Núi lửa Home Reef phun trào từ ngày 10.9 và vài giờ sau đó, một mô đất mới đã hình thành trên mặt biển. Theo tờ New Zealand Herald ngày 26.9, dung nham trào ra từ núi lửa bị nước biển làm nguội và tạo thành hòn đảo lớn dần trong vài ngày qua.
Núi lửa ngầm Home Reef tại Tonga hoạt động ngày 14.9 |
AFP |
Các nhà khoa học thuộc Dịch vụ địa chất Tonga hôm 14.9 thông báo hòn đảo có diện tích khoảng 4.000 m2 và nhô cao 10 m so với mặt nước biển. Tuy nhiên đến ngày 20.9, hòn đảo đã rộng ra đến 24.000 m2.
Các nhà khoa học Tonga cho rằng vụ phun trào gây nguy cơ thấp cho hoạt động hàng không và cư dân của các nhóm đảo Vava’u và Ha’apai gần đó.
Trong thông báo ngày 23.9, Dịch vụ địa chất Tonga nói rằng không còn nhìn thấy tro bụi từ núi lửa trong vòng 24 giờ và toàn bộ ngư dân được khuyến cáo tranh xa núi lửa ít nhất 4 km cho đến khi có thông báo kế tiếp.
Núi lửa ngầm phun trào tạo ra đảo nhỏ tại Thái Bình Dương |
Theo trang Earth Observatory của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), hòn đảo nhỏ tạo ra từ núi lửa ngầm thường không tồn tại lâu dù trong một số trường hợp vẫn có thể tồn tại trong vài năm.
“Home Reef có 4 giai đoạn phun trào được ghi nhận, gồm các sự kiện vào năm 1852 và 1857. Những đảo nhỏ được hình thành tạm thời sau 2 sự kiện và các vụ phun trào năm 1984 và năm 2006 cũng cho ra những hòn đảo sớm tàn với vách đá cao 50-70 m”, theo Earth Observatory.
Một hòn đảo được tạo ra từ vụ phun trào kéo dài 12 ngày của núi lửa Late’iki ở Tonga năm 2020 đã bị sóng cuốn chỉ 2 tháng sau đó, trong khi một đảo do cùng ngọn núi lửa trên tạo ra vào năm 1995 tồn tại được 25 năm.
Bình luận (0)