Nữ võ sĩ Judo Trần Lê Phương Nga mổ khớp gối sau chấn thương tại SEA Games 31

17/06/2022 17:40 GMT+7

Ở những phút cuối cùng của nội dung Katame No Kata nữ ngày 18.5 tại SEA Games 31 , võ sĩ Trần Lê Phương Nga gặp chấn thương. Nữ võ sĩ này vừa được mổ khớp gối, khâu sụn chêm.

Chấn thương rách sừng trước sụn chêm ngoài

Mặc dù điểm trình diễn cao, nhưng Phương Nga không thể thi đấu tiếp để giành Huy chương Vàng và dừng lại với thành tích Huy chương Đồng trên sân nhà.

Qua thăm khám lâm sàng và hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) khớp gối, TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chẩn đoán nữ võ sĩ bị rách sừng trước sụn chêm ngoài. Sử dụng hệ thống máy nội soi để thám sát toàn bộ khớp gối, bác sĩ cho biết, ngoài chấn thương sụn chêm, cô cũng tổn thương bề mặt sụn khớp vùng mâm chày.

Các điểm rách bề mặt sụn tạo ra các vạt tự do có thể làm kẹt khớp. Người bệnh vẫn có thể đi lại bình thường, nhưng thỉnh thoảng các vạt này kẹt vào trong khớp gây đau nhói và rất dễ sụp té. Điều may mắn là các dây chằng của nữ võ sĩ vẫn khỏe mạnh và đảm bảo cho nữ võ sĩ thi đấu tốt trong tương lai.

Đối tượng có nguy cơ bị rách sụn chêm thường là vận động viên thường xuyên thi đấu cường độ cao, người lớn tuổi, người bị tai nạn giao thông… Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ, sụn chêm bị rách có thể gây kẹt khớp, teo cơ tứ đầu đùi, mất vững khớp gối, tổn thương các bộ phận khác như dây chằng chéo hay tủy xương…

Bảo tồn cấu trúc khớp gối tự nhiên cho vận động viên

Ca phẫu thuật của Phương Nga diễn ra chỉ trong vòng 30 phút. Trong suốt ca mổ, cô hoàn toàn tỉnh táo nghe bác sĩ trao đổi và phân tích. Với các tổn thương bề mặt sụn khớp, bác sĩ dùng sóng radio cao tần Radio Frequency để đốt bề mặt, giúp sụn đông cứng trở lại nhanh chóng. Từ ngày thứ hai sau mổ, Phương Nga đã có thể đi lại bằng nạng, gập chân sâu và duỗi ra hết biên độ.

Trong thời gian chờ sụn chêm lành khoảng 3 tháng, cô có thể tập vật lý trị liệu tích cực để khớp gối được khỏe mạnh hoàn toàn.

Nữ võ sĩ Judo Phương Nga trước lúc lên bàn mổ

bvcc

Bác sĩ Nam Anh cho biết thêm, với các vận động viên như Phương Nga, mục tiêu điều trị chấn thương là giải quyết triệu chứng, nhưng quan trọng hơn là bảo tồn được cấu trúc khớp gối tự nhiên.

Để dự phòng rách sụn chêm khớp gối, bác sĩ khuyến cáo mọi người tập luyện thể dục thường xuyên để tăng cường sự dẻo dai cho khớp gối, giữ tư thế đúng trong sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt tránh xoay khớp gối đột ngột. Nếu có tổn thương sụn chêm, nên tuân thủ chỉ định điều trị để nhanh phục hồi và tránh tái phát chấn thương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.