Nước mắt về khát vọng hoàn lương của nữ phạm nhân ở Trại giam Gia Trung

22/11/2023 20:10 GMT+7

Sáng 22.11, nhiều nữ phạm nhân tại Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) ở xã Đak Ta Ley, H.Mang Yang (Gia Lai) đã rơi nước mắt trong cuộc sẻ chia 'Chọn một con đường, chọn một lối đi'.

Chương trình do Trại giam Gia Trung phối hợp Nhà xuất bản Phụ nữ VN tổ chức. Có mặt tại đây, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ VN, mang theo phần quà gồm hơn 200 cuốn sách với nhiều chủ đề bổ ích, bổ sung vào nguồn sách còn thiếu của thư viện ở trại giam.

Hơn thế, bà còn mang đến đây những câu chuyện có thật để chia sẻ với 200 nữ phạm nhân có mặt. Đấy là những câu chuyện về nhiều trường hợp lỗi lầm dẫn đến kết quả không hay trong cuộc đời, là bao câu chuyện hướng thiện, hoàn lương để tiếp tục sống đẹp, sống có ích cho chính mình, cho xã hội.

Nước mắt về khát vọng hoàn lương của nữ phạm nhân ở Trại giam Gia Trung - Ảnh 1.

Cuộc nói chuyện với hơn 200 nữ phạm nhân ở Trại giam Gia Trung

TRẦN HIẾU

Đây là chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ VN và Bộ Công an với mục đích "Giáo dục phạm nhân, trại viên, học sinh nữ và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2021 - 2026".

Đại tá Phạm Khắc Trung, Phó giám thị Trại giam Gia Trung cho biết, đơn vị đang quản lý, giáo dục cải tạo 3.377 phạm nhân, trong đó có 358 phạm nhân nữ. Nhằm làm tốt công tác giáo dục, tác động tâm lý, thay đổi nhận thức của phạm nhân, Trại giam Gia Trung thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động giáo dục mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với từng phạm nhân. 

"Đây cũng là dịp tốt để các phạm nhân nữ có thêm niềm tin vào cuộc sống, nỗ lực cải tạo tốt để trở về hòa nhập với gia đình, xã hội", ông Trung nói.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ: "Nhiều câu chuyện, nhiều trường hợp vì những lý do nào đó đã lầm lỗi, phải chịu những bản án của pháp luật trong và ngoài nước. Nhưng nếu có khát vọng hoàn lương thì cánh cửa cuộc đời không hề khép lại. Niềm tin, hy vọng đó sẽ giúp mọi người tìm lại con đường đúng đắn để trở về, sửa chữa những lỗi lầm của mình".

Nước mắt về khát vọng hoàn lương của nữ phạm nhân ở Trại giam Gia Trung - Ảnh 2.

Diễn giả Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ, tâm sự với các nữ phạm nhân

TRẦN HIẾU

Ngày mai, sẽ không bao giờ muộn

Trước sự cởi mở, động viên của diễn giả Khúc Thị Hoa Phượng và Ban Giám thị Trại giam Gia Trung, nhiều nữ phạm nhân đã mạnh dạn bày tỏ hoàn cảnh của bản thân. Họ cũng mong muốn, thể hiện quyết tâm cải tạo tốt để sớm được trở về.

Phạm nhân P.T.E (ở Gia Lai) đang thụ án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiện đã thụ án được hơn 15 năm. Nhờ sự cải tạo tốt trong những năm qua mà phạm nhân E. đã được giảm án 2 lần. 

"Ngoài giờ lao động, cải tạo, tôi và những người bạn cùng phòng mượn các cuốn sách về kỹ năng sống, giáo dục pháp luật để đọc. Từ những câu chuyện, kiến thức qua các trang sách, tôi cũng ngẫm nghĩ về lỗi lầm của bản thân, giúp tôi có thêm động lực để cải tạo tốt với mong muốn sớm hòa nhập cộng đồng", nữ phạm nhân E. nói trong nước mắt.

Nước mắt về khát vọng hoàn lương của nữ phạm nhân ở Trại giam Gia Trung - Ảnh 3.

Nữ phạm nhân P.T.E xúc động khi sẻ chia hoàn cảnh của mình

TRẦN HIẾU

Hay nữ phạm nhân Y.T (29 tuổi, ở Kon Tum) bị án chung thân vì tội vận chuyển chất ma túy trái phép. Hiện T. đã cải tạo được hơn 5 năm, đang là đội trưởng của các tổ nghề mây tre đan, may.

T. nghẹn ngào: "Vì là người đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng khó khăn nên khi nghỉ học sớm đã nghe bạn bè lôi kéo đi vận chuyển ma túy rồi mang tội. Khi nhận mức án cao em cũng rất sốc và hoang mang. Nhờ được sự tuyên truyền, động viên của các giám thị ở đây mà em dần ổn định tâm lý, quyết tâm cải tạo tốt. Hy vọng sau khi được hòa nhập với cộng đồng sẽ làm những việc có ích cho xã hội".

Nữ phạm nhân T.N.L.N (32 tuổi, ở Kon Tum) cũng chịu án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. N. vốn là nhân viên của một ngân hàng thương mại ở Kon Tum trước khi vướng vòng lao lý. 

N. kể: "Gia đình em cũng khó khăn. Sau khi tốt nghiệp đại học rồi có việc làm ổn định, em muốn phụ giúp gia đình nên làm thêm dịch vụ cho người khác mượn tiền để đáo hạn ngân hàng. Họ đã lừa em khi mượn rồi không trả. Em cứ lao theo, mượn nơi này, nơi khác để đắp vào nhưng không đủ. Số tiền nợ 25 tỉ đồng quá lớn đối với gia đình em. Em chịu án chung thân rồi bị giam ở Kon Tum 2 năm rưỡi, mới được đưa về Trại giam Gia Trung 13 ngày. Em sẽ cố gắng cải tạo tốt, hy vọng có cơ hội làm lại cuộc đời".

Mỗi nữ phạm nhân với những lỗi lầm, khát vọng được sẻ chia trong nước mắt khiến nhiều người có mặt xúc động. Bị cách ly khỏi đời sống xã hội, đấy là sự trừng phạt của luật pháp dành cho tội lỗi của họ. Song, chính khát vọng trở lại xã hội, ước mơ hoàn lương cũng như sự hỗ trợ, giáo dục từ các giám thị trại giam, từ những chương trình như thế này đã ươm mầm hướng thiện cho họ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.