Nước mắt sau đại dịch

30/05/2023 04:15 GMT+7

"Khi đoàn giám sát phòng, chống dịch Covid-19 đi đến các địa phương, chúng tôi đã phải chứng kiến rất nhiều người đã phải rơi nước mắt".

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP.HCM, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã chia sẻ như vậy trên Hội trường Diên Hồng khi Quốc hội giám sát tối cao về phòng, chống dịch Covid-19 hơn 3 năm qua. Những giọt nước mắt mà bà Lan và đoàn giám sát của Quốc hội chứng kiến là của những cán bộ, nhân viên ngành y tế tại nhiều địa phương. Chia sẻ với người viết bên hành lang nghị trường, đại biểu đoàn TP.HCM nói những cán bộ, nhân viên y tế từng ở tuyến đầu chống dịch, từng là những "anh hùng áo trắng" thì nay đang trở thành những người bị giám sát, thanh tra, kiểm tra, thậm chí là điều tra. "Cán bộ nhân viên y tế phải trả giá cho đại dịch này quá lớn", bà Lan ngậm ngùi.

Những "giọt nước mắt" khi đại dịch đi qua cũng được nhiều đại biểu chia sẻ tại phiên thảo luận ngày hôm qua. Cũng trên nghị trường, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) chia sẻ lại tâm sự của một bác sĩ mà ông được gặp khi đi giám sát. Bác sĩ đó nói rằng trong quá trình phòng, chống dịch, đội ngũ y sĩ, bác sĩ đã cố gắng hết sức mình làm mọi cách để cứu bệnh nhân, vì sinh mệnh con người là quý nhất. Thời điểm đó, xã hội xem họ là những "anh hùng áo trắng". Tuy nhiên, khi hết dịch, qua vụ án của Việt Á và các vụ án có liên quan, hình ảnh những anh hùng áo trắng không còn nữa. Nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian, tâm trí và công sức nhất của các bác sĩ, các nhà quản lý y tế là viết các báo cáo giải trình cho các cơ quan chức năng.

Vị bác sĩ này cũng chia sẻ khi làm việc với các cơ quan chức năng, thành viên trong đoàn thanh kiểm tra đã nói rằng: Trước tiên tôi xin cảm ơn các anh vì đã cứu gia đình tôi trong cuộc chiến Covid-19. Nếu không có các anh thì mẹ tôi, con tôi và gia đình tôi đã không qua khỏi. Nhưng trong quá trình đó các anh đã làm chưa đúng quy định pháp luật nên chúng tôi buộc phải xử lý… Công lý vốn không có chỗ cho nước mắt.

Ai làm sai, ai tham ô, tham nhũng, ai lợi dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi, dù chỉ một đồng thì dù là thời bình hay thời chiến đều phải xử lý nghiêm minh. Hơn thế, trong thời điểm mà cả xã hội dốc sức phòng chống dịch, các y, bác sĩ quên mình cứu người, lại có những kẻ lợi dụng để vun vén, vơ vét tư lợi, tham ô, tham nhũng thì càng phải thẳng tay trừng trị. Đó là nguyên lý của lẽ công bằng mà ai cũng có thể dễ dàng thừa nhận. Song, như có đại biểu chia sẻ trong chống dịch, có bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu điều phải quyết định mà chưa có tiền lệ. Nhiều cái hợp lý trong thời điểm chống dịch nhưng không hợp pháp trong thời này. Vì vậy, có lẽ là chưa thật công bằng nếu cứ "nảy mực tàu" áp dụng những quy định thông thường cho tình huống chưa có tiền lệ mà mục tiêu duy nhất chỉ để đồng lòng đưa đất nước vượt qua đại dịch.

Tại phiên giám sát, nhiều đại biểu đã có cùng một kiến nghị: Phải xem xét thật có lý, có tình, công bằng với những ai có sai sót nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch. Quan trọng hơn là phải sớm kết thúc các vụ án để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng thực hiện những công vụ mới; để hệ thống tiếp tục được vận hành và tiến lên phía trước. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.