Kết quả này được tổng hợp từ các trung tâm quan trắc môi trường thực hiện ngày 29.4 tại các bãi tắm trên địa bàn 4 tỉnh trên và so sánh với Quy chuẩn VN QCVN 10-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển để đánh giá cho thấy, nước biển ven bờ tại các khu vực được phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép.
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, kết quả phân tích mẫu nước biển cho thấy, tại vùng biển Vũng Áng (TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) hàm lượng ni tơ và phốt pho cao hơn mức cho phép, còn các thông số môi trường khác không phát hiện ra điều gì bất thường. Ngoài ra, trong mẫu nước biển lấy tại bè cá nổi tại vịnh Vũng Áng của một hộ dân địa phương, nơi người dân phát hiện có dòng triều màu nâu tràn vào bè gây cá chết, có mật độ tảo nghi là tảo độc với số lượng khoảng 350 triệu tế bào/lít. Đây là dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện cục bộ ở một thời điểm cụ thể của tảo có khả năng gây chết cá, không đại diện cho toàn bộ vùng biển Vũng Áng; chưa đủ cơ sở để xác định sự bùng nổ của tảo độc, dẫn đến hiện tượng thủy triều đỏ là nguyên nhân gây chết cá tại khu vực này.
Siêu thị mở thêm quầy cá
Những ngày qua, Saigon Co.op đã nhanh chóng thiết lập điểm thu mua hải sản tại cảng cá sông Gianh - Quảng Bình và bắt đầu thu mua các nguồn cá được xác định là an toàn từ ngày 30.4. Tính đến hôm qua, đã có 200 tấn cá của ngư dân được tiêu thụ.
Tại Thừa Thiên-Huế, vào hôm qua (2.5), siêu thị Co.opmart Huế đã mở thêm quầy hàng cá an toàn. Theo ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, trong ngày 1.5 Saigon Co.op đã mua khoảng 20 tấn cá của ngư dân, trong đó chủ yếu là cá nục, cá bạc má. Toàn bộ cá này đã được các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình gồm: Chi cục Khai khác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra và xác nhận đạt yêu cầu về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm thủy hải sản khai thác. Tại điểm thu mua, bộ phận quản lý chất lượng Co.opmart cũng tiến hành kiểm tra nhanh chất lượng nhằm đảm bảo hải sản được bảo quản an toàn sau đánh bắt, đồng thời cùng với cơ quan chức năng và chủ tàu lập biên bản lấy mẫu đem đi kiểm tra chất lượng.
Trong khi đó, kế hoạch dự kiến của Đà Nẵng từ 5 giờ sáng 2.5 triển khai các điểm bán cá sạch tại 50 chợ trên địa bàn TP đã không thể thực hiện được. Nguyên nhân, theo cơ quan chức năng, do khâu chuẩn bị chưa được đầy đủ, cụ thể là khâu kiểm nghiệm cá chưa hoàn tất nên bắt đầu từ ngày 3.5, các điểm bán cá sạch do Sở NN-PTNT kiểm tra, chịu trách nhiệm mới chính thức hoạt động.
Cảng cá nhộn nhịp
Sau nhiều ngày tạm gác ngư cụ, để thuyền chỏng chơ nằm bờ do tình trạng cá chết hàng loạt, ngư dân vùng ven biển Hà Tĩnh đã đồng loạt ra khơi, tiếp tục bám biển mưu sinh.
Tờ mờ sáng 2.5, cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã chật kín người, chủ yếu là ngư dân vừa mưu sinh trên biển trở về và người dân địa phương, tiểu thương các nơi khác đến thu mua, buôn bán hải sản. Ông Biện Ngọc Cường, Phó chủ tịch UBND xã Thạch Kim, cho biết trong 3 ngày qua đã có 40 trong tổng số 96 tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn, với khoảng 250 lao động ra khơi đánh bắt hải sản. Ngư dân chủ yếu đánh bắt cá ở vùng biển cách bờ từ 20 hải lý trở ra.
Theo ông Cường, trong những ngày qua, chính quyền địa phương phối hợp với đoàn cán bộ chuyên trách của H.Thạch Hà và tỉnh Hà Tĩnh túc trực 24/24 giờ trong ngày tại các cảng cá trên địa bàn để kiểm tra, cấp giấy chứng nhận sản phẩm thủy, hải sản chất lượng, được khai thác tại vùng biển an toàn (cách bờ từ 20 hải lý trở lên). Trong trường hợp kiểm tra, phát hiện lô hàng hải sản không đảm bảo an toàn, đoàn sẽ lập biên bản và thực hiện tiêu hủy theo quy định.
Nhiều ngư dân ở xã Cẩm Nhượng (H.Cẩm Xuyên); xã Cương Gián (H.Nghi Xuân); các xã Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Lợi, Kỳ Nam (cùng thuộc TX.Kỳ Anh) trong ngày 2.5, cũng đã quay trở lại bám biển mưu sinh sau nhiều ngày “treo" thuyền vì cá chết bất thường. Bà Hồ Thị Lệ (ngụ tại xã Kỳ Ninh) cho biết: “Gia đình tôi có 4 người đi biển đánh bắt cá. Đây là nguồn thu nhập chính, nguồn sống của cả nhà. Hôm nay thuyền đánh bắt được gần 1 tấn sứa, bán được gần 1,5 triệu đồng”.
Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, cho biết tỉnh này đã thành lập tổ công tác phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức kiểm soát nguồn gốc hải sản, lập đường dây nóng để thu mua hải sản cho ngư dân. Trong mấy ngày qua, trên 55 tấn hải sản do ngư dân đánh bắt ở vùng biển xa bờ đã được thu mua hết. Hiện 68% tàu, thuyền đánh bắt xa bờ của tỉnh đã ra khơi, đồng thời các bãi biển cũng đã có người tắm trở lại.
|
Ngày 2.5, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các ngày qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và các chuyên gia của ngành chủ động lấy mẫu tại 4 tỉnh miền Trung để xét nghiệm. Các đoàn của Bộ Y tế đã lấy 30 mẫu cá, hải sản tự nhiên tại các cảng cá, chợ đầu mối, chợ bán lẻ, tại nhà hàng cung cấp hải sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh để xét nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả cho thấy tất cả các mẫu hải sản lấy ngẫu nhiên nêu trên đều an toàn. Ngoài ra các chuyên gia còn lấy mẫu nước sinh hoạt, mẫu rau, qua xét nghiệm cũng khẳng định các chỉ số đều an toàn cho người sử dụng. Đó là các mẫu lấy đợt 1. Hôm nay (3.5), đoàn của Bộ Y tế sẽ tiếp tục lấy các mẫu tương tự tại Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế để xét nghiệm. Bộ Y tế sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ thực hiện các xét nghiệm đối với các mẫu do địa phương chủ động lấy mẫu, chuyển đến các đơn vị thuộc Bộ Y tế để xét nghiệm.
Liên Châu
|
Bình luận (0)