Những ngày qua, câu chuyện về các em bé bay từ vùng dịch châu Âu, Hàn Quốc về Việt Nam tránh dịch được tiếp viên hàng không chia sẻ khiến cộng đồng mạng không khỏi ngỡ ngàng.
Đây là những em bé còn ẵm ngửa, được bố mẹ, gia đình tiễn ở sân bay ở châu Âu hoặc Hàn Quốc rồi nhờ ông bà hoặc người quen trên chuyến bay ẵm về Việt Nam tránh dịch Covid-19.
Em bé từ Châu Âu về tránh dịch
Mới đây, tiếp viên trưởng Lưu Phương Anh của Hãng hàng không Vietnam Airlines đã viết lên trang cá nhân kể lại câu chuyện mà chị chứng kiến trong một chuyến bay từ châu Âu về Việt Nam gần đây.
Chị viết: "Chỉ vì dịch mà chị 3 tuổi, em mới 2 tháng phải xa rời vòng tay mẹ. Mẹ lo dịch lan rộng và không kiểm soát được và vì cuộc sống nên mẹ buộc phải gửi em về cho bà chăm. Chắc hẳn mẹ cũng nhớ cũng thương em nhiều lắm. Khi con khóc chính là lúc sữa mẹ về, mẹ đau lắm, mẹ thương hai em lắm, vì bất đắc dĩ mẹ phải làm vậy thôi. Hai con thông cảm cho mẹ".
Kèm theo những chia sẻ trên là tấm ảnh chị Phương Anh đang bế em bé trên máy bay vỗ về. Bài đăng của chị Phương Anh được chia sẻ khắp mạng xã hội. Ai cũng xót xa khi đọc được những dòng tâm sự này và càng yêu hơn trái tim ấm áp của người nữ tiếp viên.
|
Suốt 17 năm đi bay chị Phương Anh cho biết đã gặp rất nhiều trường hợp những em nhỏ trở về Việt Nam mà không có bố mẹ đi cùng ở khắp các nơi. Bố mẹ có thể là diện xuất khẩu lao động nên gửi người nhà hoặc bạn bè bế con về Việt Nam.
Tiếng khóc ngặt nghẽo
Là người có nhiều chuyến bay Hàn Quốc - Việt Nam trong mùa dịch Covid-19, chị Bùi Lệ Uyên (tiếp viên trưởng của Hãng hàng không Vietnam Airlines) cũng từng viết lên trang cá nhân của mình những tâm sự khi chị cùng tổ bay chứng kiến những hành khách đặc biệt này "một mình" về nước tránh dịch.
Chị Uyên kể, trên chuyến bay Busan - Hà Nội trong mùa dịch Covid-19, phi hành đoàn tình cờ đón tiếp một vị khách đặc biệt. Đó là bé gái mới 6 tháng tuổi còn chưa kịp cai sữa đã sớm phải rời vòng tay che chở của cha mẹ, trở về quê nhà để ông bà chăm sóc.
Khi ấy, tiếp viên đang phục vụ bữa trưa cho hành khách nên đã hướng dẫn cậu thanh niên các cách để có thể giúp em bé dễ chịu hơn. Dù vậy, sau khi hoàn thành quy trình phục vụ, khi tất cả hành khách dần chìm vào giấc ngủ thì tiếng khóc của bé lại càng lớn hơn.
Chị Uyên viết: "Nhìn em bé quấy khóc vì khát sữa và hơi ấm của mẹ, các nữ tiếp viên đều không thể cầm được lòng trong khi cậu thanh niên thì lúng túng không biết cách thay tã cho bé, một tiếp viên trong đoàn đã không ngần ngại hỗ trợ. Đồng thời, các tiếp viên cũng thay nhau bế và dỗ bé nín".
Theo lời chị Uyên kể, cậu thanh niên cho biết cậu cùng bố mẹ của bé sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhà máy nơi cậu làm việc buộc phải giảm công suất lao động bởi các đơn hàng xuất sang Trung Quốc gần như bị hủy hết. Cậu tranh thủ thời gian về thăm gia đình, đồng thời giúp vợ chồng bạn đưa bé về Việt Nam để gửi ông bà nuôi.
Bài viết của chị Uyên nhận được sự đồng cảm của người dùng mạng xã hội. Nhiều tài khoản tỏ ra xót xa khi các em bé còn nhỏ xíu đã phải rời xa vòng tay của cha mẹ.
|
Tài khoản Hà Mai Hương viết: "Cứ nghèn nghẹn khi đọc bài này". Facebook Nguyễn Thị Thủy bình luận: "Thương bé quá, còn quá nhỏ mà đã phải xa cha mẹ. Tội bé và tội cả mẹ bé nữa". Nickname Kiều Thịnh thì tâm sự: "Mình cũng đang nuôi con nhỏ, đọc bài mà không cầm được nước mắt, xót xa quá".
Tiếp viên xót lòng!
Trao đổi với phóng viên, chị Bùi Lệ Uyên, người có 25 năm gắn bó với nghề tiếp viên hàng không, cho biết chị đã gặp rất nhiều hành khách là những em bé còn ẵm ngửa được cha mẹ cho "một mình" bay về Việt Nam để ông bà chăm sóc.
Chị Uyên tâm sự, những hành khách được bố mẹ các bạn nhỏ tin tưởng gửi gắm đưa về Việt Nam hầu như chưa từng làm bố mẹ nên họ thường khá lúng túng và vất vả trong việc chăm sóc, dỗ dành và ru các bé ngủ.
Lúc máy bay cất cánh và hạ cánh thường các bé hay bị đau tai, khóc sợ, thiếu hơi mẹ. Trên một chuyến bay, em bé khóc nhiều cũng ảnh hưởng đến nhiều hành khách khác, mọi người khách có thể khó chịu nhưng không ai trách được. Hơn ai hết, các nữ tiếp viên hàng không, vốn cũng là những người mẹ sớm phải xa con, chị và đồng nghiệp luôn hiểu, cảm thông với những hoàn cảnh đặc biệt này.
|
Một trường hợp khác mà chị Uyên từng gặp phải, đó là một em bé rất nhỏ cũng được bố mẹ gửi người quen đưa về Việt Nam. Từ khi máy bay cất cánh đến khi mọi người đã ổn định hết, em bé khóc liên tục.
Người bế bé dỗ mọi cách không được, những tiếp viên nữ cũng thay phiên nhau dỗ dành nhưng bé nhất quyết không bú sữa mà khóc mỗi lúc một to hơn. Thấy vậy, một tiếp viên nam nói: "Nhà em có con nhỏ 3 tháng, em vẫn hay ẵm cho bé bú bình, để em thử xem". Thật bất ngờ, khi nằm gọn trong vòng tay của tiếp viên nam này, em bé nín hẳn rồi ngoan ngoãn bú.
"Mọi người nói đùa với nhau, chắc tại áo của anh tiếp viên còn hơi sữa từ em bé ở nhà nên em bé này mới nằm ngoan ngoãn như vậy. Kinh nghiệm tiếp viên hàng không của chúng tôi cũng cho thấy, nếu ai cho em bé còn ẵm ngửa bay "một mình" cùng người quen trên các chuyến bay thì hãy đưa kèm một chiếc áo của mẹ bé để bé cảm thấy hơi ấm quen thuộc mà hạn chế quấy khóc", chị Uyên bộc bạch.
Bình luận (0)