Nữ tiếp viên hàng không những giờ bay dài sang Anh: Bộ đồ phòng dịch Covid-19 8 món

19/03/2020 10:48 GMT+7

Đang sắp xếp hành lý vào va li, chị gái hỏi: Có thể nào không đi chuyến Anh này không em? Rồi hai chị em nhìn nhau lo lắng không nói câu nào nữa.

Lo lắng, nhưng vẫn lên đường

Cả hai đều biết rằng ở Anh và châu Âu đang bùng phát dịch bệnh. Và gần đây đa số các chuyến bay từ Anh về Việt Nam đều có khách có vấn đề về sức khỏe. Bay qua Anh và đón đồng bào về đồng nghĩa với việc có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
Khựng lại một lúc trong đầu thoáng qua ý định báo ốm, nhưng mình lại tiếp tục xếp đồ vào va li. Mình không thực hiện chuyến bay này thì một đồng nghiệp khác cũng phải đi thay thế mình. Chí ít thì mình chưa có gia đình, con cái.
Lỡ bị lây bệnh thật thì cũng không sao, mình sẽ đi chữa bệnh một mình thôi. Nghĩ tới đây mình cảm thấy tự xấu hổ khi đã thoáng qua trong đầu ý định báo ốm. Hỏi sợ không? Thì câu trả lời là có, rất sợ và lo lắng.

Thông tin các bệnh nhân thứ 69, 70, 71, 72, 73, 74, 75 nhiễm Covid-19

Nhưng hỏi giờ có bay đi Anh không? Thì câu trả lời chắc chắn là có. Giờ cất cánh bay đi Anh là 1 giờ 35 phút sáng. Khi cả thành phố đang dần chìm vào giấc ngủ, chúng mình bắt đầu trang điểm chỉn chu, làm tóc gọn gàng và lên đường với 2 va li nặng hơn mọi chuyến bay Anh khác.
Nhưng va li không nặng bằng tâm trạng đang trĩu xuống vì trước chuyến bay chúng mình biết rằng chuyến vừa rồi từ Anh về TP.HCM có khách bị nghi nhiễm vi rút, cả tổ tiếp viên hiện phải di chuyển về khu cách ly ngay sau khi máy bay hạ cánh và đang chờ kết quả xét nghiệm.
Đi bay đã vất vả, lúc về có khi phải cách ly tập trung xa con nhỏ mất 14 ngày nữa. Thương anh chị và các bạn đồng nghiệp lắm. Buổi họp trước chuyến bay của tổ tiếp viên lâu hơn thường lệ, dù không nói ra nhưng ai cũng đều bất an và lo lắng.

Cả thôn bị cách ly vì có 2 người nhiễm Covid-19 ở Ninh Thuận

Chúng mình kết thúc buổi họp bằng câu chuyện cười hài hước của chị tiếp viên trưởng để vực dậy tâm trạng của cả tổ. Thật may mắn vì có những người chị đầu đàn như thế.
Lên máy bay sau khi xịt khử trùng toàn bộ bề mặt có tiếp xúc, chúng mình lại lao vào công việc. Dường như sự bận rộn đã làm vơi bớt nỗi niềm trong mỗi người. Máy bay đã cất cánh với đầy hành khách. Ngồi nhìn ra cửa sổ, mình tự an ủi bản thân rằng mọi chuyện, dịch bệnh rồi cũng qua thôi.

Bộ đồ phòng dịch 8 món

Đáp xuống Heathrow (Anh), chúng mình được lệnh không ra khỏi khách sạn. Ngoại trừ mệt mỏi về thể chất do thiếu ngủ và jetlag (chênh lệch múi giờ), tâm trạng còn hoang mang và tệ hơn khi biết tin một đồng nghiệp đã bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 khi thực hiện chặng bay từ Anh về. Mấy anh chị em, đặc biệt là chị tiếp viên trưởng động viên chúng mình ngủ nghỉ ăn uống thật nhiều, chuẩn bị cho chuyến bay về.
Bay về, chúng mình được lãnh đạo công ty cho phép mặc bộ đồ phòng dịch. Bộ đồ bao gồm 8 món: áo choàng, quần, găng tay, tấm chắn bảo hộ, nón trùm đầu, kính bảo hộ chống sương, bao giày và khẩu trang 3 lớp.

Việt Nam có bệnh nhân thứ 76 nhiễm Covid-19, một người Pháp ở Hà Nội

Mặc bộ đồ lên người, kín mít từ đầu tới chân, mình ý thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh tại Anh cũng như châu Âu. Chuyến bay về lại đầy khách. Nhưng không phải là đầy khách du lịch như mọi khi mà là đầy người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Anh trở về. Và với bộ đồ phòng dịch kín mít chúng mình lại lao vào công việc quay cuồng.
Cái nóng, cái ngột ngạt của bộ đồ không làm giảm bớt đi độ lấp lánh trong ánh mắt cười nhìn xuyên qua hai lớp kính và tấm che phòng dịch với thái độ ân cần của chúng mình đối với hành khách. Những lúc mệt quá, mấy chị em đứng vào trong bếp chỉ biết động viên nhau, mỗi người uống một ly nước coca để tăng đường rồi lại quay ra làm việc tiếp.

Mong sức khỏe bình thường!

Hơn 13 tiếng bay có thể là thời gian dài nhất trong cuộc đời đi bay của mình. Cuối cùng chúng mình đã đáp ở Tân Sơn Nhất. Trán và má có in hằn đỏ vệt đeo khẩu trang, nón trùm đầu và tấm chắn bảo hộ đi chăng nữa, tay có sưng phù vì đeo găng tay và khử trùng liên tục gần 13 tiếng bay, chân có mỏi rã rời, đầu óc có quay cuồng vì thiếu ngủ, ngộp thở và jetlag thì cũng không sao.
Chúng mình đã quen với điều này rồi. Vết hằn rồi sẽ mờ, tay rồi sẽ bớt sưng, chân sẽ đỡ mỏi, ngủ bù và tự điều chỉnh đồng hồ sinh học. 13 giờ bay căng thẳng, ngộp thở, lo lắng đã kết thúc.

Chống tin giả về Covid-19 bằng trí tuệ nhân tạo

Điều quan trọng là chúng mình, phi hành đoàn và hơn hai trăm hành khách mong bình an trở về. Và đó là lần đầu tiên mình vừa khóc vừa cười trên máy bay, khóc vì quá mệt và cười vì mọi căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi đã qua, chúng mình cùng hơn 200 hành khách đã về tới Việt Nam.
Thật may khuôn mặt bơ phờ, khóc cười ấy đã được che kỹ trong 3 lớp đồ phòng dịch. Đã rất nhiều người nhắn tin cám ơn mình, nói rằng chúng mình là người hùng và chiến binh dũng cảm. Mình cảm thấy thật ngại, chúng mình không phải người hùng, chúng mình chỉ là những tiếp viên hàng không như bao người khác cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thôi.
Các y bác sĩ đang thức trắng ngày đêm gồng mình trong bệnh viện để cứu chữa bệnh nhân bị dịch bệnh, các chú bộ đội đang đang chịu sương chịu gió trong rừng nhường chỗ cho nhân dân từ các nơi về cách ly, các anh chị tiếp viên tiếp xúc với người bệnh giờ đang cách ly 14 ngày thương nhớ con nhỏ ở nhà mới là những người hùng thực sự.
Mình mong rằng, mọi người chúng ta đều tự trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng phòng dịch bệnh tốt, thành thật khai báo nếu sức khỏe không tốt. Chúng ta cùng nhau chăm sóc sức khỏe vượt qua giai đoạn này. Chúng mình, thành viên phi hành đoàn của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines sẽ sẵn sàng bay tới bất cứ đâu để đón đồng bào và chúng ta sẽ cùng nhau bình an trở về.
Thanh Niên mở chuyên mục “Bình tĩnh trước dịch bệnh” để đón nhận nhiều tâm tư, tình cảm của bạn đọc trong và ngoài nước cùng chia sẻ. Quan trọng hơn là qua đó lan tỏa năng lượng tích cực đến cộng đồng cùng nhau vượt qua dịch bệnh.
Bài, ảnh gửi cho diễn đàn qua email: [email protected]

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.