Núi Thị Vải: 'Đặc sản' mới của Bà Rịa – Vũng Tàu

Tâm Hòa
Bà Rịa - Vũng Tàu
04/12/2023 09:00 GMT+7

Không biết tự bao giờ, tôi chọn việc chinh phục hơn 1.200 bậc thang núi Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) như một cách để trú ngụ sau những chông chênh, mệt nhoài của cuộc sống...

Và dường như, tôi đã "nghiện" với hành trình đó – một "cơn nghiện" mà tôi chẳng thể nào cai.

Tại sao ư?

Bởi lẽ, từng bước chân, từng hơi thở trên suốt chặng đường ấy như kéo tôi quay về với chính mình. Cũng chính nơi đây đã mang lại cho tôi những góc nhìn và bài học mới về cuộc sống. Từ đó, tôi càng vững tin rằng: người miền Đông Nam bộ đẹp lắm!

Núi Thị Vải: 'Đặc sản' mới của Bà Rịa – Vũng Tàu - Ảnh 1.

Khung cảnh thơ mộng của thị xã Phú Mỹ từ lưng chừng núi Thị Vải

Tâm Hòa

Tôi sẽ kể bạn nghe những trải nghiệm và những góc nhìn của tôi về ngọn núi này nhé!

Như một thói quen, ngay khi vừa đặt bước chân đầu tiên, tôi lại gói ghém mọi phiền lo một cách cẩn thận để gửi lại ở chân núi. Tôi tự nhủ: "Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng tôi suốt những ngày vừa qua, chặng đường tiếp theo tôi sẽ bước một mình. Bởi, nếu tôi mang theo bạn, chắc chắn hành trình sắp tới sẽ còn gian khổ hơn nhiều. Tạm biệt bạn!".

Sau đó, tôi vội vã "uống" một ngụm khí trời se se lạnh mà thiên nhiên nơi đây đã ban tặng. Bỗng chốc, tôi cảm nhận được từng dòng khí lạnh lan tỏa khắp cơ thể. Chúng len lỏi trong từng ngóc ngách như để chữa lành mọi tế bào đang bị tổn thương bởi những tranh đấu, hơn thua của cuộc sống. Chính những dòng khí tươi mát ấy đã điều hòa cho tâm trí tôi được nhẹ nhàng.

Quả thật, thiên nhiên trên núi Thị Vải rất biết chiều lòng người. Đường lên núi được ôm ấp bởi hai rừng cây xanh mát rượi. Từng tán lá, bóng cây luôn che chở cho những du khách vãng lai khỏi cái nóng của ông mặt trời trên cao. Chốc chốc, tôi lại cảm nhận một luồng gió lạnh phả vào người, không khỏi khiến con người ta rùng mình. Đôi khi, một cơn gió nhẹ khẽ chạm vào làn da tôi như xoa dịu những mệt nhọc mà 1.200 bậc thang mang lại.

Tôi chẳng thể quên lần đầu tiên chinh phục ngọn núi ấy, khó khăn có, hứng khởi có, muốn bỏ cuộc cũng có. Thế nhưng, khi phát hiện ra sự "rảnh rỗi" của những người tôi đã gặp, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để tăng tốc và về đích. Tôi yêu và trân quý sự "rảnh rỗi" ấy. Họ "rảnh" để động viên, cổ vũ những con người xa lạ tiếp tục hành trình này.

Bằng một cách vô tình hay hữu ý nào đấy, tôi như chạm vào không biết bao nhiêu câu chuyện của những du khách ngược xuôi lên núi Thị Vải. Thỉnh thoảng là những lời than thở về công việc, cuộc sống của một nhóm bạn trẻ. Đôi khi là lời dạy của người cha dành cho con trai mình về sự tự lập, kiên cường. Có lần là những nỗi niềm, trăn trở của các cô chú lớn tuổi mong rằng núi Thị Vải sẽ luôn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ vốn có này, để mọi người được trải nghiệm leo núi theo cách đơn thuần nhất.

Hay thậm chí hình ảnh các bạn trẻ "tam bộ nhất bái" qua hơn 1.200 bậc thang cũng mang lại cho tôi một góc nhìn khác về cuộc sống. Tôi thấy mừng vì càng ngày các bạn trẻ biết quay về với chính mình để sửa đổi và mong cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn đến với những người xung quanh. Bất chợt, trong đầu tôi hiện lên câu nói của Lão Tử: "Hành trình vạn dặm, bắt đầu từ một bước chân". Khi bạn đã đặt chân và lạy lần đầu tiên ở bậc thang thứ nhất thì hành trình vạn dặm của bạn đã bắt đầu. Chỉ cần bạn không bỏ cuộc thì quả ngọt vẫn đang chờ ở phía trước.

Và có lẽ, câu chuyện khắc sâu nhất trong tâm trí tôi là hình ảnh cậu bé chừng 4-5 tuổi bò lên từng bậc thang để chinh phục trọn vẹn chặng đường ấy. Một hình ảnh vừa buồn cười, vừa thương đến lạ. Bất giác tôi nghĩ: "Ấy chẳng phải là tinh thần bất khuất của người miền Đông sao?"

Chẳng những vậy, khi chứng kiến quá trình xây dựng một công trình mới trên núi Thị Vải, tôi lại càng thấm thía và khâm phục hơn cái tinh thần ấy. Bạn biết không, để hoàn thành một tượng Phật lớn giữa hồ sen trên núi là biết bao công sức của mọi người. Hằng ngày, từng viên đá, từng bao xi măng, từng túi cát được các chú, các anh, và du khách "tha" lên đỉnh núi. Với tôi mà nói, đấy không chỉ đơn thuần là những túi cát vài ký, những viên đá vuông vắn hay những bao xi măng 50 ký, mà các chú, các anh đang vác trên mình sự kỳ vọng của biết bao con người nơi đây. Kỳ vọng tạo nên một nét đặc trưng mới cho mảnh đất Bà Rịa – Vũng Tàu này.

Nhìn những giọt mồ hôi rơi, lòng tôi lại dấy lên một niềm trắc ẩn. Tôi biết mọi người mệt lắm, nhưng chẳng một ai bỏ cuộc. Mọi người vẫn ngày ngày cần mẫn "góp gió thành bão", chỉ mong về sau, khi nhắc đến Bà Rịa – Vũng Tàu, du khách không chỉ nhớ đến những bãi biển trong xanh, trời Âu giữa lòng Phú Mỹ, mà thêm vào đó là hình ảnh của một tượng Phật sừng sững giữa hồ sen thơm ngát trên núi Thị Vải. Chỉ cần mường tượng đến hình ảnh đấy thôi là niềm tự hào lại sục sôi trong tôi đến lạ.

Và tôi tin một điều rằng, những giọt mồ hôi đã rơi kia, dù bị mưa cuốn trôi, bị nắng phai mờ nhưng những đóng góp to lớn của mọi người đã tạc vào đá, thấm vào đất và cuốn vào gió để quẩn quanh mãi với núi rừng nơi đây.

Còn đối với mỗi du khách từng ghé lại ngọn núi này, không biết bạn là ai, bạn ở đâu nhưng chính bạn đã góp phần tạo nên một nét đặc trưng mới cho Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và miền Đông nói chung. Bạn có thể tự hào rằng trong vô số những hạt cát tạo nên công trình ấy, có những hạt cát đã thấm đẫm mồ hôi của chính bạn.

Tôi không quá tham vọng về ngày mà núi Thị Vải sẽ vang danh khắp dải đất hình chữ S này, chỉ ước nguyện rằng những ai một lần ghé lại chốn đây sẽ "uống cạn" vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng.

Núi Thị Vải: 'Đặc sản' mới của Bà Rịa – Vũng Tàu - Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.