Nước lũ ĐBSCL biến động mạnh

30/07/2022 17:11 GMT+7

Trong tuần cuối tháng 7, mực nước lũ sông Mê Kông và vùng nguồn sông Cửu Long biến động mạnh.

Lượng nước ở những trạm quan trọng phía Campuchia (đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu) có xu hướng tăng cao hơn so với những năm gần đây. Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cho biết: Tại trạm Kratie, tổng lượng từ ngày 1.6 – 28.7 đạt 66,9 tỉ m3. So với cùng kỳ, trung bình nhiều năm (TBNN) lượng nước lớn hơn khoảng 1,26 tỉ m3 và lớn hơn năm 2021 khoảng 19,14 tỉ m3… Bên cạnh đó, dung tích Biển Hồ (Tonle Sap) tuần qua tăng với cường suất trung bình 0,41 tỉ m3/ngày. Đến ngày 28.7 dung tích đạt 10,6 tỉ m3; so với cùng kỳ TBNN dung tích hồ ít hơn 1,94 tỉ m3 nhưng cao hơn năm 2021 7,18 tỉ m3

Thời điểm 28.7, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đã sụt giảm thấp hơn TBNN đến 0,33 m

Công Hân

So với thời điểm 21.7, có thể thấy lượng nước qua trạm Kratie và dung tích Biển Hồ đã mở rộng đáng kể. Đây là tín hiệu khá tích cực đối với nguồn nước cung cấp cho vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, mực nước lũ sông Mê Kông còn bị tác động nhiều bởi yếu tố tích và xả nước của các đập thủy điện thượng nguồn và lượng mưa trên toàn lưu vực.

Theo MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện Mê Kông), trong tuần thứ 3 của tháng 7, trong số 45 đập thủy điện sông Mê Kông được giám sát, tổng số lượng nước đã tăng thêm 786 triệu m3 trong tuần, chủ yếu ở các đập phụ lưu ở hạ lưu vực. Hiện tại, tổng lượng nước tích trữ của các đập cao hơn một chút so với tổng lượng nước tích trữ cùng thời điểm ở năm ngoái. Điều này đã khiến dòng chảy mùa lũ của sông Mê Kông tiếp tục duy trì sự thiếu hụt đến khoảng 45% so với dòng chảy tự nhiên.

Đối với lượng mưa, MDM cho biết: Hạn hán tiếp tục diễn ra ở thượng lưu vực. Điều này làm cho lượng nước chảy vào dòng chảy thượng nguồn cũng ít hơn. Phần trung tâm của lưu vực dọc theo dòng chảy chính cực kỳ khô hạn, trong khi phần rìa của hạ lưu vực ở phía tây và phía đông đang có nhiều mưa.

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam nhận định, trong nửa đầu tháng 7 lượng mưa ở Campuchia và ĐBSCL tương đối cao, nhiều nơi đạt 50 - 100 mm thậm chí nhiều nơi vượt 100 mm. Tuy nhiên sau đó lượng mưa có xu hướng giảm, duy trì ở mức thấp trong những ngày cuối tháng 7 và kéo dài đến đầu tháng 8 phổ biến chỉ ở mức 20 mm.

Mưa thấp cùng với tác động của thủy triều làm mực nước tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long biến động mạnh. Ngày 20.7, mực nước tại trạm Tân Châu trên sông Tiền và Châu Đốc trên sông Hậu đều nhỉnh hơn so với TBNN. Tuy nhiên, vào thời điểm 28.7 đã sụt giảm thấp hơn TBNN đến 0,33 m. Nếu so với mức nước lũ báo động 1 thì mực nước tại 2 trạm đầu nguồn này đang thấp hơn từ 1,1 - 1,6 m. Theo các chuyên gia, mức nước sông Mê Kông sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới do tác động của mưa bão và tích xả nước của các đập thủy điện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.