Chung tay bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19

Nước mắt lặng thầm của người mẹ gác chắn tàu

21/02/2023 08:31 GMT+7

17 tháng qua, trong số hơn 500 hồ sơ gửi về đăng ký với chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời nhằm bảo trợ trẻ mồ côi, với nghĩa cử và lòng nhân ái của bạn đọc, Báo Thanh Niên đã tổ chức ký kết bảo trợ lâu dài cho gần 300 em với tổng số tiền hơn 45 tỉ đồng.


Ngoài ra, báo cũng tổ chức các chuyến thăm hỏi, hỗ trợ khẩn cấp hoặc trao học bổng từng học kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều trường hợp vô cùng khó khăn cần xã hội dang rộng vòng tay yêu thương bảo trợ các em và gia đình vượt qua để bước tiếp.

Tìm hiểu kỹ thêm về một số hoàn cảnh, PV Thanh Niên ghi nhận những khốn khó vẫn đang hiển hiện trong từng mảnh đời, trong cuộc sống hằng ngày của các gia đình không may có người thân mất trong đại dịch.

Một lần dang dở hạnh phúc, bước thêm bước nữa, nào ngờ dịch Covid-19 cướp đi bờ vai mới. Biến cố ấy khiến người phụ nữ chết lặng từng đêm khi ấp ôm đứa con gái mới 5 tuổi vào lòng. Bà thương con trẻ côi cút khi tương lai phía trước còn dài.

Nước mắt lặng thầm của người mẹ gác chắn tàu - Ảnh 1.

Bà Liệu đón tàu lửa qua trạm

BÙI CHIẾN

HẠNH PHÚC VÀ ĐAU THƯƠNG

Người phụ nữ đó là Đậu Thị Liệu, tạm trú tại P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM, nhân viên gác chắn tàu lửa ở trạm Đỗ Tấn Phong (P.9, Q.Phú Nhuận) thuộc Công ty CP đường sắt Sài Gòn. Bà sinh năm 1976, quê xã Thanh Chi, H.Thanh Chương, Nghệ An, gắn bó với nghề gần 20 năm qua.

Cách nay hơn 10 năm, bà Liệu và chồng cũ chia tay khi con trai duy nhất là cháu N.B.N.H mới lên mười. Vài năm sau, bà gặp ông N.T.H, sinh 1957, một người đồng hương ở Nghệ An cùng cảnh ngộ, rồi đăng ký kết hôn. Hai người thuê phòng trọ ở P.5, Q.Gò Vấp và đưa cháu H. đến ở cùng. Kết quả hạnh phúc mới của vợ chồng bà là vào tháng 6.2018, cô con gái N.N.Tr cất tiếng khóc chào đời. Bà vẫn tiếp tục công việc gác chắn tàu, còn ông N.T.H thì chạy xe máy công nghệ. Cháu N.B.N.H học hết phổ thông rồi thi vào một trường cao đẳng. "Do nhà nội đơn chiếc, tuổi của ông bà lại cao và thường xuyên đau ốm nên tôi cho cháu về ở với ông bà để trọn đôi bề. Dù chia tay với ba cháu, nhưng ông bà vẫn thương, coi tôi là con dâu như bấy lâu. Bản thân tôi cũng thế, vẫn kính trọng ông bà là bậc cha mẹ, vẫn thường xuyên ghé thăm và lo toan những việc gia đình", bà tâm sự.

Rồi đại dịch ập tới, nhà bà bị nhiễm Covid-19, ông N.T.H có bệnh nền nên đưa vào điều trị tại Bệnh viện Quân y 175. Ngày 22.8.2021 bà nhận hung tin chồng qua đời. Thành phố đang phong tỏa không thể rời khỏi nhà, bà liên lạc nhiều nơi và cuối cùng được biết cơ quan chức năng đã đưa ông H. về hỏa táng tại Đồng Nai. Nén đau thương, khi thành phố trở lại bình thường, bà cùng gia đình chồng đưa hũ tro cốt ông H. về quê cho trọn đạo vợ chồng.

Nước mắt lặng thầm của người mẹ gác chắn tàu - Ảnh 2.

Bà Liệu dạy con học

Chồng chất KHÓ KHĂN

Sáng 14.2, chúng tôi hẹn gặp bà Liệu tại trạm gác tàu trên đường Đỗ Tấn Phong. Khi đến, bà đang cặm cụi ghi nhật ký vào sổ trực. Hôm nay bà trực cả ca ngày và ca đêm, thay một người có việc đang nghỉ phép. Một lúc sau, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng đường ngang Công ty CP đường sắt Sài Gòn (cấp trên của bà Liệu - PV) đến kiểm tra và cập nhật số liệu. Biết chúng tôi tìm hiểu về cuộc sống mẹ con bà, ông Hùng bày tỏ: "Cô ấy là một nhân viên lao động nghiêm túc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù cuộc sống gia đình rất khó khăn và đau thương do dịch Covid-19. Đơn vị và đồng nghiệp thấu hiểu hoàn cảnh nên luôn quan tâm, động viên và dành nhiều tình cảm cho cô ấy. Tuy nhiên, nếu có sự giúp đỡ của cộng đồng, sự chia sẻ của Báo Thanh Niên và bạn đọc, cuộc sống gia đình cô ấy sẽ vơi bớt đau thương, vơi bớt gánh lo, bởi hiện nay do đặc thù công việc, thu nhập của nhân viên gác chắn tàu còn thấp".

Quý bạn đọc có nhã ý chung tay cùng chương trình này xin vui lòng liên hệ số điện thoại: 0903956846 (gặp PV Thanh Đông - Ban Công tác bạn đọc). Chương trình sẽ khảo sát, tìm hiểu và chọn hồ sơ trẻ mồ côi do Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, phù hợp với khả năng của nhà bảo trợ để lên phương án giúp đỡ và ký kết bảo trợ cho trẻ theo từng giai đoạn.

Ngoài ra, nếu lựa chọn hình thức gửi tiền mặt ủng hộ chương trình, xin vui lòng đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM; Tòa soạn Hà Nội và các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước. Hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: Ủng hộ trẻ mồ côi do dịch Covid-19.

Từ ngày chồng mất, do tính chất công việc nên mỗi khi trực cả ngày đêm như thế, bà phải gọi con gái dậy từ mờ sớm rời phòng trọ đưa đến một trường mẫu giáo ở gần trạm để học. Nhiều khi cháu nói "mẹ ơi cho con ngủ thêm chút nữa" nghe mà thương đứt ruột, bà Liệu nước mắt ngân ngấn kể. Chiều đến, bà ghé đón con về trạm ngủ lại đến sáng hôm sau thay ca trực mới về lại phòng trọ. "Là việc chẳng đặng đừng chứ không ai cho phép đưa cháu về đây. Tôi đã trình bày với các anh chị lãnh đạo cùng đồng nghiệp, ai cũng thông cảm. Chính vì vậy, mình không được một chút sao nhãng trong công việc ảnh hưởng đến an toàn các chuyến tàu đi về qua trạm", bà cho biết thêm.

Điện thoại cá nhân có tín hiệu tin nhắn, bà đọc xong, nét mặt tươi lên rồi chùng xuống: "Con trai N.H báo vừa đăng ký học liên thông đại học ngành công nghệ thông tin, học phí chưa biết bao nhiêu. N.H bảo mẹ cố gắng lo và con cũng tự kiếm việc làm thêm để có tiền học. Được cái cháu rất ngoan, hiếu thảo và chăm học nên ai cũng thương. Năm ngoái cháu có suất đi học ở nước ngoài, do kinh phí không có nên đành chịu".

Với mức lương hiện tại cùng việc làm thêm không ngơi tay, bà gói ghém lắm cũng chỉ vừa đủ trang trải chi phí phòng trọ, mua sữa và việc học của cháu Tr. Cũng nhờ mỗi tháng một người tốt bụng thông qua Hội Phụ nữ P.5, Q.Gò Vấp, nơi bà thuê trọ, giúp cháu Tr. 500.000 đồng nên phần nào bù vào thiếu hụt. Rồi mỗi đêm khi con say giấc, bà lại đem việc may vá ra làm thêm. Bà nói với sự ước mong: "Giờ đây tôi chỉ cầu mong sức khỏe để làm việc nuôi con khôn lớn nên người. Thương cả hai đứa sớm thiệt thòi, côi cút mà quãng đường dài phía trước quá đỗi xa xôi, mình thì tuổi tác đã không còn trẻ…".

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.