ngày.
|
Chị Chi tâm sự, sau mỗi chuyến bay chị rất ít tiếp xúc với mọi người để bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Hiểu và thông cảm cho nghề thường xuyên bay trên bầu trời suốt 25 năm qua, chồng chị Chi là người chăm con nhiều hơn, anh là người đi chợ nấu cơm cho con ăn, bảo con học bài nên chị khá yên tâm khi ba cha con tự cách ly ở nhà.
Dù vậy, là người phụ nữ quán xuyến của gia đình, chị vẫn cảm thấy xót lòng khi nhìn ba cha con phải đặt shipper giao đồ ăn tới tận cửa mỗi ngày.
“Vậy mà cả chồng và hai con của tôi đọc rất nhiều thông tin liên quan dịch bệnh để động viên ngược lại tôi ở trong khu cách ly. Tôi rất xúc động khi cả nhà lo lắng cho mình, tôi cảm nhận được các con trưởng thành hơn rất nhiều”, chị Chi hạnh phúc nói.
Vào diện cách ly cả gia đình, mọi việc đều phải gác lại, cách nhà chị chọn là lạc quan để thích nghi. Bà ngoại của chồng chị ở Hà Nội vừa mất, cả nhà cũng không thể ra chịu tang nhưng họ hàng đều hiểu và chia sẻ.
Kỳ "nghỉ dưỡng" đặc biệt
Chị Chi cho biết, va li của tiếp viên hàng không phải tuân theo nguyên tắc luôn có đồng phục, thường phục và những vật dụng cá nhân đủ để sinh hoạt trong 1 tuần nên việc phải đi cách ly đường đột cũng không có gì quá bối rối.
|
Với kinh nghiệm đi bay 25 năm, chị Chi từng trải qua nhiều mùa dịch từ H1N1, SARS đến tiêu chảy cấp,… nhưng chưa mùa dịch nào chị Chi cảm thấy căng thẳng như mùa dịch Covid-19 này.
Nguyên tắc đầu tiên của chị khi bay trong mùa dịch là chăm sóc người bệnh trước và bảo vệ an toàn bản thân bằng cách đeo khẩu trang, găng tay khi tiếp xúc, xịt kháng khuẩn và rửa tay thường xuyên. Sự an lạc trong tâm là điều quan trọng nhất.
Hằng ngày, trong khu cách ly, chị Chi chọn cách ngồi thiền, đọc sách, động viên cả tổ bay cùng giữ tinh thần lạc quan.
“Chúng tôi thường phụ với bộ đội dọn dẹp phòng ốc, nhà vệ sinh nữ để môi trường sạch sẽ, có trách nhiệm với nơi mình đang cách ly. Thay vì phải gượng ép khi bị cách ly, hãy biến nó thành một kỳ nghỉ dưỡng đặc biệt thì tâm trạng sẽ khác. Nhiều bài nghiên cứu cũng nói những người có tinh thần lạc quan thì sức đề kháng sẽ tốt hơn người hay suy nghĩ tiêu cực”, chị Chi bày tỏ.
|
Từ khi vào khu cách ly đến nay, tổ bay của chị Chi đã nhận được rất nhiều hoa, trái cây, thiệp và quà của mọi người từ công ty gửi vào. Chị nói chưa bao giờ nhận thấy sự đoàn kết, chia sẻ của đồng nghiệp lớn đến như vậy. Công đoàn công ty cũng thường hỏi các chị cần thêm gì thì sẽ ngay lập tức đem vào.
Chị Chi xúc động kể lại: “Có những tổ bay bị cách ly ngay khi vừa xuống sân bay thì công ty sẽ trang bị bình nước nóng, mì gói, bánh trái, chăn gối mang vào tận nơi. Ngày 8.3, đoàn của công ty xuống thăm, đứng dưới hàng rào cách ly, chúng tôi đứng trên lầu nhìn xuống vẫy tay chào mà những đồng nghiệp trẻ khóc ngon lành luôn, vì dưới đó có cả người yêu của họ. Tôi nhìn vừa thấy thương vừa thấy tội”.
Lần xa nhà lâu nhất
Chị Vũ Thúy Hoa (34 tuổi), tiếp viên của Vietnam Airlines đang trong khu cách ly tại Củ Chi cũng cho biết, với đặc trưng của nghề, chị thường xuyên phải xa nhà, nhưng lần này có lẽ là lần xa nhà lâu nhất.
Trong khu cách ly, tổ bay thường động viên nhau giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, xem như đây là những ngày được nghỉ xả hơi nên mỗi ngày thường trôi qua rất nhanh.
|
|
Theo lời chị Hoa, việc nghỉ bay 14 ngày có thể ảnh hưởng đến thu nhập vì không có tiền giờ bay, nhưng vấn đề này không quá quan trọng với mọi người, mà hơn hết đó là đảm bảo sức khỏe, thực hiện trách nhiệm với cộng đồng.
Tiếp viên hàng không đi bay trong mùa dịch đối mặt với nhiều nguy hiểm, mọi người đều có những tâm sự riêng nhưng họ lại có chung một nỗi lo lắng. Lúc nào, chị Hoa cùng đồng nghiệp của mình cũng tự động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
|
“Trên các chuyến bay, tiếp viên hàng không đều được trang bị cồn sát khuẩn, bao tay, khẩu trang và rửa tay thường xuyên nên mình nghĩ cũng đảm bảo được 90% rồi. Tụi mình đeo khẩu trang từ lúc ở công ty tới khi về nhà luôn nên cũng khá yên tâm. Không thể vì lo sợ cách ly mà phải xin nghỉ bay, đó là trách nhiệm với công việc”, chị Hoa kể.
Bình luận (0)