'Nước lớn không thể đe dọa nước nhỏ hoặc chiếm đoạt những thứ không thuộc về mình'

06/11/2019 10:23 GMT+7

“Tôi không nghĩ một nước lớn có thể đe dọa nước nhỏ hoặc chiếm đoạt những thứ không thuộc về mình”, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Robert O’Brien nói tại Bangkok, Thái Lan hôm 4.11.

"Thời đại này không còn chỗ cho đế quốc"

“Chúng tôi tin vào trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Chúng tôi tin vào luật pháp và thông lệ quốc tế. Chúng tôi tin rằng, và tôi đã nói trong bài phát biểu trước đó, các nước lớn không nên bắt nạt các quốc gia khác”, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Robert O’Brien nói trong cuộc gặp với báo chí tại Bangkok nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN và Cấp cao Đông Á hôm 4.11.
Cũng tại sự kiện này, ông O’Brien cho biết: “Chúng tôi đã nói về Biển Đông, về sự thật là nhiều quốc gia trong khu vực có nguồn lợi dầu khí, khoáng sản, hải sản trong Biển Đông. Các nguồn tài nguyên trên thuộc về các quốc gia đó, thuộc về con cháu họ và là tương lai của các nước ASEAN. Họ không nên bị đe dọa để từ bỏ lợi ích của mình bởi một quốc gia lớn hơn, mạnh hơn. Chúng tôi tin tưởng vào công bằng, vào luật lệ, tin rằng đó là cách mọi thứ vận hành trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và toàn thế giới”.
Trả lời câu hỏi ông quan ngại đến mức nào về việc Trung Quốc sẽ trở thành một đế quốc mới trong khu vực, đặc phái viên O’Brien cho rằng, ông đã nói thời đại này không còn chỗ cho đế quốc nữa, những ngày đó đã là quá khứ, “tôi nói về chủ nghĩa đế quốc, chứ không đặc biệt nhắc đến Trung Quốc, nhưng nếu có ai liên tưởng đến Trung Quốc vì hành vi và cách xử sự của họ, thì đó là kết luận của người đó”.
Trả lời câu hỏi của Reuters về phản ứng của Mỹ trước việc Trung Quốc tuy không nhắc thẳng tên, nhưng nói rằng có những quốc gia cứ xía vào chuyện của quốc gia khác không ở trong khu vực, ông O’Brien nói: “Tôi đến từ California. Khi ra bãi biển lần trước, tôi thấy Thái Bình Dương trước mặt. Do vậy, chúng tôi ở trong khu vực. Chúng tôi đã ở đây từ rất lâu. Chúng tôi đã đóng vai trò của mình với rất nhiều máu và của cải từ 70 năm trước, và chúng tôi đã ở đây kể từ đó cũng như trước đó. Vì thế, tôi không nghĩ là Mỹ xía vào chuyện của khu vực. Tôi nghĩ Mỹ đóng vai trò quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
“Khi nói về vùng nước quốc tế ở Thái Bình Dương, chúng tôi không nghĩ rằng quốc gia nào có thể khoanh một phần lớn và nhận rằng đó là lãnh thổ của họ như nó là cái hồ vậy”, ông O’Brien nói thêm, và cho rằng đó sẽ là mối lo ngại với các quốc gia Đông Nam Á khi họ có “gia sản, của để dành, có tương lai” trong vùng đặc quyền kinh tế của mình trên Biển Đông".

"Không một quốc gia nào có thể chiếm một phần lớn của đại dương"

“Tương lai của họ phụ thuộc vào việc có thể thông thương trên vùng biển quốc tế hay không. Và nếu điều đó bị các quốc gia khác dùng sức mạnh đụng chạm, thì đó là vấn đề. Vấn đề cho cả khu vực và cho thế giới. Nó đi ngược lại luật lệ. Nó không công bằng. Nó không đúng. Và vì thế, nước Mỹ chưa bao giờ ngại ngùng lên án, dù không phải là chúng tôi không muốn có quan hệ với Trung Quốc. Chúng tôi muốn có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc”, ông O’Brien nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về việc Mỹ sẽ làm gì trước việc tàu cá Philippines và Việt Nam vẫn bị đe dọa, làm gì để các quốc gia Đông Nam Á có thể tiếp cận được với những nguồn lợi trong khu vực, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ nói: "Bất cứ khi nào tôi nói về châu Á hay về Trung Quốc, tôi luôn nói về Biển Đông. Tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế là vấn đề quan trọng, với Mỹ và với toàn thế giới. Không một quốc gia nào có thể chiếm một phần lớn của đại dương, đặc biệt là Thái Bình Dương và tuyên bố chủ quyền vượt quá giới hạn".
“Tôi không nghĩ việc các quốc gia khác bị đe dọa bởi hải quân hay hải cảnh Trung Quốc là đúng. Chúng tôi cho rằng các quốc gia nên hòa hợp. Trên thực tế, Philippines đã đưa Trung Quốc ra tòa, và tòa đã tuyên Philippines thắng trước tuyên bố về đường lưỡi bò, đường 9 đoạn hay bất cứ thứ gì tương tự, của Trung Quốc. Chúng tôi nghĩ các tranh chấp nên được giải quyết hòa bình, chứ không phải bằng cách đe dọa hay dùng tàu dân binh hay đâm va tàu của nước khác. Đó không phải là cách làm của thế kỷ 21. Nó giống như một sự chinh phạt - những điều đã xảy ra hàng trăm năm trước, và không nên xảy ra giữa các quốc gia láng giềng Đông Nam Á”, theo ông O’Brien.
“Một lần nữa, chúng tôi muốn thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, giữa Trung Quốc với chính nước Mỹ. Nhưng người dân Philippines, người dân Việt Nam, người dân Malaysia, họ có quyền với vùng đặc quyền kinh tế của họ, có quyền có được dầu khí, cá tôm và khoáng sản cho người dân của họ. Vì thế, tôi không nghĩ một nước lớn có thể đe dọa nước nhỏ hoặc chiếm đoạt những thứ không thuộc về mình. Cách để giải quyết xung đột nên bằng con đường đàm phán, bằng trọng tòa quốc tế, chứ không phải bằng vũ lực”, ông O’Brien nhấn mạnh thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.