Cũng theo ông Hùng, từ rạng sáng 6.11, sau khi đạt đỉnh, nước lũ bắt đầu rút khoảng gần 15 cm. Tuy nhiên, đến 10 giờ nước bắt đầu lên lại và đến 12 giờ ngày 6.11, mực nước tại Hội An là 3,12 m , tăng 3 cm so với thời điểm 10 giờ cùng ngày.
Từ đêm 4.11 đến sáng nay, 5.11, nước lũ lên nhanh đã nhấn chìm nhiều tuyến đường trong khu phố cổ Hội An, người dân khẩn trương dọn dẹp đồ đạc, nhanh chóng di chuyển để tránh lụt.
“Do diễn biến lũ ở Hội An còn diễn biến phức tạp, mọi người cẩn trọng đề phòng”, ông Nguyễn Thế Hùng cảnh báo và cho biết thêm: “Khả năng nước lũ còn dâng cao vì xuất hiện triều cường, đồng thời các hồ chưa thủy điện xả lũ từ đêm qua nên nước lũ ở Hội An chưa thể rút kịp”.
Trong khi đó, theo chương trình Tiếng nói tương lai – VOF, một số hoạt động của thanh niên, sinh viên 21 nền kinh tế thành viên APEC tổ chức tại TP.Hội An vào ngày 7.11, dự kiến như: tham quan Làng gốm Thanh Hà, tham quan phố cổ và nghệ nhân làm đèn lồng ở phố cổ.
Hiện theo UBND TP.Hội An, các điểm dự kiến cho đoàn tham quan đều bị nước lũ nhấn chìm từ 1,5 - 2 m. Vì vậy, hoạt động tham quan tại Hội An sẽ không thể thực hiện nếu sử dụng đường bộ.
Người dân sử dụng ghe, thuyền để di chuyển trong phố cổ Ảnh: Hữu Trà
Trong khi đó, một số điểm đến của đoàn VOF tại Quảng Nam như thăm Làng hòa bình, làng bích họa Tam Thanh cũng “gặp trắc trở” nếu sử dụng đường bộ do lũ chia cắt đường từ Hội An lên cầu Cửa Đại. Còn trên Quốc lộ 1, nước lũ cũng chia cắt nhiều nơi, có nơi ngập sâu trên 1 m.
Sau khi nghe tin đồn thất thiệt về thủy điện Sông Tranh 2 (ở xã Trà Đốc, H.Bắc Trà My, Quảng Nam) vỡ đập, hàng nghìn người dân hốt hoảng tháo chạy tìm nơi trú ẩn, gây náo loạn.
Gần 7.600 hộ dân H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng ngập sâu
Sáng 6.11, báo cáo nhanh của UBND H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng cho hay hiện tại trên địa bàn có gần 7.600 nhà dân bị ngập sâu.
Ngập lụt diễn ra trên toàn bộ các xã ở H.Hòa Vang, nặng nhất là các xã Hòa Nhơn, Hòa Phòng, Hòa Liên, Hòa Tiến, các xã ở vị trí cao hơn như Hòa Khương, Hòa Ninh, Hòa Sơn hay các xã miền núi Hòa Phú, Hòa Bắc cũng bị ngập cục bộ một số khu dân cư, ruộng đồng.
Ngoài ra, nước lụt cũng làm ngập 45 ha rau, hoa màu, ao hồ nuôi trồng thủy sản.
Từ hôm qua (5.11), H.Hòa Vang bắt đầu sơ tán, đến nay đã đưa đến nơi khô ráo, an toàn khoảng 4.300 người, toàn bộ người nuôi trồng thủy sản buộc phải di dời, nếu không phải bị cưỡng chế để đảm bảo an toàn.
Những nhà dân sát ruộng đồng ở các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên đều ngập hơn nửa nhà Ảnh: Lê Minh
Các tuyến đường liên thôn, liên xã dù nằm ở nơi cao hơn vẫn bị ngập Ảnh: Lê Minh
Tại các vị trí ngập sâu, lực lượng chức năng bố trí người cảnh báo, ngăn không cho lưu thông nhằm đảm bảo an toàn Ảnh: Lê Minh
Theo người dân địa phương, mưa lớn vẫn kéo dài nên dự báo ngập lụt sẽ còn diễn ra cả tuần Ảnh: Lê Minh
Lực lượng ở các xã cũng đã tổ chức chốt chặn ở các điểm giao thông bị nước lũ chia cắt, tràn qua mặt đường, mặt cầu nhằm hạn chế sự cố đáng tiếc.
Tính đến sáng nay (6.11), mưa bão số 12 tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên đã làm 49 người chết và 27 người mất tích và 64 người bị thương.
Trước tình hình đường liên huyện, liên xã bị chia cắt hoàn toàn, lực lượng công an, dân quân địa phương đã chủ động cho phương tiện đi tìm kiếm người bị mắc kẹt ở các khu vực thấp trũng.
Bình luận (0)