"KHAI SINH" NGHỀ MỚI
Bước sang tuổi 49, làn da cháy nắng, vóc người thấp đậm, bà Hoàng Thị Sửu đúng "chuẩn" phụ nữ miền biển. Nhưng ở làng biển Hà Trung (TP.Đồng Hới), bao người phải nhìn bà với ánh mắt ngưỡng mộ, khi bà theo đuổi nghề không phải ai cũng làm được, kể cả đàn ông sức vóc: mở xưởng đóng, sửa chữa tàu biển.
Trong ngôi nhà nhỏ, phía trước là phòng làm việc phía sau là buồng ngủ lọt thỏm giữa xưởng đóng tàu, trong loảng xoảng tiếng đe tiếng búa, tiếng khoan tiếng đục, bà Sửu kể lại cơ duyên với nghề đóng tàu. Chuyện rằng, đời ông, đời cha của bà đều là dân đi biển, sống nhờ biển nhưng tuyệt nhiên chưa có ai làm nghề đóng, sửa chữa tàu biển. Hồi nhỏ, cứ vài tháng ông và cha lại đưa tàu biển lên đà để tu sửa, nhưng phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt. Vì ngày xưa, dọc sông Nhật Lệ chỉ có 1 xưởng đóng, sửa chữa tàu biển.
Nhưng chuyện tàu bè, biển giã không níu chân được bà Sửu ở miền biển quê hương. Bà xuất khẩu lao động sang Đức. Nhiều năm mưu sinh trời Âu, nhớ quê, bà trở về và lóe lên ý tưởng "khởi nghiệp" với nghề đóng, sửa chữa tàu biển chỉ vì chuyện… ngày xưa cha và ông cứ phải chờ dài cổ để đưa tàu lên đà sửa chữa.
Năm 2011, xưởng đóng, sửa chữa tàu biển của bà Sửu thành hình. Tên đầy đủ là "Công ty TNHH tàu biển Hà Trung. Dân tay ngang, lại là đàn bà, 2 năm đầu xưởng tàu làm ăn không thuận lợi và đứng trước bờ vực đổ vỡ. Nhưng người đàn bà này vẫn quyết tâm theo đuổi, đi khắp nơi tìm hiểu, học hỏi. Và rồi, xưởng tàu trở thành cơ sở khá lớn ở khu vực TP.Đồng Hới hiện nay, với quy mô có thể "lo" được cho những con tàu xấp xỉ 50 tấn. Không chỉ ở làng biển Hà Trung nhỏ bé hay ở bán đảo Bảo Ninh thơ mộng, mà cả dải đất Quảng Bình không tìm thấy người đàn bà thứ 2 làm chủ xưởng đóng tàu.
Giữa những nghề nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ "liễu yếu đào tơ" sao không chọn lại đi chọn cái nghề của cánh mày râu? Bà nhoẻn cười: "Nghĩ lại cũng không biết vì răng tôi chọn cái nghề ni. Nghề ni ai chẳng biết là cực nhọc, là lạ lùng đối với phụ nữ… Ban đầu cũng chỉ là để chứng tỏ bản thân, sau thì mê. Nên những thiệt thòi đánh đổi của một người phụ nữ khi phải làm nghề này, tôi chấp nhận hết".
"MỖI NĂM CHỈ SẮM MỘT BỘ QUẦN ÁO MỚI"
Ngắn gọn mô tả về phận phụ nữ dấn thân vào nghề đóng, sửa chữa tàu biển, bà Sửu "chốt hạ" bằng câu nói ấy. Nếu mô tả thêm, thì đó là người dự tiệc luôn… đi trễ. "Tôi suốt ngày ở xưởng tàu với thợ thuyền, dầu nhớt lấm lem, sắm áo quần đẹp, váy vóc để làm gì? Mặc để đi đâu? Còn đám cưới, đám giỗ người ta mời, hầu như lúc nào tôi cũng đến trễ vì phải xong việc mới đi. Chủ tàu chờ từng ngày để cho tàu vươn khơi làm ăn, mình bỏ đi chơi đâu được… Nên cứ làm ráng, làm cố, khi ngẩng lên nhìn đồng hồ bao giờ cũng thấy trễ, lại cuống cuồng chạy", bà tâm sự.
Ngay cả lúc tiếp chuyện chúng tôi, bà Sửu cũng tỏ ý ngại ngùng khi vận chiếc quần jean lấm tấm vết dầu mỡ và chiếc áo phông. "Nói thật là ban đầu cũng ngại tiếp xúc với người khác trong bộ dạng này, nhưng lâu rồi thấy quen. Nhất là khi vùi mình cùng cánh thợ trong mớ hỗn độn của những chiếc tàu đóng mới, những chiếc tàu hư hỏng", bà Sửu nói.
Là thủ lĩnh của hơn 30 gã lực điền gồm thợ cơ khí, thợ mộc, thợ sơn, thợ máy…, phải "như thế nào đó" thì bà Sửu mới thu phục được họ. "Lúc cần mềm là mềm, lúc cần chặt là chặt. Nhưng tất cả phải rõ ràng", bà thổ lộ. Theo bà, đã làm việc là phải nghiêm túc, nói năng phải đúng đắn và đặc biệt là hòa đồng với công nhân, khách hàng.
Việc xã hội là thế, còn với vai trò là người phụ nữ của gia đình, bà Sửu vẫn tranh thủ "chạy show" từ xưởng tàu rồi vào chuyện nhà cửa, bếp núc. Có lẽ vì vậy nên người đàn bà này thường không mấy khi rảnh rỗi và thường ước mỗi ngày có nhiều hơn 24 giờ. Cuộc trò chuyện với chúng tôi cũng bị ngắt quãng nhiều lần bởi bà hết phải lo cho 2 đứa cháu ngoại hôm nay ăn gì, đến việc dặn dò công nhân đang đóng và sửa hơn 10 chiếc tàu lớn cho kịp ngày hạ thủy.
TRÁI TIM "NỮ TƯỚNG"
Để đi đến thành công ngày hôm nay, bà Sửu từng không ít lần nhận lời gièm pha. Người chê xưởng tàu của một phụ nữ làm chủ sẽ chẳng đến đâu. Người đoán mò về tính cách của một phụ nữ làm sao đủ sức để gánh vác một công việc nặng nhọc của đàn ông…
Nhưng vượt lên tất cả, hơn chục năm qua, bà vẫn quản lý tốt, đưa xưởng ngày càng phát triển, mang lại niềm tin cho khách hàng và lo công ăn việc làm của mấy chục thợ. "Đàn ông tính tình mau cộc cằn, nhất là khi không làm theo ý họ. Tất nhiên là lâu lâu tôi với họ cũng cãi vã chứ. Nhưng dù thế nào mình cũng là phụ nữ. Phẩm hạnh của người phụ nữ vẫn là nhường nhịn. Lúc đó tôi nhịn để hôm sau mới nói lý lẽ", bà Sửu nói.
Anh Trần Cường (32 tuổi, xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới), một trong những công nhân đồng hành với bà Sửu từ những năm đầu thành lập xưởng, không tiếc lời thán phục "nữ tướng". "Vì là người phụ nữ duy nhất tại xưởng, vừa là sếp và cũng là người chị, các anh em ở đây ai cũng kính nể chị Sửu. Đến dịp 8.3 hay 20.10, anh em trong xưởng lại mua một bó hoa, một món quà gì đó để tặng cho chị. Như thế vẫn chưa là gì với những giúp đỡ của chị suốt nhiều năm qua để anh em chúng tôi có công việc, có tiền lương", Cường nói.
Riêng đối với khách hàng, cũng là những người ngư dân quăng quật nơi khơi xa để kiếm miếng cơm, bà luôn biết cách lắng nghe và giúp đỡ họ theo sức của mình, bất cứ lúc nào có thể. Như lúc xảy ra sự cố môi trường biển Formosa hay đại dịch Covid-19, bà đã dùng chính nghề nghiệp của mình để giúp đỡ khách hàng. "Lúc người ta gặp khó khăn nhưng thuyền bè thì vẫn phải tu sửa định kỳ, nên tôi tạo điều kiện để họ vẫn đưa thuyền lên đà sửa chữa. Ngày xưa giá 100 thì lúc đó tôi chỉ lấy 60-70. Người nào kẹt quá, tôi vẫn cho họ lấy tàu ra khơi, khi nào có tiền thì đến trả sau", bà Sửu kể.
Bà Sửu bảo rằng làm ăn kinh doanh, chẳng ai mà không ham đồng lợi nhuận. Nhưng theo cái nghề "không mấy phụ nữ dám làm", bên ngoài như đàn ông thì nói cho cùng bà vẫn là… phụ nữ. Mà trái tim phụ nữ thì mong manh, dễ xúc động trước cảnh ngặt nghèo của người khác.
Bình luận (0)