Nước mắt muộn màng…

20/12/2015 00:29 GMT+7

Cuối cùng thì công lý đã được thực thi, hai án tử cho những kẻ giết người trong vụ thảm sát ở Bình Phước. Nhìn kẻ thủ ác ngã quỵ khi nghe tuyên án, hẳn nhiều người hài lòng, thoả dạ, nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi...

Cuối cùng thì công lý đã được thực thi, hai án tử cho những kẻ giết người trong vụ thảm sát ở Bình Phước. Nhìn kẻ thủ ác ngã quỵ khi nghe tuyên án, hẳn nhiều người hài lòng, thoả dạ, nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi...

Chủ mưu vụ án giết 6 người ở Bình Phước suy sụp ngay tại tòa khi nghe tuyên án tử hình - Ảnh: Đào Ngọc ThạchChủ mưu vụ án giết 6 người ở Bình Phước suy sụp ngay tại tòa khi nghe tuyên án tử hình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Gieo gì gặt nấy
Sự ngã quỵ và những giọt nước mắt ân hận muộn màng đó, dù đã đinh ninh được bản án của mình, chứng tỏ kẻ thủ ác Nguyễn Hải Dương vẫn còn có chút hy vọng được sinh tồn sau phiên toà chấn động ấy. Như văn hào Dostoievski phân tích, kẻ tử tù dù cho đến ngày lên đoạn đầu đài vẫn níu kéo chút hy vọng sống sót. Dã man, khủng khiếp nhất là khi bị cướp của giết người, khi bị tước mất mọi hy vọng về một phép màu giờ chót để thoát khỏi cái chết. Và đó không phải là cái chết của một người…
Nỗi ân hận và những giọt nước mắt muộn màng ấy là những “kịch bản” quen thuộc của những kẻ phạm tội tày đình. Kẻ tử tội ấy, trong lời nói cuối cùng trước phiên toà đã cho rằng hành động giết sáu người một cách dã man ấy chỉ do “một phút nông nổi”. Có lẽ lời lẽ đó là thành thực như lời nói của những người sắp chết, thế nhưng ai cũng biết rằng “một phút nông nổi” ấy được tích tụ bằng nhiều năm tháng.
Quả thật, ai cũng hiểu rằng để gây ra “một phút nông nổi” ấy tên tội phạm ấy đã suy tư, nghiền ngẫm kế hoạch giết chóc ấy gần nửa năm trời từ ngày bị “đánh mất thiên đường”. Và chỉ có thể nhìn sâu vào tính cách của những tên tội phạm trẻ kia, may ra người ta mới tìm được nguyên nhân sâu xa của việc giết người không gớm tay của chúng theo lý thuyết “gieo gì gặt nấy” của nhà văn Samuel Smiles: “Gieo hành vi, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận…”
Chuyến tàu mang tên dục vọng...
Trong truyện ngụ ngôn nổi tiếng Pinocchio, nhà văn Ý Carlo Collodo đã cho cậu bé người gỗ lên một con tàu để tiến tới một hòn đảo mang tên Khu vườn đồ chơi. Ở “vương quốc hoan lạc” này, Pinocchio và các bạn không làm gì cả, chỉ ăn chơi hưởng thụ, và cuối cùng thì bị biến thành những con lừa.
Câu chuyện này dù đã được viết từ thế kỷ XIX, nhưng chưa bao giờ hết tính ngụ ngôn và thời sự. Xem lại “lý lịch” toàn bộ những tên cướp của giết người tàn bạo đã man nhất gần đây như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa, Nguyễn Hải Dương, Trần Văn Điểm… người ta đều thấy có một điểm chung, đó là chúng đều bước lên những “con tàu mang tên dục vọng”. Trên con tàu đó là các trò chơi games, là vũ trường, là thói đua đòi ăn chơi bằng những đồng tiền không do tự mình làm ra. Không bị biến thành lừa như trong truyện, những thành niên tội đồ ấy biến thành những kẻ sát nhân.
Thật vậy, hầu hết những vụ cướp bóc giết người táo tợn nhất diễn ra trong thời nay hầu như không còn do những nguyên nhân vì thiếu thốn, đói nghèo. Như trong vụ thảm sát ở Bình Phước, phạm nhân Nguyễn Hải Dương từ một thanh niên nghèo, hiền lành, chăm chỉ, trở thành một “tay chơi” do quen biết với con gái ông chủ, theo những gì mà anh ta khoe trên facebook. Khi tan vỡ mối quan hệ, điều đau khổ nhất đối với anh ta có lẽ không phải là mất đi tình yêu mà chính là mất cuộc sống xa hoa mà anh ta đã được trải nghiệm. Những tính toán cho phi vụ vừa trả được hận tình vừa cướp bóc đã cho thấy điều đó. Nguyễn Hải Dương thực hiện vụ thảm sát “với động cơ đê hèn” như phiên toà nhận định, thế nhưng khi thực hiện có lẽ hắn nghĩ đến việc thực thi một “công lý giả”, như lời cuối cùng hắn nói với người yêu cũ trước khi ra tay sát hại: “Tất cả những gì xảy ra hôm nay là do anh bị đối xử…”
Mảng xám của màu xanh…
Lý do để có thể vẫn có người còn cảm thấy ngậm ngùi, lo âu trước bản án tử dành cho hai kẻ thủ ác vụ thảm sát ở Bình Dương chính là tuổi trẻ của các phạm nhân. Thử điểm lại những vụ án cướp, giết dã man nhất, người ta sẽ thấy đa số các phạm nhân chỉ độ mười tám đôi mươi. Đây là độ tuổi đẹp nhất của đời người, độ tuổi mà con người thường sống với những mơ tưởng trong sáng nhất, đẹp đẽ nhất. Theo quy luật thông thường, chỉ với thời gian và những va vấp trên đường đời, tính lý tưởng ấy mới rơi rụng dần theo thời gian, tuổi tác.
Thế nhưng giờ đây, những đối tượng phạm tội hình sự nhiều nhất đang là các đối tượng ở độ tuổi này. Điều đó cũng trùng hợp với thời điểm mà tính cách và khát vọng con người có sự xáo trộn, đảo lộn lớn nhất. Hãy đi vào các vũ trường, các tiệm games để thấy lứa tuổi nào đang lao đầu vào các trò ăn chơi thực và ảo đó để mà lo âu, kinh sợ. Hầu như cứ định kỳ một vài tháng là người ta lại đọc được những tin tức về những cuộc gần như “bố ráp” của công an ở những vũ trường, nhà hàng lớn để ngăn chặn việc ăn chơi sa đoạ và sử dụng ma tuý ở những nơi này…
Không thể đổ lỗi cho ngành giáo dục vì thực trạng này ở một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên. Như ở các thời kỳ trước, nhiều người đâu có học hành gì nhưng vẫn được dạy dỗ một cách nghiêm khắc và hầu như tự động về mọi quy tắc luân lý và đạo đức trong gia đình và xã hội. Những phép tắc, lễ nghi, tôn giáo, đạo đức, lương tâm…, những giá trị được cho là cũ kỹ, lỗi thời, đã bị tan vỡ dần theo thời đại kỹ nghệ như phân tích của không ít nhà xã hội học trên thế giới.
Và những nạn nhân chịu ảnh hưởng nhiều nhất đó là tuổi trẻ. Có lẽ, thực trạng phạm tội của thành thiếu niên hiện nay mà vụ thảm sát ở Bình Phước, là khá tiêu biểu cho lời “tiên tri” của nhà sử học Will Durant: “Kẻ nào cho bờ đê cũ là vô dụng nên phá đi thì chắc chắn phải chịu cảnh hoang tàn vì nước lũ”.
Chắc chắn sẽ còn những “mảng xám” tội phạm trên màu xanh của tuổi trẻ, sẽ còn những giọt nước mắt ân hận muộn màng vì phạm tội trong giới trẻ như những giọt nước mắt của Nguyễn Hải Dương, nếu như con người vẫn quá chú trọng đến những giá trị vật chất và rời xa những giá trị tinh thần…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.