Núi nợ Trung Quốc có thể ổn định trong năm nay

04/04/2018 09:17 GMT+7

Các nhà kinh tế cho rằng nhờ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ưu tiên kiểm soát rủi ro tài chính, núi nợ của Trung Quốc cuối cùng có thể ổn định lại trong năm nay.

Bloomberg trích ước tính trung bình của 21 chuyên gia kinh tế cho biết tổng nợ Đại lục sẽ đạt khoảng 260% GDP vào cuối năm 2018, tương tự như mức cách đây 12 tháng. Xét theo danh nghĩa, điều này cho thấy tăng trưởng nợ đang chậm lại xuống mức ngang với tăng trưởng kinh tế.
Trung Quốc là một trong các nước có nguy cơ đối mặt khủng hoảng ngân hàng cao nhất, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Song các quan chức kinh tế mới được ông Tập bổ nhiệm đặt mục tiêu giải quyết vấn đề này.
Quy định chặt chẽ hơn, hạn chế cho vay giữa các tổ chức tài chính và tăng từ từ chi phí đi vay trong năm qua là tất cả động thái giúp hạ tốc độ tăng trưởng tín dụng. Chiến dịch hạ tốc độ tăng trưởng tín dụng còn vượt ra ngoài lĩnh vực tài chính.
Chuyên gia kinh tế châu Á Shen Jianguang tại Mizuho Securities Asia ở Hồng Kông cho hay: “Chiến dịch giảm đòn bẩy sẽ diễn ra toàn diện trong năm nay: nợ chính quyền địa phương, nợ doanh nghiệp nhà nước, nợ hộ gia đình. Không có khoản nợ nào tránh được”. Ông Shen dự báo tỷ lệ nợ trên GDP đã đạt đỉnh năm ngoái và sẽ hạ từ từ nhờ các động thái của chính phủ và doanh thu doanh nghiệp mạnh mẽ.
Dù Trung Quốc chưa công bố bất kỳ dữ liệu chính thức nào về quy mô nợ, giới chuyên gia được khảo sát dự báo số nợ vào khoảng 200-283% GDP tính đến cuối năm ngoái. Bloomberg Economics thì ước tính dữ liệu này vào khoảng 266%.
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Chu Tiểu Xuyên, người về hưu tháng trước, cho biết trong một buổi họp báo rằng Trung Quốc “bước vào giai đoạn bình ổn và từ từ giảm đòn bẩy”. Hoạt động giảm nợ giờ được mở rộng ra để nhắm mục tiêu vào nền kinh tế rộng hơn. Chính phủ địa phương và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quốc doanh, đẩy nhanh tốc độ giảm đòn bẩy, theo Tân Hoa xã.
Việc giảm đòn bẩy trên quy mô lớn sẽ giúp tăng trưởng đầu tư được thúc đẩy nhờ nợ giảm đi trong các lĩnh vực như xây dựng nhà ở, cầu đường và các cơ sở hạ tầng khác. Các khoản đầu tư tài sản cố định trong cả ba lĩnh vực là phát triển bất động sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất được dự báo là sẽ giảm tốc.
Dù vậy, một số nhà kinh tế cho rằng tình hình nợ Trung Quốc vẫn chưa được kiểm soát. “Nợ Trung Quốc tăng rất nhanh trong quá khứ, và nước này cần nhiều thời gian hơn để núi nợ có thể giảm đi”, nhà kinh tế châu Á Xia Le tại Banco Bilbao Vizcaya Argentaria ở Hồng Kông cho biết. Ông dự báo tỷ lệ nợ trên GDP của Đại lục tăng lên 270% trong năm nay, và tăng lên khoảng 280-290% sau đó trước khi bình ổn vào năm 2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.