Núi lở trong đêm, vùi lấp hoa màu, miếu thờ
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lộc Mạnh Toàn, Chủ tịch UBND xã Trung Hội, cho biết vụ sạt lở núi xảy ra khoảng 21 giờ ngày 28.3, khiến người dân sửng sốt, bàng hoàng.
Trong đêm, đá từ trên đỉnh núi bất ngờ lăn ầm ầm về xóm Nà Khao. Chỉ trong phút chốc, đá vùi lấp nhiều diện tích trồng ngô dưới chân núi, tiếp đến là ngôi miếu thờ của người dân trong xóm cũng bị đá xô vào làm biến dạng, vùi lấp ngay sau đó. 2 hộ dân trong xóm gần với chân núi phải sơ tán khẩn cấp trong đêm.
Sáng 29.3, qua kiểm kê hiện trường, UBND xã Trung Hội ước tính khối lượng đá sạt lở rơi xuống xóm Nà Khao lên tới 500 m3. Trong đó, nhiều tảng đá nặng đến vài tấn, to như một gian nhà. Để đảm bảo an toàn, xã Trung Hội phải cho dựng hàng rào phong tỏa đường vào xóm Nà Khao, nghiêm cấm người dân qua lại gần khu vực núi sạt lở.
Ông Lộc Mạnh Toàn cũng thông tin thêm, khu vực sạt lở là núi đá vôi tự nhiên của địa phương, trong khoảng 10 năm trở lại đây chưa từng ghi nhận hiện tượng sạt lở. Đáng chú ý, khoảng 2 năm trước, khu vực này xảy ra một trận mưa rất lớn và ngay trước ngày xảy ra sạt lở, trên địa bàn cũng trải qua nhiều ngày mưa liên tục.
“Vụ sạt lở núi khiến người dân trong xóm lo lắng, hoang mang. Cuộc sống sinh hoạt, đi lại, giao thương bất tiện khi họ phải đi đường vòng để ra những xóm khác. Con đường chính của xóm tạm thời phải dựng rào phong tỏa”, ông Toàn nói.
Cũng theo ông Toàn, ngoài 2 hộ phải sơ tán khẩn cấp, hiện còn 2 hộ khác đang nằm trong vùng nguy hiểm, đang được vận động di chuyển, 26 hộ dân khác cũng bị ảnh hưởng trong vụ sạt lở núi đá vôi này.
Cấp bách xử lý 5.000 m3 đá sắp sạt lở
Vụ sạt lở núi bất ngờ xảy ra ở núi xóm Nà Khao đang được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Dù trong thời gian thực hiện quy định cách ly xã hội phòng dịch Covid-19, nhưng liên tiếp trong các ngày 10 - 11.4, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức họp với với nhiều sở, ngành; tổ chức các đoàn khảo sát thực địa, bàn giải pháp xử lý, khắc phục.
Trực tiếp tham gia đoàn khảo sát hiện trường, ông Ngô Văn Ban, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, cho biết nguyên nhân sạt lở núi đá tại xóm Nà Khao không chịu tác động của con người như hoạt động khai thác đá, khoáng sản… Đáng lo nhất là sau vụ sạt lở trong đêm 28.3, khu vực đỉnh núi vẫn đang còn khoảng 5.000 m3 đá có nguy cơ tiếp tục sạt lở, cần phải xử lý dứt điểm.
Phó chủ tịch UBND huyện Định Hóa Lý Văn Thắng cho biết, qua tính toán, dự kiến kinh phí xử lý khối lượng 5.000 m3 đá ở xóm Nà Khoa khoảng 2,5 tỉ đồng. Nhưng hiện tại, nguồn ngân sách dự phòng của huyện đã chi phần lớn cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và khắc phục một số công trình bị thiên tai từ đầu năm đến nay. Do đó, UBND huyện Định Hóa đã kiến nghị UBND tỉnh Thái Nguyên cấp kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh để xử lý vụ sạt lở.
Cũng theo ông Ban, do vụ sạt lở được xác định là thiên tai nên công tác xử lý hiện trường do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên phụ trách, với phương án sử dụng lực lượng công binh cho nổ mìn phá đá, loại bỏ triệt để nguy cơ xảy ra sạt lở.
“Sau chuyến khảo sát ngày 11.4, phương án xử lý vụ lở núi đá này được các sở, ngành và địa phương có văn bản trình lên UBND tỉnh Thái Nguyên, chỉ chờ được phê duyệt là các đơn vị sẽ triển khai ngay, để đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Ban nói.
Bình luận (0)