Mấy hôm rồi, người ta xôn xao vì thông tin hàng me trước sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM chết hàng loạt nghi do bị đầu độc. Người đi đường ngửi thấy mùi hóa chất nồng nặc quanh các gốc cây, nhưng cơ quan chức năng đành lắc đầu nói rằng việc bắt tận tay thủ phạm (nếu có) là rất khó.
Giết cây có nhiều kiểu, ngoài các hình thức thay thế cây, chặt cây để làm đường cao tốc trên cao, làm đường sắt đô thị, ở Hà Nội chúng tôi thường bắt gặp cảnh người dân sống trên mặt phố và có cây cổ thụ trước nhà đã dùng nhiều cách để cái cây đó lớn chậm hơn, chết mau đi. Người ta đổ bê tông, lát gạch kín mít quanh gốc cây, đặt bếp than, đun nấu ngay trong hốc thân những cây cổ thụ, lắp ống dẫn nước từ máy lạnh, từ sân thượng xói thẳng vào gốc cây. Cá biệt, có người còn đổ cả dầu hỏa, dầu luyn vào các gốc cây vô tội.
Lý do có thể là người ta sợ cái cây lớn nhanh, bén rễ vào móng nhà, đổ nhà; hoặc sợ thân cây choán hết chỗ buôn bán nên làm vậy. Những cái cây chết dần, chết mòn, đến mùa mưa bão, nó không đủ sức bám trụ lại với đất và đổ ập bất thình lình. Những cái chết thương tâm vì cây đổ vẫn là nỗi ám ảnh với bất cứ ai.
Tôi mới đến Trà Vinh, có lẽ là thành phố nhiều cây xanh nhất Việt Nam. Ngoài trời nắng như hắt lửa, thấp thoáng thấy bóng Trà Vinh đã thấy mát mắt, mát lòng với những tán cây xanh.
Biệt danh cho Trà Vinh là “thành phố trong rừng cổ thụ” thật không sai. Ngay trung tâm thành phố, những thân cây dầu, cây sao một vòng tay người ôm không xuể đứng hiên ngang. Người ta âu yếm lấy tên cây đặt cho mỗi con đường, đường Cây Dầu, đường Hàng Sao, đường Hàng Me. Mật độ cây được trồng rất dày. Trong khuôn viên của các biệt thự, các quán cà phê, quán ăn, những cây xanh vẫn đứng tỏa bóng mát trong lành.
Câu chuyện thế lực cây xanh ở Trà Vinh Báo Thanh Niên đã từng đăng tải. Ở Trà Vinh, người ta nâng niu và luôn ưu tiên hàng đầu việc giữ lại cây xanh khi chỉnh trang đô thị, tránh đụng cả vào rễ cây mỗi khi xây dựng bất kể công trình gì.
|
|
Ở Trà Vinh chúng tôi thấy nhiều nhất là cây dầu, kế đến là cây sao. Một nữ luật sư rất nổi tiếng làm việc tại TP.HCM, sinh ra ở Trà Vinh cho chúng tôi hay, từ rất lâu rồi, quanh những ngôi chùa Khmer ở đây được trồng toàn cây ăn trái, song trẻ con vốn nghịch ngợm, nhà chùa không quản lý được mỗi mùa trái cây chín nên quyết định chuyển hết sang trồng dầu, vừa không phải đau đầu chuyện trông trẻ, hạt dầu rụng xuống lại mọc lên các cây con, thế là có nguồn giống cây dồi dào, phủ xanh khắp chốn.
‘Thế lực’ cây xanh
Ít có địa phương nào trong cả nước mà cây xanh lại “có uy” như ở TP.Trà Vinh. Trong quá trình chỉnh trang đô thị, không ít lần công trình đã vấp phải cây xanh. Lúc này, lãnh đạo tỉnh là những người ra phán quyết cuối cùng, và trong những phán quyết đó, ít khi nào “phe” cây xanh phải chịu thiệt thòi.
Mỗi cái cây cũng có tâm hồn, tôi luôn tin như vậy. Ngày tôi còn nhỏ, nhà tôi trồng những cây xoan đào thẳng vút, thân to bằng cả vòng tay ôm. Để mở rộng đường đi trong xóm, bố tôi phải đưa thợ cưa tới và đốn bỏ những cây xoan. Vậy là mỗi tháng 3, không còn màu hoa nở tím trời và tiếng chim chuyền cành lích chích. Tôi nhớ mãi gốc cây trơ trọi nằm giữa vườn xưa, một lát cắt phẳng lỳ, dòng nhựa ứa như máu chảy.
Hôm 22.4 là ngày Trái đất, người ta kêu gọi nhau hãy trồng thêm nhiều cây xanh, thế nhưng đi ngang qua những khu đô thị mới mở của Hà Nội phía quận Hà Đông, cây xanh mới trồng đã chết ngổn ngang. Những xác cây khẳng khiu chọc vào nền trời những dấu hỏi vì sao.
Hà Nội đang là cuối mùa xuân, tôi giật mình thảng thốt nghĩ tới tháng 6 chạy xe máy giữa đường và dừng đèn đỏ trong cái nóng 40, 41 độ. Cây xanh nếu biết khóc, chắc giọt nước mắt đã kịp khô trong nắng cháy.
Bình luận (0)