Bận kín lịch nên để sắp xếp một cuộc gặp chỉ 30 phút trong những ngày này không hề đơn giản đối với nhiều lãnh đạo của các cơ quan nghiên cứu và tư vấn chính sách (còn gọi là think tank) tại Mỹ.
Những thế lực đầy ảnh hưởng
Gặp tôi, người đứng đầu một think tank của Mỹ chia sẻ: "Từ ngày 4.11 đến hết tuần, tôi không có một giây phút nào nghỉ ngơi. Tôi phải làm việc liên tục với các nhà tài trợ về diễn biến và các kịch bản bầu cử Mỹ".
Các think tank nhận tài trợ từ các tổ chức, cá nhân để hoạt động, từ nghiên cứu và tư vấn chính sách cho các chính phủ, doanh nghiệp và cả các tổ chức khác bao gồm trong và ngoài nước Mỹ. Bên cạnh đó, cũng có những think tank là các tổ chức vận động hành lang đóng vai trò "trụ cột" cho các chính trị gia, đảng phái chính trị tại Mỹ. Với các trường hợp này, các think tank phải ra sức hỗ trợ các phe chính trị xuyên suốt quá trình bầu cử.
Hẹn ăn sáng với tôi vào lúc 8 giờ 30 tại câu lạc bộ Cosmos - một địa điểm ở thủ đô Washington D.C mà giới tinh hoa thường lui tới, một cựu quan chức cấp cao của Mỹ và đang làm việc cho một think tank phải "đánh nhanh rút nhanh" để còn di chuyển tiếp. Nửa đêm hôm trước, ông mới quay lại Washington D.C sau nhiều ngày "lòng vòng" khắp nơi. Và khi cuộc bầu cử còn "nhùng nhằng" thì lịch làm việc của những người như vậy sẽ còn "không kịp thở", dù họ không còn làm việc trong chính quyền.
Hiện tại, Mỹ có hơn 2.200 think tank, nhiều hơn gấp đôi so với số lượng think tank tại nước này vào thập niên 1980. Về mặt lý thuyết, các think tank tạo ra những ý tưởng mới cho việc hoạch định chính sách, đánh giá các chính sách hiện có, thu hút sự chú ý đến những vấn đề bị bỏ quên, tập hợp các chuyên gia để thảo luận và tương tác với truyền thông. Họ cũng tham gia vào các nỗ lực vận động chính trị.
Tuy nhiên, cũng có một số cáo buộc cho rằng nhiều hoạt động tuyên truyền chính sách của các think tank được thực hiện lén lút trong các cuộc họp kín, không chính thức và không công khai. Cáo buộc như vậy cho rằng sẽ là rủi ro tiềm ẩn nếu những nhà hoạch định chính sách tiếp nhận quan điểm của think tank. Nói một cách khác, những cáo buộc này lo ngại các think tank thao túng chính sách.
Điển hình, hồi tháng 8, một tổ chức báo chí điều tra có trụ sở tại Anh là CCR (The Centre for Climate Reporting) đã công bố đoạn phim có chứa hội thoại của ông Russell Vought - một đồng tác giả của Dự án 2025. Là một nhân vật nổi tiếng của cánh hữu, ông Vought từng lãnh đạo Cơ quan Quản lý hành chính và ngân sách của Mỹ (trực thuộc Nhà Trắng) dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Trong đoạn phim, ông Vought tiết lộ về công việc hậu trường của mình nhằm chuẩn bị chính sách nếu cựu Tổng thống Trump quay lại làm chủ nhân Nhà Trắng. Cụ thể hơn, ông tiết lộ chính sách sẽ mở rộng quyền lực tổng thống, đồng thời siết chặt nhập cư. Thậm chí, vị chuyên gia này còn chắc chắn nhóm của ông đang bí mật soạn thảo hàng trăm mệnh lệnh hành pháp, quy định và bản ghi nhớ nhằm đặt nền tảng cho hành động nhanh chóng đối với các kế hoạch của cựu Tổng thống Trump nếu thắng cử, đồng thời mô tả công việc của ông là tạo ra các cơ quan "bóng tối" cho Nhà Trắng nếu ông Trump quay lại lãnh đạo.
Tất nhiên, phía đảng Dân chủ cũng có những think tank "thân hữu". Vì thế, khi bầu cử diễn ra các think tank cũng vào cuộc đua quyết liệt ở hậu trường.
Kéo dài đến sau bầu cử
Trong khi đó, nhiều think tank không liên hệ lợi ích trực tiếp với các phe chính trị ở Mỹ, mà vận động cho các doanh nghiệp hay nước ngoài thì sẽ phải theo đuổi các hoạt động khác.
"Từ bây giờ, chúng tôi phải đánh giá những kịch bản về kết quả bầu cử. Sau khi có kết quả bầu cử chính thức, chúng tôi phải xem xét các ứng viên tiềm năng cho những vị trí trong nội các của Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, qua đó dự báo chính sách sắp đến". Đó là chia sẻ của người đứng đầu một bộ phận của một think tank chuyên về quan hệ châu Âu với Mỹ cũng như hợp tác trong NATO.
Theo đánh giá, nếu kết quả cựu Tổng thống Donald Trump thắng thì nhiều khả năng sẽ là một "bộ sậu" mới được đưa vào Nhà Trắng, chứ các thành viên trong "đội hình" của ông trong nhiệm kỳ 2017 - 2021 sẽ khó có thể quay lại sau khi nhiều thuộc cấp cũ đã chỉ trích ông. Cũng vì lẽ đó, nhiều dự báo cho rằng ông Trump thắng cử thì nội các mới sẽ được ưu tiên tuyển chọn có tính trung thành cao, nên chưa hẳn chính sách của ông Trump vẫn còn đồng nhất với nhiệm kỳ 2017 - 2021.
Ngược lại, nếu Phó tổng thống Kamala Harris thắng cử thì nội các sẽ như thế nào vẫn là một ẩn số mà nhiều bên đang theo dõi. Nếu như đương kim Tổng thống Joe Biden có nửa thế kỷ kinh nghiệm về đối ngoại, thì bà Harris thực tế lại chưa trải qua nhiều công tác đối ngoại. Thêm vào đó, bà Harris được xem là một thế hệ sau trên chính trường Mỹ hiện nay, nên sẽ có sự gắn kết với các vấn đề quốc tế khác với người tiền nhiệm. Vì thế, dù định hướng chung đối ngoại có thể không đổi, nhưng cách thức thực thi có thể thay đổi lớn. Sự thay đổi như thế nào lệ thuộc rất lớn vào thành viên trong nội các nếu bà thắng cử.
Tất cả những điều đó sẽ khiến cho các think tank và giới ngoại giao các nước phải theo sát diễn biến, lên kịch bản và tính toán đường lối chính sách tương lai của Mỹ. Cứ thế, cuộc đua sẽ còn tiếp diễn ngay cả sau khi kết quả bầu cử được "chốt hạ" và thậm chí kéo dài đến hết tháng 1.2025.
Cảnh báo về thuyết âm mưu
Các quan chức bầu cử trên khắp nước Mỹ - đặc biệt là ở các bang "chiến địa" - đã cam kết duy trì tính toàn vẹn của cuộc bỏ phiếu và kêu gọi cử tri không để bị đánh lừa bởi các thuyết âm mưu.
"Ở Georgia, bỏ phiếu thì dễ nhưng gian lận thì khó. Hệ thống của chúng tôi an toàn và người dân của chúng tôi đã sẵn sàng", quan chức bang Georgia Brad Raffensperger nhấn mạnh vào ngày 4.11.
Trước khi ngày bầu cử chính thức diễn ra, cựu Tổng thống Donald Trump và nhiều chính trị gia đảng Cộng hòa đã cáo buộc cuộc bỏ phiếu bị "gian lận". Ông Trump đã nhiều lần đưa ra những tuyên bố (bị cho là sai sự thật) về việc đảng Dân chủ đang gian lận trong cuộc bầu cử. Ông cũng bị cho là đã "bóp méo" các vấn đề riêng lẻ trong việc bỏ phiếu nhằm mục đích khiến những người ủng hộ ông tin rằng cuộc bầu cử là không hợp pháp nếu ông thua cuộc.
Bình luận (0)