Điện ảnh và thơ văn
Nhà văn Đoàn Lê tên thật là Đoàn Thị Lê, sinh ngày 15.4.1943 tại Hải Phòng, bút danh Hạ Thảo, nguyên Trưởng phòng Biên kịch Hãng phim truyện Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật thành phố Hải Phòng.
Bà từng theo học khóa diễn viên điện ảnh 1959 - 1962 (tại số 7 Trần Phú, Hà Nội), được mệnh danh là “cô Kiều của khóa” do thông thạo cầm kỳ thi họa, lại có vóc dáng thanh mảnh, trắng trẻo.
Sau khi tốt nghiệp khóa 1 diễn viên điện ảnh bà về Hãng phim truyện Việt Nam, tham gia đóng nhiều vai phụ, đáng chú ý nhất là vai cô giáo Hồng Vân trong Quyển vở sang trang (1975, đạo diễn Nguyễn Ngọc Chung).
Không để lại nhiều dấu ấn trong nghiệp diễn, thế mạnh của bà lại phát huy đậm nét trong sự nghiệp sáng tác văn chương và kịch bản phim.
Ngay từ khi còn là sinh viên, bà đã sáng tác thơ và viết truyện ngắn, thường được in trên báo và xuất bản thành sách. Đặc biệt bài thơ Bói hoa của bà từng được giới thanh niên thời đó rất yêu thích. Ai nấy đều chép những dòng thơ này vào sổ tay: “Ngày xưa em ngây thơ/Ngồi bói hoa hồng nở/Đoán tình yêu sau này/Vẹn tròn hay dang dở...”.
Với văn xuôi, bà lại càng khiến độc giả phải say mê hơn nữa. Hàng loạt tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết của bà đã để dấu ấn một thời như Cuốn gia phả để lại (1968, tiểu thuyết), Người đẹp và đức vua (1991, tiểu thuyết), Thành hoàng làng xổ số (1992, tập truyện), Lão già tâm thần (1993, tiểu thuyết)...
Đặc biệt bà đã tạo nên một xóm Chùa với vô số chuyện đời, chuyện nhân tình thế thái ở cái làng ven đô trong hàng loạt tác phẩm văn học như Đất xóm Chùa, Nghĩa địa xóm Chùa, Trinh tiết xóm Chùa, Người đẹp xóm Chùa, Giường đôi xóm Chùa… Trong đó nhiều tác phẩm của bà đã được dịch sang tiếng nước ngoài. Nhà văn Đoàn Lê từng nói: “Xóm Chùa chỉ là hình ảnh đất nước thu nhỏ lại. Xã hội với những xóm Chùa, xóm Núi trong truyện ngắn của tôi, nơi đang thay đổi từng ngày từng giờ, nhuốm đủ nỗi vui buồn thấm thía”.
Bà từng nhận nhiều giải thưởng văn học, như giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (tiểu thuyết Cuốn gia phả để lại), Giải thưởng báo Văn nghệ và Hội Liên hiệp văn học toàn quốc (truyện Trinh tiết xóm Chùa), Giải A tạp chí Sông Hương (truyện Đêm ngâu vào)…
Nhà văn Đoàn Lê còn thành công ở vị trí biên kịch và đạo diễn, với các tác phẩm: Bình minh xôn xao (biên kịch, 1979), Cha và con (biên kịch, 1979), Làng Vũ Đại ngày ấy (biên kịch, 1980), Con Vá (biên kịch kiêm đạo diễn - Bông sen bạc Liên hoan phim toàn quốc), Chim bìm bịp (đạo diễn, Huy chương bạc Liên hoan phim toàn quốc).
Hội họa và thiết kế mỹ thuật
Sau khi lập gia đình, nhà văn Đoàn Lê chuyển sang thiết kế mỹ thuật và dành thời gian đi học vẽ. Người truyền nghề cho bà không ai khác là hai danh họa Dương Bích Liên và Bùi Xuân Phái. Vốn có tài năng, bà tiếp thu kiến thức hội họa rất nhanh và vẽ được hàng trăm bức tranh sơn dầu khổ lớn với những cảm xúc và phong cách thể hiện rất riêng. Tranh của Đoàn Lê cũng đúng như con người bà, mỗi bức tranh như đều ẩn chứa một câu chuyện muốn kể. Đầu năm 1995, bà mở triển lãm cá nhân với mấy chục bức tranh sơn dầu. Nhiều tranh của bà được trưng bày tại các phòng tranh lớn ở cả Hà Nội và Hải Phòng.
Bà từng thú thật: “Hội họa cho tôi sự say mê và thỏa mãn nhưng mất rất nhiều thời gian, không thể tưởng được. Mỗi bức tranh như một truyện ngắn của tôi vậy. Đôi khi từ truyện ra tranh, từ tranh vào truyện. Ví như tôi vẽ bức Hoa bèo là gợi ý từ truyện Người đẹp xóm Chùa”.
Nhà văn Đoàn Lê không hổ danh là đa tài đa đoan. Bà từng có giai đoạn làm việc tại bộ phận thiết kế của Xưởng phim truyện Việt Nam, thậm chí từng thi đỗ vào Trường đại học Mỹ thuật.
Những lúc không làm thiết kế, bà lại quay sang viết kịch bản hoặc viết văn. Sau này dù tuổi đã cao, bà vẫn sáng tác không ngưng nghỉ, đi lại liên tục giữa Hải Phòng - Hà Nội để làm việc, nhiều khi đảm nhiệm một lúc nhiều công việc.
Nhà văn Đoàn Lê cũng chính là người chị sắc sảo, đa đoan trong vần thơ của em gái - nhà thơ Đoàn Thị Tảo với "Thế là chị ơi/Rụng bông gạo đỏ/Ô hay, trời không nín gió/ Cho ngày chị sinh...".
Bình luận (0)