Nước mắt người chăn bò

18/09/2018 10:06 GMT+7

Chính quyền địa phương H.Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) đã mạnh tay xử phạt các chủ chăn nuôi khi cho rằng họ để gia súc thả rông. Nhiều "khổ chủ" đang kêu cứu chuyện này.

1,8 triệu đồng trả công... chăn dắt
Ngày 12.9, anh Võ Tiến Dân (36 tuổi, ở tổ 7, TT.Phú Lộc, H.Phú Lộc) đã vay mượn tiếp 1 triệu đồng để nộp cho Tổ quản lý bảo vệ về chăn nuôi gia súc (QLBVVCNGS) do UBND TT.Phú Lộc thành lập. Đây là khoản tiền anh còn “nợ”, sau khi UBND TT.Phú Lộc phạt anh thả rông đàn bò 10 con vi phạm quy định về chăn nuôi gia súc (mức phạt 3 triệu đồng).
Chuyện xảy ra đã 3 tháng. Trước đó, sáng 6.6, anh Dân chăn thả đàn bò ở khu vực gần Đập Thôn (TT.Phú Lộc) thì bị Tổ QLBVVCNGS đến bắt giữ, lùa đàn bò về chuồng nuôi nhốt “dã chiến” lộ thiên giữa đồng. Sau khi làm việc với chính quyền, anh Dân bị phạt 200.000 đồng nhưng không có quyết định xử phạt vi phạm hành chính; bị thu 1,8 triệu đồng trả công cho 9 người do Tổ QLBVVCNGS điều động chăn dắt đàn bò “vi phạm”; 1 triệu đồng tiền công cắt cỏ, chăn nuôi đàn bò trong 1 ngày. Sau khi vay mượn 2 triệu nộp phạt để dắt đàn bò về, anh Dân xin khất nợ 1 triệu đồng còn lại và liên tục gửi đơn kêu oan, khiếu nại đến UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, UBND H.Phú Lộc và một số cơ quan khác. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ quan nào giải quyết khiếu nại.
Chúng tôi đã về tận nơi gia đình anh Dân sinh sống. Đó là một lán trại tạm bợ dành cho vợ chồng và 2 con nhỏ. “Nhà” nằm bên bìa rừng dưới chân núi Bạch Mã, chung quanh khá nhếch nhác do anh Dân nuôi heo gà. Quê gốc Quảng Nam, anh lấy vợ là người ở TT.Phú Lộc, được người thân bên vợ cho mượn khu đất dựng tạm lán trại kiếm kế sinh nhai. Gần đây, anh được một người dân cho chăn nuôi đàn bò 10 con để lấy công, chia lợi. “Bình thường vợ chồng tôi chăn bò ở khu vực xa hơn, nhưng dịp đó tôi lùa bò về gần nhà để tiêm phòng, sáng lùa bò ra đồng cho ăn thì bị bắt giữ. Bò tôi chăm không gây hư hại hoa màu ai, không gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị gì nhưng sao lại bắt và phạt?”, chị Nhung (vợ anh Dân) vừa khóc vừa kể.
Không có biển cấm!
Theo tìm hiểu, khu vực anh Dân chăm đàn bò là cánh đồng lúa xen lẫn một số đất màu, không có biển “cấm chăn thả gia súc”. Sau mùa gặt, khu vực này có nhiều cỏ, rơm rạ nên một số người thả bò vào ăn. Hộ bà Phạm Thị Mai (53 tuổi, cùng ở tổ 7, TT.Phú Lộc) cũng từng phải làm việc với chính quyền TT.Phú Lộc để xin lại 2 con bê “đi lạc” và bị Tổ QLBVVCNGS bắt nhốt. Khi biết tin bị phạt và thu tổng cộng 2 triệu đồng, bà Mai ngất xỉu ở trụ sở UBND thị trấn, sau đó được "cho qua". Ông Nguyễn Thành, ở tổ 8 (cùng TT.Phú Lộc), phải nộp phạt, trả tiền chăm nuôi sau khi đàn trâu bị bắt giữ do vi phạm quy định của thị trấn...
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND TT.Phú Lộc, lý giải địa phương ban hành quy định xử phạt nhằm tăng cường công tác về trật tự, mỹ quan đô thị, an toàn giao thông... trong thị trấn. Cụ thể, ngày 19.1.2017, UBND TT.Phú Lộc đã ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND quy định về chăn nuôi gia súc trên địa bàn, đồng thời lập Tổ QLBVVCNGS (do trưởng công an thị trấn làm tổ trưởng, chỉ huy trưởng quân sự thị trấn làm tổ phó). “Trước đây tuyên truyền, nay cứng rắn hơn là xử phạt. Hiện đã có 70% số hộ dân đã chấp hành và chăn thả đúng nơi quy định”, ông Nam nói thêm.
Theo quyết định của UBND TT.Phú Lộc, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, các trường hợp vi phạm còn phải chi trả công cho cán bộ Tổ QLBVVCNGS và người liên quan (200.000 đồng/người/ngày); công chăm, giữ trâu bò (250.000 đồng/ngày đối với 1 con gia súc, 400.000 đồng/ngày đối với 2 - 5 con, từ 500.000 - 1 triệu đồng/ngày đối với đàn từ 5 con trở lên).
Ban hành quy định trái pháp luật
Liên quan việc ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND của UBND TT.Phú Lộc, luật sư Võ Công Hạnh (Giám đốc Công ty luật Công Khánh, TP.Huế) cho rằng đối chiếu các cơ sở pháp lý hiện có như điều 30 luật Ban hành văn bản pháp luật, điều 70 luật Tổ chức chính quyền địa phương, luật Thú y 2015, luật Bảo vệ môi trường 2005, Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV... thì UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quản lý chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, xem xét các quy định liên quan đến chăn nuôi gia súc mà UBND TT.Phú Lộc viện dẫn để ra quyết định, cũng không có quy định (về chăn nuôi gia súc cho địa bàn) giao cho UBND xã, nên UBND TT.Phú Lộc không có thẩm quyền. Vì vậy, Quyết định số 07/2017 kể trên là trái pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.