50 năm sau, con tìm lại mẹ
Buổi chiều, sau cái nắng oi ả ở TP.HCM những ngày tháng 4, bà Marie đang khám phá đất nước nơi mình sinh ra. Đây lần đầu tiên bà trở về Việt Nam sau nửa thế kỷ.
Việt Nam, trong mắt người phụ nữ Pháp chứa đựng nhiều điều mới mẻ, nhưng cũng thật gần gũi. Bà kể nhiều người ngoài đường không nhận ra mình là người nước ngoài, giao tiếp với bà bằng tiếng Việt, đôi lúc, khiến bà bối rối giải thích. Tuy nhiên, điều này cũng thật thú vị, bà cảm nhận được sự thân thuộc ở nơi này.
Cả cuộc đời sống ở Pháp, bà Marie không có ý định tìm lại gia đình. Cho đến 3 tháng trước, trước khi có chuyến đi đến Việt Nam, bà quyết định tìm lại mẹ ruột, người năm xưa có lẽ vì một lý do nào đó đã không giữ chị lại, nuôi nấng và yêu thương.
Bà nói sau hơn nửa thế kỷ, đây là thời điểm bà đã sẵn sàng để đối mặt với câu hỏi lớn nhất cuộc đời mình, rằng: "Cha mẹ ruột của tôi là ai?". Bà hy vọng, hành trình này không quá muộn màng.
Tìm hỏi lại mẹ nuôi bà Marie, cụ bà 90 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn, người phụ nữ Pháp gốc Việt nhận được những hồ sơ nhận nuôi được giữ gìn cẩn thận hơn 50 năm qua.
Hồ sơ nhận nuôi còn được gìn giữ sau hơn nửa thế kỷ
GIA ĐÌNH CUNG CẤP
Hồ sơ chỉ có những thông tin ít ỏi, ghi rõ bà Marie sinh ngày 12.2.1973, tên khai sinh là Lâm Thị Phương Anh tại địa chỉ 128 Hùng Vương (Sài Gòn). Mẹ ruột bà khai tên "Lâm Muoi" (khả năng cao là Lâm Muội hoặc Lâm Muối - PV).
6 tháng tuổi, bé gái với sự hỗ trợ của một cô nhi viện ở Sài Gòn đã được một người phụ nữ Pháp nhận nuôi. Hồ sơ nhận nuôi ghi rằng người phụ nữ Pháp "độc thân, không có con, muốn nhận nuôi Lâm Thị Phương Anh để chăm sóc, giáo dục và lo cho tương lai của bé".
Để rồi Phương Anh với cái tên mới Marie đã sống một cuộc đời mới ở Paris, trong tình thương của mẹ nuôi nhân hậu. Bà Marie cho biết bản thân vô cùng biết ơn mẹ nuôi, vì đã dành cho bà tình yêu và điều kiện tốt nhất, thay đổi số phận của bà.
Mẹ sống thế nào?
Trước khi bay về Việt Nam, bà Marie, thông qua các hội nhóm mạng xã hội đã tìm tin tức của mẹ ruột. Song, không có kết quả. Bà hy vọng những ngày ở Việt Nam, bà có thể tìm thấy phép màu.
Trong đầu bà, là vô số những câu hỏi về nguồn cội, gốc gác của mình chưa có lời giải đáp. Tưởng tượng, nếu may mắn mỉm cười, bà được gặp lại mẹ ruột của mình, bà Marie nói điều đầu tiên bà sẽ nói với mẹ chính là lời cảm ơn vì đã sinh bà ra trên cuộc đời này.
Nói về cuộc sống ở Pháp, bà Marie cho biết mình hạnh phúc và hài lòng khi có 2 người con. Người con gái lớn 26 tuổi và con trai nhỏ 22 tuổi, là niềm tự hào và là tình yêu lớn của bà. Bà cũng là một bác sĩ tâm lý tại Paris.
Là người phiên dịch cho bà Marie, chị Phan Thị Thanh Thảo (25 tuổi, ngụ TP.HCM) không giấu được xúc động. Chị cảm nhận được khát khao tìm lại mẹ của người phụ nữ Pháp, mong rằng hành trình về Việt Nam lần này của bà sẽ có một kết thúc có hậu, trọn vẹn.
Anh Đỗ Hồng Phúc, kiến trúc sư ở TP.HCM nổi tiếng trong hành trình hỗ trợ các trường hợp người nước ngoài tìm thân nhân ở Việt Nam cũng hỗ trợ bà Marie trên hành trình này.
Dựa vào hồ sơ và tên người mẹ, anh cho biết rất có thể mẹ ruột bà Marie là người gốc Hoa, ở khu vực Chợ Lớn (Q.5, TP.HCM).
Thông qua tên của bà, anh cũng đã liên lạc với một số người phụ nữ có thông tin tương tự và độ tuổi phù hợp, nhưng thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết quả. Anh Phúc sẽ tiếp tục hỗ trợ bà Marie trong thời gian tới, hy vọng sẽ sớm có tin tức.
Bình luận (0)