Nước mắm Phan Thiết, thơm lừng khó quên

20/12/2023 07:00 GMT+7

Tôi đã nghe tên và cũng thưởng thức nước mắm Phan Thiết, nó rất ngon. Nhưng, nước mắm được làm ra như thế nào, tôi tò mò về điều này!

1. K. - bạn tôi, thi thoảng mang một tĩn gốm nước mắm sóng sánh màu vàng rơm, thơm lừng tặng nhà tôi làm quà. K. nói, nước mắm cá cơm than và sọc tiêu Phan Thiết trứ danh quê mình mà cho thêm tỏi ớt vào, ăn với cơm tấm sườn bì chả thì ngon nhức nách!

Cảng cá La Gi, Bình Thuận

Cảng cá La Gi, Bình Thuận

Quế Hà

Tôi đã nghe tên và cũng thưởng thức nước mắm Phan Thiết, nó rất ngon. Nhưng, nước mắm được làm ra như thế nào, tôi tò mò về điều này!

K. nói, nghề làm nước mắm ở quê mình có tuổi đời hơn 200 năm, hình thành từ thế kỷ 18, có từ thời Phan Thiết có tên là tổng Đức Thắng. Ðến đầu thế kỷ 20, nước mắm Phan Thiết đã có một nhãn hiệu nổi tiếng là Liên Thành, được bán rộng rãi trong Nam ngoài Trung. Nghề làm nước mắm đã giúp ngư dân làng chài Hàm Tiến - Mũi Né quê K. có cuộc sống dần đủ đầy hơn.

Cũng như K., nhờ nước mắm mà có được con chữ để bây giờ ngồi văn phòng làm việc có máy lạnh chạy ro ro. K. kể, nếu người ta nói, chỉ cần đi trên quốc lộ mà nhìn thấy cây thanh long là biết đến Phan Thiết. Còn với K., mỗi bận đi học từ Sài Gòn về, khi đi trên đường về nhà, nếu ngửi thấy mùi nước mắm thoảng thơm, cậu ấy sẽ hít một hơi thật sâu, và biết rằng đã về đến nhà.

2. Tôi có chuyến về Phan Thiết cùng K. Chúng tôi đến Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa để mục sở thị về nguồn gốc cũng như quy trình làm ra được loại nước mắm đậm vị thơm ngon. Thông qua việc trưng bày tại đây, tôi được biết thêm về làng chài Phan Thiết với những thăng trầm qua các thời kỳ lịch sử, được nhập vai thành những người dân làng chài lưới, đóng vai những diêm dân cùng làm việc trên cánh đồng muối… Một trải nghiệm tuyệt vời!

Nước mắm Phan Thiết, thơm lừng khó quên - Ảnh 2.

Du khách tham quan làng nghề nước mắm truyền thống tại Phan Thiết

Quế Hà

Vốn tính người miền Trung thật thà, ngay thẳng, nên có chuyện chi, K. hay kể cho tôi nghe. Bữa K. hẹn tôi uống cà phê, rồi cậu ấy cho biết về thông tin Hiệp hội Nước mắm Việt Nam và Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đang xây dựng hồ sơ trình Chính phủ công nhận nghề làm nước mắm là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam trong sự hồ hởi. Với tầm nhìn của dân làm marketing, đam mê kinh doanh sản phẩm đạt sao OCOP và trở trăn với sản phẩm nước mắm quê nhà, K. khẳng định, thị trường nước mắm là một "mỏ vàng" nếu biết khai thác, tránh tư duy kiểu con buôn...

K. cho biết, hiện TP.Phan Thiết hiện có hơn 100 cơ sở chế biến nước mắm truyền thống, trong đó Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết có 44 hội viên với quy mô sản xuất tương đương 20 triệu lít/mỗi năm. Theo K., để nước mắm Phan Thiết vươn xa, những cơ sở sản xuất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các sở, ban ngành liên quan về vốn, hành lang pháp lý, về xúc tiến thương mại, dây chuyền sản xuất, các ngân hàng cần gia hạn nợ vay, miễn giảm lãi suất cho các cơ sở sản xuất nước mắm… để những chai nước mắm đậm vị và chất Phan Thiết đến được tay người tiêu dùng.

3. Với tôi, nhắc đến Phan Thiết, tôi lại nghĩ về em - mối tình đầu của tôi.

Lễ hội Katê bên tháp chăm cổ PoSahInư ở Bình Thuận

Lễ hội Katê bên tháp chăm cổ Poshanư ở Bình Thuận

Quế Hà

Trời chiều, ánh nắng đổ nghiêng, Phan Thiết vẫn điềm nhiên vị biển. Em cùng tôi nắm tay nhau rảo bước trên cung đường đến tháp Poshanư, như sợ ai đó trông thấy mình lần đầu tiên hò hẹn. Em bảo, công chúa Pohsanư đang ngủ, anh bước khẽ đôi chân, kẻo nàng thức giấc! Rồi em kể cho tôi nghe chuyện tình của công chúa Poshanu, vượt qua định kiến xã hội, đem lòng yêu và kết hôn với lãnh chúa Po Sahaniempar. Nhưng hờn ghen vô cớ, Po Sahaniempar đã tẩn liệm cuộc tình mình vào huyệt mộ để vui vầy duyên mới. Những năm tháng cuối đời Poshanư đã sống một mình thanh thản tại Bianneh, nhạt nhòa ánh trăng tan.

Tôi nhìn em, má ửng hồng, thẹn thùng với chiếc hôn môi vội. Biển ì ầm những con sóng vỗ vào bờ bãi như khúc vĩ cầm trong gió ngân nga. Gió từ biển thổi vào, tuổi hai mươi của chúng tôi vọng chuông vào quá khứ, để lại nghe thanh âm bài thơ "Phan Thiết! Phan Thiết" năm xưa của Hàn Mặc Tử thi nhân.

Lầu Ông Hoàng tàn tích, những dây leo quấn quanh tường vách buông mình trên ngực đá trầm tích thời gian, nơi Hàn Mặc Tử từng bước chân qua còn in dấu trên cát mịn màng; nơi chứng nhân những mối tình đôi lứa; nơi thu vào tầm mắt những mảnh ghép hoàn hảo về đất và người Bình Thuận xưa - nay giữa hai miền Trung - Nam của đất nước.

Em nhìn về phía biển, biển mênh mông. Tôi nhìn phía em, hoa muống biển khẽ cài lên mái tóc, đẹp vô cùng người con gái Chăm tôi yêu! Em mỉm cười, khẽ khần bảo, thành phố mình đẹp lắm phải không anh!

Hai mươi năm, tôi xa em dìu dặt, nhưng Phan Thiết vẫn ở trong tôi từng nỗi nhớ dài! Lắm khi cứ ngỡ chỉ mới hôm qua, tôi cùng em rảo bước, soi bóng mình trên mặt sông Cà Ty hiền hòa, chợt nghe mùa xuân về trên phố biển vênh vao! Đôi khi, chỉ là đôi khi nhưng hai mươi năm mênh mông, tôi gói xuân thời của mình gửi về em qua tiếng chuông chùa Phật Quang huyền linh có mùa hoa muống biển em yêu!

Phan Thiết sáng tháng 10, tôi ngồi nhấm nháp ly cà phê cùng K. Từng giọt cà phê đắng rơi vào lòng khi nghe đài báo, bão lớn sắp đổ bộ vào miền Trung. Nhớ đến em…, thương người miền Trung đã đi qua những mùa giông bão, lặng căm trước những đổ nát hoang tàn, nhưng, như cây xương rồng vẫn nở hoa trên triền cát trắng quê hương!

Còn với K., chỉ với mùi nước mắm Phan Thiết thoảng thơm, cũng đủ để tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn!

Nước mắm Phan Thiết, thơm lừng khó quên - Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.